Bài học 'bất định' từ Covid-19

22/08/2021 10:12 AM | Xã hội

Chính phủ các nước dần nhận ra rất khó để tạo ra cơ sở vaccine dự phòng và muốn lên kế hoạch ứng phó một cuộc khủng hoảng mới thậm chí còn khó hơn nữa.

Richard Hatchett, theo lời của chính ông, là một trong số ít người "nổi danh từ những dịch bệnh". Sau đại dịch virus cúm A H1N1 năm 2009, chuyên gia trong phòng chống dịch bệnh này, sau đó trở thành quan chức Nhà Trắng, đã giúp Mỹ xây dựng mô hình các nhà máy dược phẩm, có thể linh hoạt chuyển đổi công năng thành thành trì vững chắc chống lại những dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Tuy nhiên, một nhà máy, vận hành bởi Emergent BioSolutions, không thể phát huy đúng năng lực trước đại dịch Covid-19. Hàng chục triệu liều vaccine của Johnson & Johnson đã bị tiêu hủy do ô nhiễm chéo với các thành phần sản xuất vaccine AstraZeneca.

Cơ quan chức năng phát hiện nguyên nhân xuất phát từ điều kiện vệ sinh không đảm bảo và các nhân viên được đào tạo hời hợt. Dây chuyền sản xuất dòng vaccine này buộc phải dừng hoạt động trong hơn 100 ngày.

"Bằng cách nào đó, trong lúc cần đẩy mạnh công tác sản xuất vaccine trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu, hệ thống quản lý chất lượng của chúng ta lại sụp đổ. Và chúng ta không thể hoàn thành đúng sứ mệnh của mình", Hatchett chia sẻ.

Nhưng tiếng nói của những chuyên gia như Hatchett giờ đây đã được lắng nghe nhiều hơn bởi các chính trị gia.

Khi Covid-19 mới bùng phát, chính phủ các quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các thiết bị y tế cơ bản, và năm nay, họ lại đang phải vật lộn với "cơn đau đầu" mang tên khả năng tiếp cận vaccine bởi các quốc gia có năng lực sản xuất lớn như Ấn Độ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), lại kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề xuất khẩu vaccine để dành sự ưu tiên cho người dân của họ.

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 1.
Nhân viên phòng thí nghiệm nghiên cứu vaccine Covid-19 tại một cơ sở của BioNTech, Marburg, Đức. Ảnh: AFP/Getty Images.

Hệ quả là nhiều chính phủ mong muốn đưa các dây chuyền sản xuất thuốc và vaccine về đất nước của họ.

Anh cho gia tăng công suất sản xuất các dòng vaccine Valneva và Novavax. Quốc gia này cũng đang trong quá trình đàm phán với GlaxoSmithKline về các dự án sắp triển khai. EU đang thông qua các quỹ phát triển, vốn được lập nên nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để gia tăng công suất sản xuất dược phẩm.

Nhà Trắng đã lên kế hoạch cho một số thay đổi lớn. Liên minh châu Phi (AU) đặt ra mục tiêu có thể đáp ứng 60% nhu cầu vaccine của cả châu lục, tầm nhìn tới năm 2040.

Hatchett, đang là CEO Liên minh Đổi mới Sẵn sàng Ứng phó Dịch bệnh (CEPI), mong muốn các nhà hoạch định chính sách có được những bài học đúng. Nếu có thể làm được điều đó, họ hoàn toàn có thể đạt được tham vọng đã đề ra của CEPI, có thể tạo ra vaccine chỉ trong vòng 100 ngày kể từ khi một bệnh dịch nguy hiểm bùng phát, cắt giảm 2/3 thời gian phải chờ đợi đối với dịch Covid-19 và đủ sức dập tắt từ khi mới xuất hiện "một số ổ dịch nhỏ".

Thành lập những cơ sở cung ứng dược phẩm có thể nhanh chóng và an toàn đối phó với một dịch bệnh mới là điều dễ dàng đối với chính phủ nhiều quốc gia. Hơn nữa, tồn tại nguy cơ những nỗ lực nhằm gỡ rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc tập trung gia tăng sản xuất tại các nước giàu có lại có thể khiến cho sự bất bình đẳng trong nguồn cung ứng vaccine ngày một nới rộng.

"Quan điểm của tôi là việc chúng ta gia tăng công suất sản xuất là vô cùng quan trọng, nhưng việc thực hiện một cách đúng đắn cũng là điều quan trọng không kém", Hatchett cho biết. "Tôi cho rằng không có một câu trả lời hoàn hảo nào đối với từng quốc gia".

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 2.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/Getty Images.

Các chuỗi cung ứng phức tạp

Trong khi các lệnh hạn chế đi lại trong suốt đại dịch khiến cho nhiều người bị mắc kẹt tại một quốc gia nào đó, thành phần vaccine và các thiết bị sản xuất lại là vấn đề xuyên biên giới. Một liều vaccine của Pfizer cần đến 280 loại nguyên liệu đến từ 19 quốc gia khác nhau.

Khi Anh tìm cách đảm bảo nguồn cung vaccine Covid-19 nội địa, một trong những công ty đầu tiên họ tìm đến là Valneva, công ty sản xuất vaccine của Pháp có nhà máy tại Livingston, Scotland. Chính phủ Anh đầu tư để mở rộng công suất của nhà máy đó nhằm đẩy mạnh công tác sản xuất vaccine Covid-19 cũng như nhiều loại vaccine phòng bệnh khác trong tương lai.

Thomas Lingelbach, giám đốc điều hành của Valneva, cho biết công ty đã giành được các hợp đồng sản xuất vaccine vì họ có "lợi thế sân nhà".

Và ngay cả khi vaccine Valneva được chấp thuận để sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng tăng cường, công ty này vẫn phải vận chuyển sản phẩm tới Thụy Điển để đóng lọ.

"Hiện tại, chúng tôi không coi việc kiểm soát xuất khẩu là rủi ro. Nhưng đó chắc chắn là một rủi ro, không nhất thiết là ngay ở thời điểm này, mà trong tương lai", Lingelbach chia sẻ. Ông bổ sung rằng Valneva đang tìm kiếm một nhà máy có dây chuyền đóng chai hoàn thiện tại chính Anh.

Valneva không phải là trường hợp đơn lẻ. Không một loại vaccine nào có thể được sản xuất từ đầu đến cuối chỉ trong một nhà máy, thậm chí tại một quốc gia.

Thomas Cueni, tổng giám đốc Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế, cho biết sự phức tạp trên là lý do ông không tin vào một sự thay đổi mang tính triệt để. Ngành này mong muốn các chính phủ gỡ bỏ các rào cản thương mại.

"Điều đó không phải là không thể", ông cho biết. "Đó là lý do tại sao bạn cần phải có một dòng chảy hàng hoá tự do và mở cửa thương mại".

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 3.
Nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/Getty Images.

Giới chuyên gia lo ngại rằng các chính phủ có thể sẽ áp dụng những công nghệ không đúng, hoặc hậu thuẫn các công ty không thể bắt kịp với xu hướng sáng tạo của toàn cầu. Trước khi các dòng vaccine Covid-19 được chấp thuận, không chính phủ nào đầu tư quá nhiều cho công nghệ mRNA.

Prashant Yadav, chuyên gia chuỗi cung ứng tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết một trong những vấn đề của Emergent BioSolutions chính là công ty này có thể đang ứng dụng "một công nghệ lỗi thời".

"Trừ khi có ai đó đầu tư mở rộng công suất dưới mô hình các mô-đun có thể nhanh chóng được tái cấu trúc để thích nghi với tình hình mới, nếu không, nguy cơ trở nên lạc hậu với những công mới nhất của thế giới là rất cao", ông cho biết.

Emergent đã sản xuất 75 triệu liều vaccine. Công ty này cho biết sản xuất vaccine là quá trình "tương đối phức tạp", với rất ít các nhà máy có khả năng thực hiện điều đó khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng công ty cũng thừa nhận rằng mọi chuyện không diễn ra theo đúng kế hoạch.

"Người dân Mỹ đặt kỳ vọng vào các đối tác mà chính phủ lựa chọn cho quá trình chuẩn bị đối phó với các thảm hoạ. Chúng tôi đã không đáp ứng được những kỳ vọng đó cũng như những kỳ vọng chúng tôi đặt ra cho chính mình. Tuy nhiên, chúng tôi thu về một số bài học quan trọng, giúp nâng cao chất lượng hoạt động và qua đó, tăng cường khả năng đối phó với dịch bệnh của nền y tế Mỹ trong tương lai".

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 4.

Nhân viên đóng gói các viên thuốc paracetamol tại một phòng thí nghiệm ở Singapore. Ảnh: Bloomberg.

Các chính phủ đang cân nhắc bằng cách nào họ có thể duy trì hoạt động của những nhà máy này thông qua sản xuất sản phẩm khác trong giai đoạn được giới chuyên gia gọi là "giữa những đại dịch".

Darrin Morrissey, giám đốc điều hành Viện Quốc gia về Đào tạo và Nghiên cứu Sinh học của Ireland - được hậu thuẫn bởi chính phủ trong công tác đào tạo các chuyên viên tay nghề cao, cho biết các công ty vẫn chưa tìm ra cách để duy trì hoạt động hay có đủ nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia khoa học, để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác sản xuất.

"Nhân tài là vấn đề tương đối phức tạp. Nếu như muốn đào tạo ai đó từ đầu, để họ có thể làm việc trong ngành dược phẩm, bạn sẽ phải mất ít nhất 12 tháng trước khi họ có đủ những kiến thức cần thiết", ông cho biết.

Đảm bảo một số loại thuốc cơ bản

Trong khi tình trạng chậm và gián đoạn cung ứng vaccine trở thành vấn đề được quan tâm trong năm nay, các chính phủ cũng lo lắng về khả năng tăng cường nguồn cung một số loại thuốc cơ bản hơn, khi tình trạng tỷ lệ người bệnh nhập viện cao trong đại dịch Covid-19 bộc lộ rõ những hiểu biết ít ỏi của họ về các chuỗi cung ứng.

Pháp đang đẩy mạnh sản xuất paracetamol, vốn trở nên khan hiếm trong đại dịch, và cũng đã cho lên danh sách 30 loại thuốc gốc mà quốc gia này muốn tăng sản xuất nội địa.

Một báo cáo mới đây của Nhà Trắng, với nội dung kêu gọi sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác sản xuất thuốc gốc nội địa, cảnh báo rằng trong suốt thời gian đỉnh điểm của đại dịch tại New York, các bệnh viện rất khó khăn để có thể đảm bảo nguồn cung một số loại thuốc quan trọng.

Soumi Saha, phó chủ tịch phụ trách pháp chế tại Premier, cơ quan đại diện cho hơn 4.000 bệnh viện tại Mỹ, cho biết sự thiếu minh bạch sẽ dẫn tới việc các bệnh viện sẽ "mua sắm điên loạn" để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch.

"Không ai biết những loại thuốc nào đang được sản xuất trên đất Mỹ", bà cho biết. Saha bổ sung rằng Premier đã "cảnh báo" về vấn đề này trong suốt một thập kỷ.

"Chúng tôi muốn thật thận trọng rằng chúng ta không quên đi những gì đã xảy ra trong 12 tháng vừa qua và nhìn thẳng vào hiện tại", bà chia sẻ.

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 5.

Richard Hatchett, CEO của CEPI. Ảnh: YouTube.

Ngành công nghiệp dược phẩm tin rằng các khoản đầu tư một lần không thể đáp ứng đủ nhu cầu khi thúc giục các chính phủ phải chi nhiều hơn cho sản xuất các loại thuốc gốc - những sản phẩm họ thường phải sản xuất tại nước ngoài để giảm chi phí.

Eric Edwards, giám đốc điều hành Phlow, công ty dược phẩm công ích cam kết tạo ra nguồn cung dược phẩm đáng tin cậy và là đơn vị thực hiện một hợp đồng trị giá 354 triệu USD với chính phủ Mỹ nhằm sản xuất dược phẩm gốc trong nước, cho biết "cuộc đua cắt giảm chi phí sản xuất" trong vòng 20 đến 30 năm qua đã dẫn tới thực trạng "các sản phẩm thuốc quan trọng" gần như không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

"Đây là vấn đề phức tạp đã tồn tại trong nhiều thập kỷ", ông cho biết.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại lục địa già, theo Adrian van der Hoven, tổng giám đốc Hiệp hội Dược phẩm châu Âu. "Thực tế cho thấy giá thuốc đang ở mức rất thấp do những chính sách của chính phủ", ông nói.

"Thật khó để có thể duy trì những nhà máy đó tại châu Âu".

Sản xuất theo phong cách Ikea

Một vài người đặt hy vọng vào các công nghệ mới và linh hoạt hơn.

Kate Antrobus, giám đốc đầu tư tại Univercells, cho biết giải pháp để có thể sản xuất ra nhiều vaccine và các sản phẩm sinh học là tương đối đơn giản. Đó chính là các cơ sở sản xuất thích ứng theo "phong cách gian bếp của Ikea" mà công ty đã cho xây dựng, vừa vặn với một chiếc container chở hàng.

Được thành lập sau đại dịch H1N1, bà cho biết Univercells đang chứng kiến "thay đổi lớn" trong cách các tổ chức y tế toàn cầu và chính phủ nhìn nhận về công tác sản xuất.

"Mô hình sản xuất mô đun linh hoạt hoàn toàn có thể thích ứng với sự bất ổn định. Đó chính là mục tiêu của quá trình chuẩn bị ứng phó với mỗi đại dịch", bà cho biết.

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 6.
Nhân viên Emergent BioSolutions làm việc trong phòng thí nghiệm ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: Washington Post/Getty Images.

Trong khi Big Pharma lại lên tiếng khẳng định quy mô sản xuất là một yếu tố quan trọng, một thế hệ mới các công ty lại đang cho xây dựng các cơ sở sản xuất nhỏ hơn và có thể dễ dàng di chuyển đến bất cứ nơi nào trên toàn cầu.

Công nghệ sản xuất vaccine linh hoạt nhất vẫn là mRNA, vì các nhà khoa học có thể cập nhật các dòng vaccine hiện có và tạo ra các sản phẩm mới một cách đơn giản thông qua việc thêm vào một mã gen mới.

BioNTech, đối tác nghiên cứu vaccine Covid-19 của Pfizer, và EU đang cùng nhau làm việc để xây dựng các cơ sở sản xuất vaccine ứng dụng công nghệ mRNA tại châu Phi, dù họ thừa nhận giai đoạn liên quan đến chuyên môn và kỹ thuật có thể mất đến 4 năm mới hoàn thành.

CureVac, một công ty công nghệ sinh học của Đức, đang làm việc với một công ty con của Tesla trên một kế hoạch có tên là "máy in vaccine" - các cơ sở nhỏ có thể tự sản xuất ra các loại vaccine ứng dụng công nghệ mRNA.

Tuy nhiên, mRNA hiện tại mới được chứng minh có hiệu quả đối với virus Covid-19. Rahuk Singhvi, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Resilience, công ty chuyên phát triển các phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, cho biết "công nghệ này chưa chắc là câu trả lời cho mọi dịch bệnh".

"Cách tiếp cận lý tưởng nhất đó chính là loại hình cơ sở sản xuất đa phương thức, giống như một con dao quân đội Thuỵ Sĩ", ông cho biết. "Nhưng chưa ai có thể làm được điều đó".

Bài học bất định từ Covid-19 - Ảnh 7.
Kỹ thuật viên làm việc tại phòng thí nghiệm của Valneva ở Vienna, Áo. Ảnh: Bloomberg.

Một số nhà lãnh đạo toàn cầu nhận ra họ phải gánh vác trách nhiệm giúp thu hẹp sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận vaccine.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang khuyến khích các nhà sản xuất vaccine của Mỹ xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine với chi phí thấp nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia đang phát triển.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thành lập trung tâm nghiên cứu mRNA nhằm mở rộng khả năng sản xuất vaccine Covid-19 tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Nhưng cả hai phương án trên đều phụ thuộc vào mức độ hợp tác từ ngành này tại một thời điểm mà họ đang phản đối kịch liệt ý tưởng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ nhằm mục đích gia tăng khả năng tiếp cận vaccine của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Cho dù giảm về quy mô hay theo mô hình đa dụng, các nhà máy sản xuất vẫn phải dựa vào nguồn cung các nguyên liệu đầu vào, với 80% đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Mỹ và EU đang tìm cách đưa hoạt động sản xuất các nguyên liệu đó về lãnh thổ của họ, trong khi đó cũng gia tăng công tác tích trữ vì các nguyên liệu đó có thể được bảo quản lâu hơn so với các sản phẩm thành phẩm. Ngay cả những công ty lớn cũng không thể làm điều đó một mình. Báo cáo gần đây của Nhà Trắng khuyến khích các đơn vị hợp tác cùng với nhau để thực hiện được điều đó.

Yadav, chuyên gia tới từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu, gợi ý các nhà lập pháp nên áp dụng "bài kiểm tra năng lực" đối với các nhà sản xuất vaccine và dược phẩm, giống như những gì họ làm với ngân hàng.

"Trong lĩnh vực dược phẩm, bạn có thể nhìn thấy các tình huống tương tự. Điều gì sẽ xảy ra nếu như nguồn cung từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ hoàn toàn bị đứt gãy? Bạn vẫn có thể tự cung ứng được không và bằng cách nào?", ông cho biết.

"Cách tiếp cận đó có thể sẽ giúp bạn đạt được mục đích sau cùng mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều về việc nhất định phải đặt công tác sản xuất trên đất Mỹ".

Bất bình đẳng vaccine

Dù là một chuyên gia phòng dịch chuyên nghiệp hiếm hoi, Hatchett cũng không thể trả lời chính xác câu hỏi đâu là bài học cần được rút ra từ những sai lầm của Emergent. Nhưng ông tin điều quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng cơ hội này để "bắt đầu lại từ đầu".

Là lãnh đạo một trong ba đơn vị ủng hộ cơ chế COVAX chia sẻ vaccine cho các quốc gia đang phát triển, ông có thể thấy rõ được tình trạng "bất bình đẳng" trong công tác phân phối vaccine Covid-19.

Hiện tại, công tác sản xuất chủ yếu tập trung tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. "Đó là những thị trường khổng lồ sẽ tiêu thụ phần lớn vaccine trước khi họ có thể chia sẻ với các quốc gia khác", ông cho biết.

Ông tin rằng phải có một "cơ chế phân bổ sản xuất cân bằng hơn". Ông ủng hộ các khoản đầu tư mang tính chất vùng và một cơ chế đối phó với dịch bệnh toàn cầu, nơi các quốc gia giàu có hơn sử dụng sức ảnh hưởng của mình đối với các công ty dược nhằm cung cấp cho toàn thế giới.

"Các khoản đầu tư đang ngày một tăng lên là một dấu hiệu tốt. Nhưng bên cạnh đó là một sự bất lợi tiềm tàng", ông cho biết. "Chúng ta cần làm mọi điều có thể để có thể bài trừ chủ nghĩa dân tộc, nhưng hãy coi đó là một khoản đầu tư vào sự an toàn của toàn nhân loại".

PV

Cùng chuyên mục
XEM