Bài toán công nghệ vào bất động sản: Khu dân cư thông minh mới tạo ra đô thị thông minh

31/05/2019 15:47 PM | Bất động sản

Quả thực, đô thị thông minh đã có quá trình phát triển “dài hơi” ở các quốc gia trên thế giới nhưng ở Việt Nam là những bước đi ban đầu. Riêng ở Tp.HCM, theo các chuyên gia, nguồn lực có, tài lực có nhưng để công nghệ bước chân vào lĩnh vực BĐS trong mô hình đô thị thông minh là bài toán cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể.

Trao đổi xung quanh câu chuyện ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý BĐS, cư dân ở các dự án nhà ở có ý nghĩa gì và thách thức ra sao ở thời điểm hiện tại, bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (Venus Corporation) đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho chính quyền trong việc quản lý cư dân

Theo bà Hương, công nghệ đem lại tiện nghi, tiện ích rất lớn trong đời sống, cụ thể là trong việc quản lý, vận hành tòa nhà, cư dân. Việc quản lý khu dân cư/tòa nhà/cư dân bằng công nghệ cũng chính là đang góp phần tạo nên bộ mặt trong câu chuyện đô thị thông minh hiện nay ở các TP lớn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của việc quản lý BĐS bằng công nghệ cũng giống như “con dao sắc”, nghĩa là phải biết kiểm soát nó thì mới mang lại hiệu quả cao.

Bà Hương cho rằng, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, vận hành tòa nhà hỗ trợ rất nhiều cho chính quyền địa phương trong việc quản lý cư dân.

 Bài toán công nghệ vào bất động sản: Khu dân cư thông minh mới tạo ra đô thị thông minh  - Ảnh 1.

Theo bà Vũ Ngọc Hương muốn tạo ra đô thị thông minh thì phải có nhiều lớp tham gia, bao gồm TP thông minh, khu dân cư thông minh, cư dân trong dự án thông minh. Ứng dụng công nghệ 4.0 đang dần thay đổi điều này tại các TP lớn

Cụ thể, chính quyền quản lý khối lượng cư dân trên địa bàn, còn những đơn vị quản lý vận hành tòa nhà thì cung cấp dịch vụ cho khối lượng cư dân đó. Nhưng chủ thể sát sao cư dân lại chính là đơn vị quản lý vận hành. Do đó, nếu có sự phối hợp giữa 2 chủ thể này thì chắc chắn những chủ trương chính sách của chính quyền sẽ đến được với cư dân nhanh chóng, kịp thời và linh hoạt hơn.

Theo bà Hương, công nghệ hay ở chỗ là chính phần mềm quản lý khách hàng thể hiện đầy đủ hết trên app, bất cứ lúc nào doanh nghiệp cũng có thể cung cấp thông tin được cho chính quyền. Từ chính sách cho em bé đi uống vitamin, giao quân, hay phổ biến chính sách chủ trương của chính quyền, chính sách pháp luật… đều được đẩy và thể hiện trên app. Việc quản lý vận hành dễ dàng hơn cho cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp BĐS.

“Nếu như gọi là đô thị thông minh nghĩa là thành phố thông minh, khu dân cư thông minh và cả người dân cũng phải thông minh. Mà muốn làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các chủ thể là chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành và cư dân trong dự án. Chẳng hạn, dùng công nghệ để đăng kí các tiêu chuẩn dịch vụ và các chủ thể phải đồng thời thực hiện”, bà Hương nhấn mạnh.

Thách thức nào với việc ứng dụng công nghệ vào quản lý BĐS?

Trong công tác bán hàng, rõ ràng nhiều CĐT có thể tư vấn bán hàng trực tuyến, có được các giao dịch thông qua mạng điện tử, nhằm rút ngắn giấy tờ hoặc bảo lưu bảo chứng tốt hơn.

Còn trong nghiệp vụ vận hành, quản lý tòa nhà các ứng dụng công nghệ đã giúp thông tin rõ ràng minh bạch và công khai hơn, cư dân tiếp cận dịch vụ tốt hơn.

“Hiện tại nước ta đang xây dựng các khu dân cư thông minh bằng cách là thông qua các công cụ quản lý trực tuyến, các ứng dụng công nghệ thông tin. Về các thiết bị, Việt Nam đã sản xuất ra được nhưng nếu nội địa hóa thì càng tích hợp nhanh hơn. Nếu tạo ra những khu dân cư thông minh thì sau đó sẽ đến từng người dân có ứng dụng thông minh”, bà Hương cho hay.

 Bài toán công nghệ vào bất động sản: Khu dân cư thông minh mới tạo ra đô thị thông minh  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, theo bà Hương, mặt tiêu cực của việc quản lý BĐS bằng công nghệ cũng giống như “con dao sắc”, nghĩa là phải biết kiểm soát nó thì mới mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành cư dân phải có sự chọn lọc. Cụ thể, đối với các khu đô thị mới thì việc ứng dụng công nghệ tương đối dễ nhưng muốn lan tỏa ra những khu đô thị hiện hữu thì bên cạnh đòi hỏi về cơ sở vật chất thì thay đổi thói quen của họ cũng là bài toán tương đối. “Tuy nhiên, theo tôi, nếu các doanh nghiệp thực sự làm đúng, làm tốt, tiện ích cho người dùng, phục vụ an sinh xã hội thì kiểu gì cũng thuyết phục được cư dân”, CEO Venus nhấn mạnh.

Bà Hương cũng chỉ ra các thách thức cho việc ứng dụng công nghệ vào quản lý BĐS và cư dân.

Thứ nhất, thách thức đến từ công cụ. Muốn tạo ra đô thị thông minh thì trước tiên phải có công cụ thông minh, ít nhất mỗi người phải có 1 smartphone mới cài được ứng dụng. Như vậy, trong quản lý nội bộ, bản thân các doanh nghiệp phải trang bị thêm các thiết bị này để tạo ra tính tương tác đồng bộ giữa các cư dân trong dự án. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải trang bị thiết bị này. Tuy nhiên, hầu như chỉ 80% các thiết bị đáp ứng, còn lại dùng thủ công truyền thống. Vì thế, trở ngại của doanh nghiệp là phải biết cách kết hợp giữa ứng dụng và thủ công truyền thống chứ không thể tuyệt đối 100% công nghệ hóa được.

Thứ hai, duy trì hệ thống quản lý ứng dụng “ngốn” kinh phí không hề nhỏ của doanh nghiệp quản lý, vận hành tòa nhà/chủ đầu tư. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận đầu tư cả phần cứng và con người để duy trì phần mềm. Khi có ứng dụng rồi lại phải có bộ phận để tải nội dung vào.

Ngoài ra, theo bà Hương, bài toán thách thức với doanh nghiệp là làm sao phải bảo mật được dữ liệu và có đủ tiềm lực tài chính để chủ động được hệ thống của mình.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM