Bác sỹ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giải đáp con nôn trớ, đau bụng có nên làm xét nghiệm men gan để tìm viêm gan bí ẩn?

09/05/2022 13:00 PM | Sống

Rất nhiều ''bác sỹ online'' trên mạng xã hội đã đăng tải các bài viết hô hào phụ huynh cho con đi làm xét nghiệm men gan để tìm ra bệnh viêm gan bí ẩn.

Trước tình trạng bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ bùng phát tại 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đã khiến cho các bậc cha mẹ tại Việt Nam không khỏi lo lắng.

''Bác sỹ online" kêu gọi cha mẹ xét nghiệm men gan cho con

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bài viết khuyến cáo phụ huynh nếu trẻ đột nhiên nôn trớ quá nhiều mà không rõ nguyên nhân cần cho con đi khám tiêu hóa và làm xét nghiệm men gan để phát hiện viêm gan bí ẩn ở trẻ.

Các bài viết này đều thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Bên cạnh những bình luận đồng tình thì có không ít cha mẹ cho rằng việc làm này là không cần thiết, thậm chí còn gây áp lực cho hệ thống y tế cũng như trở thành ''miếng mồi ngon" cho những kẻ giả danh bác sỹ để trục lợi.

Chia sẻ về vấn đề này trên VietNamnet, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay ngành Y tế luôn cảnh giác vì bệnh viêm gan bí ẩn hoàn toàn có thể xâm nhập vào nước ta vào một lúc nào đó.

Bác sỹ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giải đáp con nôn trớ, đau bụng có nên làm xét nghiệm men gan để tìm viêm gan bí ẩn? - Ảnh 1.

Cha mẹ Việt lo lắng trước sự bùng phát mạnh mẽ của bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ

Xét nghiệm men gan là xét nghiệm sinh hoá thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng thực hiện. Đây là biện pháp nhằm đánh giá chức năng gan có tổn thương, có tình trạng suy gan hay không. Vì tình trạng rối loạn chức năng gan là một biểu hiện sớm của bệnh viêm gan bí ẩn. Còn để đến giai đoạn bệnh nhân vàng da, vàng mắt rõ hay lơ mơ, hôn mê thì đã là quá muộn.

Tuy nhiên, tình trạng đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ và do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế không phải bất kỳ trẻ nào có những biểu hiện đó cũng xếp vào diện nghi ngờ mắc viêm gan bí ẩn, mà cần có sự đánh giá kỹ càng của thầy thuốc khám bệnh. Bác sĩ Cấp khuyên phụ huynh không nên quá hoang mang khi trẻ xuất hiện nôn trớ, tiêu chảy.

Cũng trao đổi về vấn đề này trên Tuổi trẻ online, PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện nay muốn làm các xét nghiệm phát hiện viêm gan cấp, các cơ sở phải có phòng Lab, làm được PCR hoặc huyết thanh chẩn đoán, trang bị máy móc hiện đại…, một số cơ sở y tế lớn mới làm được xét nghiệm này.

"Xét nghiệm men gan chỉ có thể phát hiện được những tổn thương và chức năng của gan, không thể xác định được viêm gan bí ẩn. Phụ huynh nên chăm sóc trẻ như bình thường, nếu có các triệu chứng sốt, mệt mỏi, vàng da… thì nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị. Đồng thời, phụ huynh nên đưa con đi chích ngừa đầy đủ như viêm gan A, B… vì những tác nhân này cũng rất nguy hiểm", PGS Nguyên khuyến cáo.

Còn BS CKII Lê Thanh Phuông - trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đưa ra khuyến nghị nếu trẻ có 1 trong các triệu chứng sau đây nên đưa trẻ đi khám bệnh: Sốt cao, rối loạn tri giác; cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc; cảm giác chung là cảm thấy không khỏe; ăn mất ngon, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói; nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt; vàng mắt và da, ngứa da; đau cơ và khớp.

Bộ Y tế đề nghị theo dõi chặt chẽ bệnh viêm gan cấp tính 'bí ẩn' ở trẻ

Mặc dù đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào, tuy nhiên chiều ngày 8/5, Bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới;

Phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Các đơn vị trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Bác sỹ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giải đáp con nôn trớ, đau bụng có nên làm xét nghiệm men gan để tìm viêm gan bí ẩn? - Ảnh 2.

Y tá tiêm vaccine cho trẻ em ở Indonesia. Nguồn: independent.co.uk

Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.

Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan nhưng nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến Adenovirus.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM