Airbnb muốn thống trị thị trường chia sẻ nhà ở béo bở tại Trung Quốc

15/04/2019 09:10 AM | Xã hội

Nhiều công ty đa quốc gia, trong đó có Airbnb, đang cố gắng cạnh tranh để chiếm được thị phần trong thị trường chia sẻ nhà ở tại Trung Quốc.

Số người Trung Quốc sinh từ năm 1981 đến 1996 nhiều hơn tất cả dân số Mỹ và 70% trong số họ đã sở hữu nhà ở. Điều đó biến millenial Trung Quốc trở thành những khách hàng mục tiêu hấp dẫn cho dịch vụ chia sẻ nhà của các công ty toàn cầu. Nhưng hầu hết họ đang dựa vào các công ty nội địa hàng đầu của Trung Quốc để mở đường dẫn lối, trong khi đó, Airbnb đang thực hiện một chiến thuật độc đáo hơn.

Theo Euromonitor, dù có rất nhiều tiềm năng, chia sẻ nhà ở vẫn chỉ là một lĩnh vực khá non trẻ ở Trung Quốc, chỉ chiếm 5% trong tổng giá trị 93 tỷ USD của thị trường thuê nhà ở tại quốc gia châu Á này. Trong khi đó, theo Statista, thị phần của chia sẻ nhà ở Mỹ chiếm gần 10%.

Tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài không dễ dàng kiếm được lợi nhuận. Rào cản ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa và các quy định của chính quyền địa phương đã gây khó khăn cho nhiều công ty nước ngoài. Hệ quả là nhiều công ty đã bán hết cổ phần hoặc đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh địa phương.

Ví dụ, Expedia đã bán cổ phần ở công ty Trung Quốc eLong của họ cho Ctrip.com - ông lớn trong thị trường du lịch trực tuyến của Trung Quốc, do eLong kinh doanh thua kém. Nhà lãnh đạo thị trường toàn cầu Booking Holdings Inc., tập đoàn sở hữu Agoda - công ty du lịch trực tuyến khổng lồ có trụ sở tại Singapore, cũng sở hữu tỉ lệ cổ phần đáng kể trong Ctrip bên cạnh nhiều dự án đầu tư khác tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trái với các công ty trên, Airbnb lại có một chiến lược khác. Sau khi rút lại thỏa thuận với công ty chia sẻ nhà hàng đầu ở Trung Quốc Tujia vào năm 2017, họ đã xây dựng một đội ngũ nhân viên riêng, bao gồm khoảng 300 nhân viên địa phương.

Năm ngoái, Airbnb đã bổ nhiệm doanh nhân dày dạn Tao Peng làm chủ tịch địa phương, bên cạnh đó, đồng sáng lập Airbnb Nate Blecharczyk trực tiếp lãnh đạo hoạt động của công ty tại thị trường Trung Quốc.

Airbnb muốn thống trị thị trường chia sẻ nhà ở béo bở tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị phần thuê nhà ngắn hạn ở Trung Quốc 2018


Airbnb cho biết họ đang đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng công ty này còn một con đường dài phía trước. Theo ông Blecharczyk, lợi thế cạnh tranh khác biệt của Airbnb chính là danh sách nhà quốc tế đa dạng, danh sách nhà nội địa hiện chiếm hơn ½ doanh nghiệp Trung Quốc.

Ít nhất ở quốc gia châu Á này, Airbnb đang thực hiện chính sách tiếp cận trực tiếp với chính quyền địa phương, không giống như chiến lược của họ ở các đất nước khác. Dù được đầu tư nhiều, Airbnb đến nay vẫn chỉ giành được 7% thị phần chia sẻ nhà ở tại Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh của họ rất đáng gờm; 2 công ty lớn nhất Tujia và Xiaozhu sở hữu gần ½ thị trường.

Tuy nhiên, Airbnb có lợi thế là một lựa chọn yêu thích của millenial. Cho đến nay, millenial chiếm 58% khách hàng toàn cầu của Airbnb và 69% khách hàng của Airbnb ở Trung Quốc. Millenial Trung Quốc chiếm 25% trong số 1,4 tỷ người dân Trung Quốc và họ thích đi du lịch.

Theo Ipsos, vào năm ngoái, nhóm tuổi này đã dành 36% thu nhập cho du lịch so với con số 28% trung bình của dân số Trung Quốc. Để có tiền cho chuyến đi của mình, millenial đã đăng ký nhà của họ để cho thuê. Khoảng 90% người dân Trung Quốc sở hữu nhà ở, so với tỉ lệ 65% ở Mỹ.

Airbnb muốn thống trị thị trường chia sẻ nhà ở béo bở tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Dù có cơ hội lớn, nhưng khả năng thống trị thị trường chia sẻ nhà ở Trung Quốc của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Tình trạng chính trị vẫn tiếp tục là thách thức lớn nhất, số hộ chiếu và nơi ở của khách phải được báo cáo cho chính quyền, và chủ nhà phải trả mức thuế cao và thậm chí phải lấy lòng các quan chức địa phương để được thuận lợi kinh doanh.

Booking, 20% hoạt động kinh doanh toàn cầu là cho thuê nhà/phòng ngắn hạn trong năm 2018, sở hữu đủ nguồn vốn dồi dào để đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Công ty này cũng có lợi thế nhờ số lượng lớn các đối tác địa phương.

Ngược lại, Airbnb quyết tâm đơn thương độc mã tại thị trường, nơi rất ít công ty Mỹ đã thành công. Nhưng để thu hút 400 triệu millenial Trung Quốc, họ có thể cần tích hợp rất nhiều yếu tố địa phương.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM