Bài học lớn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng của CEO startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam

15/02/2023 15:14 PM | Kinh doanh

Anh Trần Vũ Quang là founder kiêm CEO OnPoint - startup nổi bật nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam khi gọi vốn thành công 50 triệu USD vào năm 2022. Anh Quang cho biết, quá trình làm trợ lý riêng cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho anh rất nhiều bài học.

Bài học lớn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng của CEO startup dịch vụ hỗ trợ TMĐT số 1 Việt Nam - Ảnh 1.

Anh Quang chia sẻ, nhờ một người bạn đang làm trợ lý cho ông Vượng mà anh có cơ hội gặp vị tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Được ngỏ ý trở thành trợ lý cho ông Vượng, anh đồng ý ngay vì muốn được làm việc và học hỏi về các tư duy làm việc của tỷ phú giàu nhất Việt Nam.

“Việc sang làm với anh Vượng sẽ giúp tôi học được về cách phục vụ khách hàng vì chất lượng dịch vụ của VinGroup nhìn chung là tốt” , CEO OnPoint chia sẻ.

Anh Quang chia sẻ, ông Phạm Nhật Vượng có khả năng tư duy, học cái mới và phản biện rất nhanh. Mỗi lĩnh vực mới, ông Vượng đều có trợ lý riêng để tư vấn, tổng hợp thông tin nên việc học cái mới rất nhanh.

Ông Vượng biết cách xây dựng niềm tin cho nhân viên, một khi đã quyết tâm làm thì nhân viên sẽ sống chết phải làm bằng được. Sự quyết liệt là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ông Vượng cực kỳ quyết liệt trong hành động, và cực kỳ có kỷ luật.

Anh Quang chia sẻ rằng mình không hề ngộ ra chân lý này trong khoảng thời gian làm việc tại VinGroup nhưng sau khi khởi nghiệp với OnPoint, anh mới có nhiều cơ hội áp dụng những điều này vào điều hành công ty.

Bên cạnh đó, anh còn học được Tinh thần Đại Việt của ông Vượng, sự khao khát giúp đất nước phát triển hơn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt. Đặc biệt, anh học được tính quyết liệt, hướng mục tiêu, làm đến cùng, không nhượng bộ, không hạ tiêu chuẩn xuống và khi có mô hình kinh doanh thất bại thì dừng ngay lập tức.

Anh Quang nhấn mạnh: “Đặc biệt, ông Vượng thường suy nghĩ cực kỳ lớn, luôn cho rằng phải làm được gấp 10, thậm chí 100 lần thay vì gấp 2 - 3 là tốt rồi như mọi người nghĩ” .

CEO OnPoint chia sẻ: “Đối với tôi, mục tiêu trở thành kỳ lân chỉ là một cột mốc, không phải là đích đến. Đích đến quan trọng hơn của chúng tôi là phục vụ 100 triệu khách hàng tại Đông Nam Á” .

Nếu nói về tham vọng trong tương lai của OnPoint, CEO Trần Vũ Quang cho biết, kỳ vọng OnPoint sẽ IPO ở nước ngoài với mục tiêu giá trị rất lớn. Các nhà đầu tư của OnPoint hiện tại cũng sẽ muốn như vậy vì không ai muốn bỏ ra 50 triệu USD để thu về 200 - 300 triệu USD cả, anh Quang chia sẻ thêm.

Năm 2022, OnPoint gọi vốn thành công 50 triệu USD từ SeaTown Holdings, gấp hơn 6 lần số vốn gọi được vào năm 2020. Đây cũng là thương vụ gọi vốn lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong mảng dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.

Thực tế, trong mảng e-commerce enabler ở Việt Nam, OnPoint đứng vị trí số 1 và vượt rất xa những công ty đứng phía sau, anh Quang cho biết. Các tổ chức dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể lên đến 40 - 50 tỷ USD trong 3 năm tới và có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu ở Đông Nam Á… Điều này góp phần khiến định giá của OnPoint tăng rất mạnh trong lần gọi vốn tiếp theo.

Anh Quang khẳng định, mục tiêu trở thành “kỳ lân” chỉ là một cột mốc chứ không phải đích đến. Anh cho rằng: “1.000 tỷ USD chỉ là cột mốc tại một thời điểm nhất định thôi. Cá nhân tôi cùng như OnPoint sẽ hướng về những giá trị mình tạo ra nhiều hơn là một cốt mốc doanh thu nhất định” .

Ngoài các sàn thương mại điện tử truyền thống, OnPoint cũng hướng tới vị trí số 1 tại các sàn thương mại trên các mạng xã hội khác như Shopee, TikTok Shop, Facebook… Đồng thời, OnPoint tìm kiếm các cơ hội đầu tư và hợp tác với công ty e-commerce enabler (cung cấp dịch vụ thương mại điện tử) ở nước khác.

CEO OnPoint luôn quan niệm làm startup cũng giống như chạy marathon. Ở vạch xuất phát có rất nhiều người chạy cùng nhau. Ngó sang bên trái, ngó sang bên phải đều có đối thủ, nhưng khi mình chạy càng xa thì đối thủ cứ rơi rụng dần, và sự bền bỉ sẽ giúp mình trở thành “last man standing”.

Theo Anh Ngọc - Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM