Bác sĩ "nghìn like" bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm

05/02/2019 08:07 AM | Sống

Khi người người, nhà nhà đón Tết sum vầy bên gia đình thì tại bệnh viện, nhiều y bác sĩ đón giao thừa trong phòng mổ, chia sẻ bánh chưng Tết với những người bệnh nặng, không thể về nhà…

Hơn 10 năm công tác trong ngành y, đã nhiều cái Tết bác sĩ Trần Quốc Khánh, 34 tuổi, Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội không được đón giao thừa bên gia đình.

Ngày thường, công việc của các cán bộ y, bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện đã quá vất vả, nhưng những ngày Tết còn căng thẳng và áp lực hơn rất nhiều bởi các ca bệnh nặng, ngộ độc, tai nạn giao thông… nhất là đối ở bệnh viện ngoại khoa hàng đầu cả nước như viện Việt Đức. Các y bác sĩ tại đây hối hả chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân...

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 1.

Trong dịp giáp Tết, công việc của một bác sĩ như thế nào?

Ở bệnh viện, những ngày cuối năm sẽ có "bệnh cảnh" giống những ngày đầu năm mới, đó là lượng tai nạn giao thông có dấu hiệu tăng lên. Nguyên nhân cơ bản do cuối năm các tổ chức, đoàn thể liên hoan tất niên, tổng kết của một năm hoạt động.

Ngoài ra, những ngày cuối năm lưu lượng người đi lại chúc tết, mua sắm, kinh doanh cũng tăng lên. Cộng với tâm lý đi lại cũng vội vã hơn nên số lượng tai nạn nhiều hơn.

Tuy nhiên đổi lại, những ngày cuối năm các bác sĩ lại ít "phải" đi phẫu thuật cho nhóm bệnh nhân bị bệnh lý, vì cuối năm tâm lý mọi người ngại đi mổ, ai cũng muốn tập trung vui chơi cho ngày Tết.

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 2.

Công việc của các bác sĩ thường sẽ có ít kỳ nghỉ dài. 11 năm làm ngành y, Tết của anh thường như thế nào?

Thực sự với những người công tác trong mảng Y tế, lại ở trung tâm ngoại khoa lớn như Việt Đức thì những ngày Tết là những ngày "ám ảnh" với tất cả những ai là trực viện. Lượng tai nạn giao thông tăng lên đột biến, trong đó chủ yếu là tai nạn liên quan đến bia rượu, đi du xuân đền chùa đầu năm. Và "hình thái" tổn thương chủ yếu vẫn là chấn thương sọ não, gãy tay chân, gãy cột sống, chấn thương hàm mặt.

Với riêng tôi, "ái ngại" nhất là lịch trực vào dịp từ mùng 2 Tết trở đi, vì ngày mùng 1 mọi người còn ít ra đường và tiệc tùng. Còn từ mùng 2, nhà nhà đổ ra đường, người người chúc tụng rượu bia, mặt đỏ tía tai phóng đi vèo vèo…

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 3.

Tai nạn liên tục, bệnh nhân vào viện cấp cứu nằm "chờ" mổ thành hàng dài, các phòng mổ làm việc hết công suất nhưng luôn quá tải. Mỗi bác sĩ sẽ có lịch trực cố định từ đầu năm, nên đến dịp tết, trực rơi vào ai người đó "gánh", rất khó thay đổi.

Đối với các bác sĩ có quê ở xa, thường nếu trực đúng ngày Tết thì họ khó có thể "đón tết sum vầy" trọn vẹn bên gia đình và người thân và đành chấp nhận "ăn bánh chưng" ở viện.

Anh có từng thất hẹn với con, bị vợ không vừa lòng khi không thể ở nhà trong những dịp lễ Tết quan trọng?

Thất hẹn với vợ con ngày tết vì bận mổ cấp cứu thì có rồi, nhưng vợ và gia đình luôn thấu hiểu nên không giận, mọi người rất thông cảm và còn chia sẻ cùng bác sĩ.

Tôi có hai cháu nhỏ, 4 tuổi và 6 tuổi, mỗi ngày đầu tuần hai cháu luôn hỏi bố tuần này bố trực thứ mấy, hôm nào bố về sớm được với con. Một câu hỏi hồn nhiên nhưng chính đáng, hiểu được điều đó nên tôi luôn cố gắng về nhà sớm nhất có thể khi công việc đã xong. Tuy nhiên nếu trực ngày Tết, xa các con sẽ làm tôi thấy buồn hơn vì hai cháu luôn nhắc bố, hỏi bố lúc nào về.

Điều gì là động lực cho anh sau những đêm trực dài hay những cái Tết không có thời gian để sum vầy với gia đình?

Nói một cách không xã giao, với tôi đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, đó chính lá cái bắt tay cảm ơn rất chặt của người nhà khi biết người thân của mình đã qua cơn nguy kịch.

Trong dịp Tết, điều gì anh mong muốn nhất?

Cũng không sáo rỗng luôn, ngày Tết tôi mong muốn nhất đó là mọi người uống rượu bia có chừng mực thôi, đừng để tai nạn xảy đến. Vì khi đã vào viện ngày tết, tính mạng sức khỏe bị đe dọa đã đành, nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc những ngày đầu xuân năm mới làm tôi bị ám ảnh.

Nếu trực Tết, bác sĩ sẽ đón Tết tại bệnh viện của bác sĩ như thế nào?

Ngày còn là bác sĩ nội trú, tôi từng trực đêm 30 một lần, cũng không có gì quá đặc biệt ngoài khoảnh khắc chứng kiến phút giây giao mùa ngay tại… bệnh viện và những người chung vui chúc mừng nhau chính là bệnh nhân với thầy thuốc.

Trực ngày Tết thường được lãnh đạo bệnh viện quan tâm ưu ái hơn, ngoài ra ekip trực cũng thường tập trung cao độ hơn, vì những ngày này lượng bệnh nhân tai nạn thường tăng cao, đặc biệt về đêm khuya, gần sáng khi mọi người tàn cuộc bia rượu.

Điều gì khiến anh bị ám ảnh nhất trong những ngày Tết ở bệnh viện?

Gắn bó với bệnh viện những ngày Tết, điều rõ ràng nhất tôi cảm nhận đó chính là khoảnh khắc pháo hoa giao thừa mừng năm mới, nhìn những bệnh nhân nặng không thể xuất viện về nhà ăn tết hoặc bệnh nhân bị tai nạn vào nằm phòng cấp cứu, người thân ở bên cạnh lo lắng buồn bã.

Tôi đến bên động viên, nắm tay chia sẻ thì hầu như bệnh nhân, người nhà nào cũng bật khóc. Mọi người rất cảm kích nhân viên y tế, nhưng có lẽ ai cũng cảm thấy tủi thân. Phút giây mọi gia đình đoàn tụ thiêng liêng nhất bên gia đình nhưng lại là điều xa xỉ với họ lúc này. Tôi rất thấu cảm và chia sẻ.

Với riêng bản thân mình, tôi cũng có chút "chạnh lòng" vì không được ở bên cha mẹ, vợ con phút giây giao mùa đó. Nhưng cảm xúc đó cũng trôi qua mau vì công việc cấp cứu bệnh nhân và đi mổ.

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 4.

Trong năm mới này, anh có những dự định gì với "Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo" của mình, để "sống là cho đi" nhiều hơn nữa?

Trong năm 2018 sau khi thành lập và ra mắt, "Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo" đã đồng hành ủng hộ được cho hơn 30 bệnh nhân phẫu thuật, mỗi bệnh nhân trên dưới 20 triệu VNĐ, trong đó chủ yếu vẫn là trẻ em và tập trung ở BV Việt Đức và viện Nhi Trung ương, có hai bệnh nhân quỹ hỗ trợ nhưng bệnh nặng không qua khỏi.

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 5.

Tuy nhiên do mới thành lập và chưa quen với công tác quản lý nên hoạt động của quỹ tôi chưa cập nhật thường xuyên được trên website và fanpage. Bước sang năm mới 2019 này, có lẽ, tôi sẽ tổ chức buổi gặp mặt (không phải là đêm nhạc) để tổng kết và thông báo những ca quỹ ủng hộ trong năm qua, cũng như qua đó để tiếp tục kêu gọi các "Mạnh Thường Quân" đồng hành cùng quỹ trong năm 2019.

Với mong muốn làm sao trong năm 2019 này, quỹ cũng sẽ đồng hành ủng hộ được cho trên dưới 40 bệnh nhân, đó là niềm vui lớn lao của tôi.

Về mặt quản lý, trong năm 2019 tôi sẽ cố gắng cập nhật thường xuyên và rõ ràng hơn về mọi hoạt động của quỹ, thực sự cũng vì mới bước vào hoạt động năm đầu tiên nên quỹ cũng còn nhiều thiếu sót cần hoàn thiện dần.

Anh có tiếc nuối điều gì trong năm 2018 đã qua không? Điều anh mong chờ và muốn làm nhất trong năm 2019 là gì?

Thực sự tôi ít dùng khái niệm "tiếc nuối" lắm, vì tôi là một người sống lạc quan nên hạn chế tránh dùng những từ ngữ tiêu cực (Cười). Năm 2018, tôi chỉ có thể dùng từ "bùng nổ" cho những trải nghiệm sống của tôi, rất tuyệt vời. Có việc làm tôi hơi lấn cấn đó chính là hoạt động của "Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo" chưa được chuyên nghiệp lắm. Hy vọng năm 2019 này, tôi sẽ hoàn thiện được điều này.

Còn với 2019, tôi đã lên xong cho mình những kế hoạch chủ đạo rồi. Lại thêm một năm rất bận rộn và có nhiều trải nghiệm tuyệt vời đang chờ đón… Tôi rất háo hức khi nghĩ về điều đó (Cười).

Bác sĩ nghìn like bệnh viện Việt Đức: Tết chỉ mong điều này để không phải nhìn người thân của bệnh nhân ôm nhau khóc ngày đầu năm - Ảnh 6.

Theo: Thu Hoài Ảnh: Tiến Tuấn, NVCC Thiết kế: Hương Xuân

Cùng chuyên mục
XEM