Bài toán lao động mảng xe công nghệ: Các hãng chi tiền tỷ hỗ trợ, thu nhập tài xế vẫn bấp bênh do giá xăng tăng, bất đắc dĩ huỷ cuốc “vùng đỏ”…

17/11/2021 11:15 AM | Xã hội

Tâm lý của phần đông người tiêu dùng vẫn còn quan ngại về an toàn dịch bệnh. Tương tự, bản thân nhiều đối tác tài xế cũng có tâm lý e dè dịch bệnh, muốn hủy đơn với những điểm lấy hàng tập trung quá đông shipper, hủy giao hàng tại các “vùng đỏ”…

Sau hơn 1 tháng nới lỏng giãn cách, Tp.HCM đang từng bước đưa nền kinh tế và sinh hoạt người dân vào giai đoạn bình thường mới. Dù vậy, hệ quả kéo dài của đợt bùng phát dịch Covid-19 đã và đang trở thành những thách thức không nhỏ hiện nay. Một trong số đó là bài toán lao động, đặc biệt nhóm lao động phổ thông (đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trong đại dịch) đang rất khan hiếm.

"Các shipper thực sự quan trọng với tôi lúc này”

Là một trong những ngành sử dụng lao động phổ thông nhiều nhất (dưới hình thức đối tác), các hãng xe công nghệ chia sẻ đang nỗ lực để giải bài toán trên. Khi, đại dịch Covid-19 đã làm tăng tốc nền kinh tế kỹ thuật số vốn phát triển, đồng thời làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người dùng. Xu hướng mua hàng trực tuyến trên các nền tảng và sử dụng dịch vụ giao nhận của các đối tác xe công nghệ theo đó ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. 

Tại Việt Nam, trong 2 năm đại dịch, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định đội ngũ giao nhận hàng là con “át chủ bài” vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa giúp duy trì độ ổn định của chuỗi cung ứng hàng hóa thời 4.0.

Chị K.N (Tp.HCM) cho biết gần như khi dịch vụ xe công nghệ phát triển, chị không còn sử dụng xe cá nhân. Mọi sinh hoạt từ đi lên văn phòng mỗi ngày, gặp gỡ đối tác hay tụ tập bạn bè đều thực hiện thông qua các nền tảng gọi xe. Tuy nhiên, sau đợt dịch vừa rồi, tình trạng thiếu tài xế khiến chị K.N mất rất nhiều thời gian trong việc đặt cuốc thành công, chưa kể cước cũng tăng nhiều so với trước đó.

Hay chị K.A bày tỏ: "Các shipper thực sự quan trọng với tôi lúc này. Không ngày nào mà tôi không mua sắm trực tuyến và nhận vài món hàng gì đó. Nếu không có shipper thì người dân sẽ chết đói’’.

Không chỉ ý nghĩa với người dân, theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, shipper cũng giữ vai trò lực lượng huyết mạch giữ cho nền kinh tế vận động ngay cả trong điều kiện thành phố trở nên tồi tệ nhất bởi cách ly xã hội.

Dù chính quyền có hỗ trợ về lương thực, thực phẩm nhưng cũng không thể nào giải quyết hết được hết nhu cầu của hàng triệu người dân. Vì thế, trước khi chính quyền có những động thái triệt để hơn để bảo vệ sự an toàn cho mắt xích trọng yếu này của nền kinh tế số, các giải pháp hỗ trợ đầy ý nghĩa từ các công ty phát triển ứng dụng giao nhận, ứng dụng xe công nghệ… rất đáng được khích lệ và nhân rộng.

Các hãng xe công nghệ hỗ trợ cho hàng ngàn tài xế

 Bài toán lao động mảng xe công nghệ: Các hãng chi tiền tỷ hỗ trợ, thu nhập tài xế vẫn bấp bênh do giá xăng tăng, bất đắc dĩ huỷ cuốc “vùng đỏ”…  - Ảnh 1.

Be trang bị khẩu trang riêng cho tài xế.

Chia sẻ với chúng tôi, các bên cho biết đã sớm có những ứng phó trước với tình hình. Trong đó, các hãng ưu tiên tiêm vắc xin cho tài xế, chi tiền hỗ trợ thu nhập từ tháng 8/2021 cũng như tăng chiết khấu, đảm bảo an toàn để hỗ trợ đội ngũ trong quá trình vận chuyển trong bình thường mới.

“Ngay từ ngày đầu thành lập, Be đã chọn phương châm lấy tài xế làm gốc cho mọi hoạt động của ứng dụng gọi xe Be. Nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn, Be đã thu hút được hàng trăm ngàn tài xế thân thiết tham gia cộng tác. Và con số này vẫn tiếp tục tăng trong mùa dịch nhờ quy trình đăng ký và đào tạo hoàn toàn trực tuyến”, đại diện Be Group nói.

Suốt giai đoạn dịch bệnh căng thẳng vừa qua, Be liên tục đưa ra các chính sách như hỗ trợ tài xế là F0, F1 đảm bảo thu nhập, quỹ giúp đỡ tài xế có hoàn cảnh khó khăn, tiên phong tổ chức xét nghiệm cho tài xế… Ngay khi được hoạt động trở lại, Be còn đưa ra chương trình thưởng nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế, dù có chuyến xe hay không. Đặc biệt, Be Group đang phối hợp cùng Ngân hàng số Cake nhằm hỗ trợ sản phẩm tài chính phù hợp, được thiết kế riêng cho các tài xế.

Hay Gojek chi 4,5 tỷ, Grab dành 70 tỷ đồng để hỗ trợ đối tác tài xế và cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch Covid-19….

 Bài toán lao động mảng xe công nghệ: Các hãng chi tiền tỷ hỗ trợ, thu nhập tài xế vẫn bấp bênh do giá xăng tăng, bất đắc dĩ huỷ cuốc “vùng đỏ”…  - Ảnh 2.

Dostavista - công ty mẹ của dịch vụ dịch vụ giao nhận MrSpeedy tại Việt Nam - đổi tên thành Borzo vào tháng 8/2021.

Là hãng non trẻ trong làng xe công nghệ, Borzo cũng triển khai chương trình ‘Miễn phí chiết khấu 100% cho các đối tác tài xế Hà Nội’. Song song với nhiều chương trình giúp đối tác tăng thêm thu nhập, khích lệ tinh thần làm việc cho các tài xế…

“Hiện nay, tuy cả nước đang bước vào thời kỳ bình thường mới nhằm phục hồi nền kinh tế, nhưng hệ lụy mà Covid -19 để lại vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của nhiều người đặc biệt là các tài xế. Dù là một trong những lực lượng có việc làm tưởng như ổn định nhất trong làn sóng dịch lần thứ 4 nhằm đảm bảo nhu cầu mua sắm và giao thương cho người dân, nhưng nhìn chung thu nhập của các shipper trong đợt dịch kéo dài vừa qua vẫn chưa thể tốt hơn”, phía Borzo cho biết.

Trên thực tế, theo chia sẻ từ một đối tác tài xế của Borzo, trung bình một cuốc xe sau khi trừ các khoản phí chiết khấu cho ứng dụng, tiền thuế, xăng xe,  xét nghiệm Covid -19…, thu nhập ròng còn lại của các đối tác tài xế là không đáng kể. Lý do cũng rất đa dạng, ví dụ:

+ Thời gian chờ lấy hàng lâu và di chuyển đường dài trong các khung giờ cao điểm. Thậm chí nhiều đơn hàng có khi mất cả tiếng đồng hồ để hoàn thành, số lượng đơn hàng mỗi ngày càng khó thêm.

+ Việc xét nghiệm Covid -19 trong kỳ đỉnh dịch diễn ra thường xuyên, chi phí cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập ròng của các shipper.

Bên cạnh đó, tâm lý của phần đông người tiêu dùng vẫn còn quan ngại về an toàn dịch bệnh. Tương tự, bản thân nhiều đối tác tài xế cũng có tâm lý e dè dịch bệnh, muốn hủy đơn với những điểm lấy hàng tập trung quá đông shipper, hủy giao hàng tại các “vùng đỏ”…

Tất cả những lý do này đã kìm hãm thu nhập của các shipper trong thời kỳ đỉnh dịch vừa qua. Tuy dịch bệnh đang được kiểm soát, nhưng dựa trên kinh nghiệm chống dịch của các quốc gia trên thế giới, Covid-19 vẫn có khả năng tái bùng phát trong tương lai gần. Borzo hiện đã tiêm 2 mũi vắc xin cho 90% đối tác tài xế, chủ động cập nhật thông tin về dịch cho đối tác trên tất cả các kênh, tặng túi và áo (trước đây phải mua)....

Nói về bài toán lao động, phía Borzo chia sẻ thêm: “Những ứng dụng xe công nghệ luôn là nơi để cung cấp một công việc linh hoạt nhưng đồng thời ổn định về nguồn thu nhập. Đặc biệt chúng ta cần phải cân bằng được cung-cầu bằng cách tích cực làm việc cùng các doanh nghiệp, cửa hàng để cung cấp dịch vụ, từ đó đảm bảo công việc, thu nhập cho đối tác tài xế”.

Tri Túc

Từ khóa:  giá xăng tăng
Cùng chuyên mục
XEM