Bamboo Airways lỗ kỷ lục nhưng vẫn nỗ lực thanh toán hơn 500 tỷ tiền thuế

05/03/2023 07:47 AM | Kinh doanh

Ngày 4/3/2023, CTCP Tập đoàn FLC đã tiến hành phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2. Trong đó, nội dung quan trọng được các nhà đầu tư quan tâm đó là kế hoạch tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).

Bamboo Airways lỗ kỷ lục nhưng vẫn nỗ lực thanh toán hơn 500 tỷ tiền thuế - Ảnh 1.

Được sự đồng thuận của cổ đông, nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua trong sáng ngày 4/3, như: Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của Tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn…

Cũng trong chủ trương tái cơ cấu, Chủ tịch FLC cho biết, thời gian tới FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư các các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng.

"FLC đang làm việc với các chuyên gia tư vấn tài chính đầu ngành để đảm bảo tối đa hiệu quả, lợi ích cho Tập đoàn cũng như cổ đông ", Chủ tịch FLC cho biết.

Đối với khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV), FLC cũng có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần này.

Tuy nhiên, sau khi được ĐHĐCĐ ủy quyền, chúng tôi cũng cần xây dựng phương án đánh giá cụ thể bởi các chuyên gia tài chính, sau đó mới có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Khi có kế hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ sẽ thực hiện công bố thông tin để các cổ đông được biết ”, ông Nguyên nói.

Trước đó vài ngày, trong văn bản tri ân của Cục thuế Bình Định với hãng hàng không Bamboo Airway, doanh thu năm 2022 của hãng bay này đã được hé lộ, là hơn 13.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Mặc dù văn bản này cho biết tình trạng khó khăn của Bamboo Airways khi nguồn thu hoạt động kinh doanh không bù đắp nổi chi phí, nhưng con số thua lỗ không được nêu cụ thể.

Đến buổi họp hôm nay, các nhà đầu tư đã có số liệu cụ thể hơn để tham chiếu. FLC cho biết số tiền tập đoàn đang đầu tư vào Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng của hãng hàng không này.

Theo quy định kế toán, khi Bamboo Airways hoạt động thua lỗ, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư theo tỷ lệ sở hữu. Số FLC đã trích lập năm 2021 giữ nguyên khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng (Thông tin từ Doanh nghiệp và kinh doanh).

Như vậy, nếu tính ngược lại, số lỗ của Bamboo Airways trong năm 2022 rơi vào gần 16.800 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với khoản lỗ 10.369 tỷ đồng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) năm ngoái.

Nếu theo BCTC hợp nhất FLC quý III/2022, đến 30/09/2022, giá trị khoản đầu tư vào Bamboo Airways ghi nhận lỗ lũy kế là 1.268 tỷ đồng, tức tăng 768 tỷ đồng so với đầu năm 2021, nhỏ hơn nhiều so với con số 3.642 tỷ đồng ở trên.

Bamboo Airways lỗ kỷ lục nhưng vẫn nỗ lực thanh toán hơn 500 tỷ tiền thuế - Ảnh 2.

Báo cáo tài chính quý III/2022 hợp nhất FLC

Dù sao đi nữa, với Bamboo Airways, năm 2022 chắc chắn cũng là năm lỗ kỷ lục từ khi thành lập. Bởi trước đó, trong suốt giai đoạn từ khi thành lập đến hết năm 2020, Bamboo Airways (với tư cách là công ty con của FLC) chưa năm nào công bố lỗ.

Năm 2019, công ty công bố lãi 303 tỷ đồng. Thậm chí, vào năm Covid thứ nhất (2020), công ty vẫn có lãi trước thuế trên 400 tỷ đồng.

Năm 2021, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do Covid, lỗ sau thuế của Bamboo Airways vào khoảng 2.300 tỷ đồng*.

*Số liệu ước tính theo phần chia lãi/lỗ trong công ty liên doanh, liên kết trên BCTC hợp nhất của FLC năm 2021.

Những nguyên nhân khó khăn của năm 2022 có thể kể đến với Bamboo Airways như:

- Mâu thuẫn Nga - Ukraine, xung đột địa chính trị leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng, sức ép lạm phát, suy thoái dẫn đến chi phí trọng yếu nhiên liệu bay, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến.

-Thị trường bay quốc tế còn chưa khai thông, các hãng bay phải tập trung vào đường bay nội địa, do đó cạnh tranh khốc liệt về giá cước. Vì vậy, dù thị trường nội địa phục hồi, tăng trưởng nhanh nhưng không giúp các hãng bay cải thiện tình hình tài chính mà ngược lại, "càng bay nhiều càng lỗ nặng".

- Biến cố liên quan đến nhân sự cấp cao và phải tốn không ít thời gian để thực hiện chuyển giao, tái cơ cấu kiện toàn bộ máy mới.

Trong điều kiện đó, việc cố gắng thu xếp dòng tiền để thanh toán dứt điểm tiền thuế nợ đọng ngân sách nhà nước của thời kỳ trước để lại là một nỗ lực đáng ghi nhận của hãng hàng không này, thậm chí theo Cục thuế Bình Định, là "sự kiện đột phá nổi bật vượt quá mong đợi".

Riêng trong năm 2022, Bamboo Airways đã nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền thuế kỷ lục 546 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với số tiền thực nộp bình quân hàng năm về trước - văn bản của Cục thuế Bình Định cho biết.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM