“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường?

08/08/2021 13:01 PM | Sống

Câu chuyện về bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi đã khiến dân mạng chao đảo, rơi nước mắt đêm qua. Nhưng trong khi nhiều người xúc động vô cùng, một số Facebooker đã chỉ ra điểm bất thường.

“Ba mẹ em không qua khỏi, đừng phí hai máy, nhiều người cần”

Đêm qua, ngày 7/8, cả Facebook gần như bùng nổ vì một Facebooker nổi tiếng chia sẻ câu chuyện chấn động về bác sĩ Trần Khoa. Theo đó, anh là một bác sĩ phụ sản đang làm việc tại bệnh viện tuyến đầu của TP. HCM. 

Trong ca trực cấp cứu, anh đành phải chuyển ống thở của mẹ mình - đang trong cơn nguy kịch - cho một sản phụ sinh đôi. Cả bố và mẹ anh đều là bác sĩ đang tham gia tuyến đầu chống dịch và nhiễm bệnh trong quá trình chữa trị cho các bệnh nhân trở nặng. Bác sĩ Trần Khoa tiên lượng cha mẹ mình không thể qua khỏi nên đã quyết định trao hơi thở và sự sống từ mẹ mình cho người sản phụ ở giường bên. 

Trong giây phút đau buồn đó, thai phụ được chuyển xuống phòng mổ. Chính anh đã gạt đi nước mắt, nói đồng nghiệp chuẩn bị phòng mổ và “Chờ em khóc chút!” rồi trực tiếp mổ cho sản phụ ấy, chào đón hai em bé chào đời. 

“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường? - Ảnh 1.

Tin nhắn chấn động về việc "bác sĩ Khoa" quyết định từ bỏ hơi thở của mẹ để cứu sản phụ sinh đôi.


Người đăng tải còn trích đăng một đoạn status chia buồn của đồng nghiệp gửi tới bác sĩ Trần Khoa: “Em đột ngột trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong chiều hôm nay. Mới sáng hôm qua cha và mẹ em vẫn còn khoác chiếc áo blouse trắng lặn lội đi phát thuốc cứu người khắp Sài Gòn thì chiều nay đã vĩnh viễn ra đi để nhường máy thở cho những người trẻ cần hơn, trong đó có một sản phụ. 

Em bảo với bác sĩ: Ba mẹ em không qua khỏi đừng phí hai máy. Em cũng là bác sĩ nhưng phải đối diện và đành phải bất lực trước sinh mạng của đấng sinh thành. Em đã không vì tình thân mà quên đi lời thề Hippocrates nhưng nghiệt ngã và đau đớn quá đỗi em ơi. Anh nghe mà quặn thắt trong lòng. Em nhắn tin cho anh đúng một chữ "đau"...

Nhưng bây giờ làm sao có thể cảm nhận được nỗi đau của mình nữa. Em không muốn ai an ủi em, em chỉ nhắn cho vợ cũng đang trực chiến trong bệnh viện có thể về nhà được không vì em sợ một mình lúc này! 

Cầu nguyện cho cô và chú. Hôm nay, cô và chú mất đi để cho những người trẻ hơn được sống...”.

Đính kèm với câu chuyện là những dòng tin nhắn trao đổi giữa các bác sĩ và hình ảnh hai em bé sinh đôi chào đời an toàn.

Câu chuyện này lập tức khiến cả Facebook xao động suốt đêm qua, nhiều người đã nhỏ lệ cho y đức, quyết định đầy dũng cảm cũng như nể trọng ba mẹ bác sĩ Trần Khoa - những người đã trao truyền cho anh một nền tảng giáo dục tuyệt vời. 

“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường? - Ảnh 2.

Lời tiễn biệt của "bác sĩ Trần Khoa" gửi đến ba mẹ.

Người ta cũng tìm ra Facebook anh Khoa, nơi anh kể những câu chuyện nhỏ về bé Tâm An, về các bệnh nhân, về ba mẹ mình… Trong lời tiễn biệt ba mẹ trên Facebook, bác sĩ Trần Khoa đã viết về cảm giác ngày mình mồ côi: 

Khoa cũng không cao thượng gì đâu, ai cũng làm như Khoa thôi. Về nhà tắm xong lên phòng hai anh chị (bố mẹ - PV), hoa chị mua vẫn còn đây nhưng người đã đi xa. Mình nhớ hôm chị chụp còn bảo hoa đẹp, và giờ căn phòng lớn này chỉ còn mình”... khiến trái tim nhiều người bị bóp nghẹt... 

Nghi vấn bức ảnh lấy từ một bác sĩ khác, một ca mổ khác

Sau khi câu chuyện chấn động này lan nhanh khắp Facebook, một số người tỉnh táo đã đặt ra nghi vấn rằng đó là chuyện bịa. Anh Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt là một trong những người đầu tiên lên tiếng.

Anh viết: “Câu chuyện “bác sĩ Khoa khóc khi rút ống thở từ gương mặt người mẹ ruột đưa qua cứu sản phụ để cứu hai em bé sinh đôi” đã và đang lan tỏa trên MXH làm lay động, khó ngủ mọi người cả đêm nay khi khơi gợi một điều rất xúc động.

Rất nhiều người trên MXH và ngay cả tôi cũng mong câu chuyện hiếm có đó là sự thật, bởi lòng tốt và sự cao thượng của con người lúc này đang quá hiếm. Câu chuyện như một hạt giống tâm hồn hiếm hoi giữa đại dịch đau thương.

Nhưng sau khi thật lắng đọng, cảm nhận sự phi logic ở lời văn, ngôn từ viết status “mồ côi cha mẹ” của “bác sĩ Khoa”, cùng cách chat “các bác sĩ trong nhóm” và xem xét lục tìm kỹ thì thấy rõ hình ảnh hai em bé song sinh đã lấy lại từ tấm ảnh em bé sơ sinh ở BV Từ Dũ ngày 21/7 và một em bé cắt từ tấm ảnh khác trong phòng sinh trước dịch chứ không phải ảnh chụp thật ngay khi đỡ hai em bé sinh đôi. 

“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường? - Ảnh 3.

Hình ảnh hai em bé song sinh của sản phụ mắc Covid-19 (khoanh tròn và khoanh đỏ) trong tin nhắn bị phát hiện là giả mạo.


Như vậy, đoạn chat trong lúc gấp rút trong bệnh viện của các bác sĩ đó đó là giả - vì chắc chắn đó không phải là em bé sơ sinh mà “nhóm bác sĩ Khoa” đã đỡ đẻ chụp trong câu chuyện tại bệnh viện - mà ngay tên bệnh viện - điều đơn giản nhất mà cũng không nêu ra là ở bệnh viện nào”.

“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường? - Ảnh 4.
“Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ, nhường sự sống cho sản phụ sinh đôi” - câu chuyện viral nhất đêm qua là chuyện bịa, có 5 điểm bất thường? - Ảnh 5.

Hình ảnh trên Facebook bác sĩ Cao Hữu Thịnh trùng khớp với ảnh hai em bé phía trên, xuất hiện hồi tháng 4 và tháng 7, ở các ca mổ khác nhau.

5 nghi vấn về tính xác thực của câu chuyện

Ngoài chi tiết về hình ảnh, anh Nguyễn Văn Phước cũng đặt ra nghi vấn về logic tâm lý của con người: Status mà “bác sĩ Khoa” viết khi ba mẹ mất từ bệnh viện về nhà (giữa đại dịch biến thể, bác sĩ rất khó về nhà vì sẽ lây nhiễm) thấy vợ chuẩn bị ngọn nến viết ngôn từ “rất không logic về cảm xúc”, rất vô cảm và phi thực tế nếu có ba mẹ cùng mất một lúc…

Facebooker Nguyen Khanh (Anh Ba Sài Gòn) cũng đặt ra một số nghi vấn trong câu chuyện về bác sĩ Khoa đang được lan truyền trên mạng. 

1. Bác gái là bệnh nhân COVID-19 đang diễn biến rất nặng thì tại sao lại bố trí nằm cùng sản phụ đang mổ cấp cứu song thai để nhường được ống thở? 2. Nếu sản phụ cũng là bệnh nhân COVID-19 đi nữa thì mổ song thai là ca phẫu thuật phức tạp, phải được triển khai tại phòng mổ chuyên dụng nơi có đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất, đặc biệt là oxy. Phòng mổ thiếu oxy là điều tôi chưa thấy bao giờ. 3. 2 tấm hình em bé bên dưới lại là từ 2 status tháng 4 và tháng 7 của bác sĩ Cao Hữu Thịnh bạn rất thân của tôi của tôi. 4. Cuối cùng, nếu sự kiện hy sinh sự sống của người nhà đang hấp hối để cứu một sản phụ và hài nhi có cơ hội sống của bác sĩ Khoa là có thật thì đó là điều đáng trân trọng và vinh danh. Nhưng trước hết nó phải là câu chuyện có thật trên đời.


Nhiều người cũng có cùng suy nghĩ về tính xác thực của câu chuyện, nhất là khi những người loan tin chỉ úp mở rằng bác sĩ Trần Khoa là bác sĩ sản tại bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19, tức là bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng chưa có cơ sở để xác nhận.

Nhân thân bác sĩ Trần Khoa cũng là một điều để lại nhiều thắc mắc. Trên Facebook, bác sĩ Trần Khoa chia sẻ chuyện từng đi du học tại Úc, có ba và mẹ cùng làm bác sĩ. Vợ anh cũng đang công tác trong ngành y. Anh còn có một cậu con nuôi tên Tâm An. Thời gian gần đây, do cả gia đình bận đi chống dịch Covid-19 ở tuyến đầu, em bé này đã được gửi tạm cho một người khác chăm sóc.

Động thái đầu tiên của “bác sĩ Trần Khoa” và người loan tin

Sau khi câu chuyện được lan tỏa rộng rãi, hàng nghìn dân mạng đã tìm ra Facebook cá nhân của “bác sĩ Trần Khoa” và vào gửi lời chia buồn, an ủi anh trước mất mát quá lớn này.

“Bác sĩ Trần Khoa” sau đó đã viết status tạ ơn, và xin được giữ im lặng trước câu chuyện trên. Anh nói mình cần một thời gian để có thể tĩnh tâm sau sự “ra đi” của đấng sinh thành.

Người này cũng ẩn đi những chia sẻ tiễn biệt, kể chuyện về ba mẹ mình. Nhưng rất nhanh sau đó, anh đã khóa tài khoản Facebook một cách bất thường.

Các bài chia sẻ, kể lại câu chuyện bi hùng của gia đình “bác sĩ Trần Khoa” trên Facebook nhóm bạn bè, đồng nghiệp có liên hệ với người này cũng nhanh chóng bị ẩn đi hoặc biến mất trên không gian mạng.

Trong một diễn biến khác, người đầu tiên kể câu chuyện chấn động này cũng đã xóa bài chia sẻ gây sốt của mình. Anh đã xin lỗi vì đã chia sẻ thông tin trước khi xác thực.

Bích Chi

Cùng chuyên mục
XEM