Bài học khởi nghiệp kinh điển của Startup có IPO tốt nhất mọi thời đại - Webvan

15/11/2017 08:56 AM | Startup

Thất bại 800 triệu đô-la (khoảng hơn 1 tỷ triệu đô thời điểm hiện tại) vào đầu thế kỉ 21 của Webvan là một trong những thất bại kinh điển mà mọi công ty khởi nghiệp thành công trên thế giới đều nằm lòng.

Bài viết dựa trên câu chuyện của 2 doanh nhân Steve Blank và Bob Dorf, đồng thời là tác giả của cuốn sách: “Bách khoa toàn thư về khởi nghiệp”.

Vào cuối thế kỷ XX, thời hoàng kim của bong bóng Dot-com, Webvan nổi lên như một trong những công ty khởi nghiệp ấn tượng nhất, với một ý tưởng tiềm năng đó là tiếp cận được với mọi gia đình Mỹ.

Gây dựng được một trong những ngân sách lớn nhất của nước Mỹ cuối thế kỉ 20 (hơn 800 triệu đô-la), công ty này tập trung vào việc cách mạng hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ tạp phẩm với 450 triệu đô-la với hình thức đặt hàng qua mạng và giao hàng tận nơi trong ngày.

Webvan ra mắt cửa hàng mạng khu vực vào tháng 6/1999 (chỉ một tháng sau khi bắt đầu kiểm định beta) và nộp đơn xin phát hành cổ phiếu ra công chúng 60 ngày sau đó. Chỉ một năm sau khi được thành lập, Webvan đã kêu gọi được 10 triệu đô-la từ các nhà tư bản mạo hiểm hàng đầu ở thung lũng Silicon. Trong 2 năm tiếp theo, khoản tiền được đầu tư trong những vòng gọi vốn của công ty tăng tới con số khó tin 400 triệu đô-la.

Vào ngày phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, Webvan IPO với giá trị thị trường lên tới 8,5 tỷ đô-la – lớn hơn giá trị vốn hóa thị trường của ba công ty kinh doanh tạp phẩm đứng đầu gộp lại.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy 24 tháng sau khi phát hàng cổ phiếu ra công chúng lần đầu, năm 2001 Webvan chính thức phá sản.

Kế hoạch phá sản của Webvan – startup tiên phong trong lĩnh vực giao hàng trực tuyến

Webvan là website đi đầu trong lĩnh vực đặt hàng trực tuyến, giao hàng trong ngày của Mỹ. Khách hàng chỉ việc di chuột, nhấp chọn và đặt hàng. Tất cả đều hoàn toàn khả thi với đội ngũ kĩ sư phát triển sản phẩm của Webvan - những nhân tài kiệt xuất của thời đại.

Lợi ích cốt lõi của sản phẩm chính là khách hàng chẳng cần đi đâu cả, chỉ cần lên website và chọn hàng, hàng sẽ được chuyển đến họ ngay trong ngày.

Webvan từng phỏng vấn một vài khách hàng tiềm năng, những người nội trợ hay đi siêu thị mua sắm cho gia đình. Họ cảm thấy rất thích thú. Vì vậy, ngay lập tức công ty này vẽ ra bản đồ định vị thương hiệu, thiết kế website đặt-giao hàng trong ngày với công nghệ hiện đại nhất nước Mỹ.

So với những chuỗi siêu thị thông thường lúc bấy giờ, Webvan là sản phẩm đột phá. Những điểm khác biệt mà Webvan tạo ra: không tốn tiền mặt bằng để bày bán sản phẩm, có thể đưa rất nhiều sản phẩm lên website mà chẳng cần phải nhập hàng trước, có một đội ngũ kĩ sư hàng đầu để xây dựng nên những kì quan công nghệ như nhà kho tự động, phần mềm hỗ trợ lấy hàng mỗi khi khách hàng đặt và mang đến chỗ nhân viên gói hàng, tất cả đều tự động!

Chi phí quản lý của Webvan ở mức siêu thấp, mọi thứ đều được tự động mà chẳng cần tốn tiền cho những nhân viên kho, quản lý sản phẩm…

Giám đốc điều hành của Webvan từng chia sẻ trên Forbes rằng: “Webvan sẽ đặt ra quy tắc cho phân khúc thị trường tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế”.

Startup này đưa ra một mô hình tài chính hấp dẫn kèm theo một kế hoạch thu lợi nhuận. Bài thuyết trình kết thúc, các nhà đầu tư thiên thần tại thung lũng Silicon đứng lên vỗ tay ầm ầm. Sau cú chào hàng ngoạn mục, Webvan nhận được 10 triệu đô-la, một số tiền đầu tư khủng vào năm 1997.

Với 10 triệu đô-la, Webvan bắt đầu tuyển dụng thêm đội ngũ của riêng mình để chuyển hóa những ý tưởng trên giấy thành hiện thực. Đội ngũ kĩ thuật bắt đầu bắt tay vào xây dựng. Một hệ thống phần mềm được kết nối từ website Webvan tới nhà kho tự động. Và thế là ngày ra mắt sản phẩm đã được ấn định. Kể từ đó, tất cả mọi thứ phải chạy theo đội kĩ thuật.

Webvan bắt đầu tuyển dụng. Các Giám đốc Bán hàng và Giám đốc Marketing ở những công ty lớn là những đối tượng mà Webvan nhắm đến. Thêm sức người, quá trình ra mắt sản phẩm càng được đẩy nhanh.

Công việc đầu tiên mà Giám đốc Marketing bắt đầu chính là thực hiện một số chiến dịch truyền thông marketing nhằm quảng bá thương hiệu của Webvan với người dùng tương lai cũng như các nhà đầu tư khác.

Hệ thống kho hàng tự động hóa của Webvan là một điều kỳ diệu. Những băng chuyền tự động và hệ thống quản lý bằng phần mềm trị giá 18 triệu đô-la. Chỉ cần khách hàng mua, mọi thứ đều tự động, từ khâu chọn hàng, lấy hàng và vận chuyển hàng tới chỗ nhân viên gói hàng. Sau khi được đóng gói, hàng hóa cũng được chuyển lên một hệ thống băng chuyền trung tâm rồi lần lượt đi vào các xe tải đã đợi sẵn.

Với hệ thống nhà kho, hệ thống xe tải để xử lý lượng sản phẩm tương đương 18 siêu thị, một phần mềm 18 triệu đô-la, một nhà phân phối 40 triệu đô-la, Webvan dự kiến sẽ xử lý 8.000 đơn đặt hàng mỗi ngày. Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng và chỉ chờ đợi những khách hàng đầu tiên.

Tháng 5/1999, Webvan bắt đầu thử nghiệm Beta. Một cơn bão Buzz Marketing bắt đầu nổi lên bằng một cuộc oanh tạc truyền thông với hàng nghìn bài báo chào hàng như một hiện tượng của Silicon Valley. Điều này lại thu hút thêm nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư khác. Webvan lại kiếm được thêm hàng trăm triệu đô la đầu tư trước khi sản phẩm chính thức được ra mắt trên thị trường.

Để không làm các nhà đầu tư thất vọng, Webvan thuê thêm các phó giám đốc bán hàng, phó giám đốc marketing và phó giám đốc quản lý sản phẩm. Tất cả mọi người đang làm việc hết công suất, xuyên ngày vượt đêm để chuẩn bị cho ngày giao hàng chính thức, để mở đầu cho một kỉ nguyên mới.

Công ty tuyển dụng một tổ chức bán hàng toàn quốc. Tất cả những hoạt động trên đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách nhưng nó là một phần trong kế hoạch kinh doanh. Để thực hiện kế hoạch được vạch sẵn bằng tiền, Webvan tiếp tục gõ cửa các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tháng 6/1999, Webvan chính thức ra mắt thị trường và bắt đầu giao hàng – khi đã IPO được 800 triệu đô-la.

Với 400 nhân viên, hàng hóa bắt đầu được chuyển đi. Những ngày đầu tiên vượt quá cả mong đợi, mọi thứ đều ổn định, các đơn hàng tấp nập đến rồi hàng hóa tới tấp đi.

Trong những tuần đầu tiên Webvan tiếp cận 4.700 khách hàng mới, trung bình mỗi ngày họ phải xử lý 2.500 đơn hàng và tỉ lệ khách hàng quay trở lại là 71% - một con số cực kì tiềm năng.

Các nhà đầu tư rất hài lòng vì việc đó. Webvan sung sướng. Họ không muốn “đi thật nhanh” mà muốn “phải chạy thật nhanh”. Chỉ 1 tháng sau chuyến hàng đầu tiên được gửi đi, Webvan kí hợp đồng 1 tỷ đô-la để xây dựng thêm 26 trung tâm phân phối trong vòng 3 năm tiếp theo.

Để phù hợp với mức độ tăng trưởng của công ty, trong vòng 60 ngày tiếp theo, Webvan tuyển dụng thêm 50 nhân tài. Chỉ trong 6 tháng, 500 nhân viên được bổ sung, nâng tổng số nhân viên của Webvan lên 900 người. Tại thời điểm đó, Webvan đạt trị giá 8,5 tỷ đô la. Lớn hơn cả 3 chuỗi tạp hóa hàng đầu của Mỹ cộng lại.

Mọi việc cứ như trong mơ với kế hoạch đã vạch sẵn…, nhưng chỉ chưa đầy 2 năm, một trong những công ty khởi nghiệp được đầu tư tốt nhất mọi thời đại đã tới con đường diệt vong.

Cuối năm 2000, Webvan thâm hụt chồng chất, thiệt hại 612,7 triệu đô-la. Bảy tháng sau - tháng 7/2001, Webvan công bố phá sản.

Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Đón đọc: 9 sai lầm của Webvan-cũng là 9 sai lầm lớn nhất dẫn đến thất bại của hàng trăm nghìn startup Việt.

Ngọc Hưng

Cùng chuyên mục
XEM