Bà Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam: Đội ngũ đứng sau mỗi buổi livestream có bị coi là đồng phạm?

25/03/2022 12:36 PM | Sống

Trong mỗi lần "lên sóng" ngoài bà Phương Hằng là nhân vật chính, thì còn cả đội ngũ hỗ trợ. Vậy tình huống pháp lý đưa ra, liệu nhóm người hỗ trợ có thể bị coi là đồng phạm?

Mới đây, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, nữ doanh nhân đã liên tục phát trực tiếp lên mạng xã hội để "bóc phốt" rất nhiều nghệ sĩ và cho rằng họ ăn chặn từ thiện và các vấn đề khác. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã có kết luận, những cáo buộc đó không đủ căn cứ để khởi tố vụ án.

Trong mỗi lần "lên sóng" ngoài bà Phương Hằng là nhân vật chính, thì còn cả đội ngũ hỗ trợ. Vậy tình huống pháp lý đưa ra, liệu nhóm người hỗ trợ có thể bị coi là đồng phạm.

 Bà Phương Hằng bị khởi tố, tạm giam: Đội ngũ đứng sau mỗi buổi livestream có bị coi là đồng phạm? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra đọc các quyết định khởi tố với bà Nguyễn Phương Hằng


Theo luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán Cân Việt, đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, hiện cơ quan công an đã khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng bà Nguyễn Phương Hằng. Tuy nhiên, rất có thể cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm liên quan.

Cụ thể, cơ quan điều tra có thể rà soát lại các buổi phát trực tiếp, các hoạt động thu thập thông tin trái phép, những ngôn ngữ, hành động của nhóm người trong suốt thời gian qua. Cơ quan điều tra sẽ đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, tổ chức cá nhân để làm căn cứ xử lý vụ án.

Đối với người có hành vi vi phạm, xúi giục, kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ được xác định là người chủ mưu, cầm đầu. Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với tội danh bị khởi tố, bà Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Cụ thể, tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau.

Theo điều 331, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Theo Đặng Thuỷ

Cùng chuyên mục
XEM