Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần "người tính không bằng trời tính"

08/07/2022 16:30 PM | Sống

Chiếc đầm Naeem Khan giúp bà Obama được tiếng thơm là người tinh ý trong sự kiện thiết đãi Thủ tướng Ấn Độ năm 2009, nhưng lại vô tình dấy lên tranh cãi không đáng có về sắc tộc.

Đã hơn 5 năm ròng kể từ 20/1/2017, ngày mà tòa Bạch ốc chào đón nữ chủ nhân mới kế nhiệm Bà Obama , thế nhưng dấu ấn của cựu Đệ nhất phu nhân chẳng thể nào phai mờ trong lòng giới mộ điệu. Bởi nhắc về Michelle Obama là nhắc về 8 năm huy hoàng với vô vàn thành tựu trong công tác thiện nguyện, giáo dục, sức khỏe... đồng thời bà là một biểu tượng của nữ quyền cũng như thời trang với 3 lần nghênh giá trên bìa Vogue Mỹ. Không ngoa khi khẳng định, sự mến mộ nồng nhiệt mà công chúng dành cho người phụ nữ da màu này vượt xa các Lệnh bà tiền nhiệm, thậm chí sánh ngang với huyền thoại Jacqueline Kennedy.

Và tất nhiên mọi xúc cảm đều có lý do của nó.

Đỉnh cao tinh tế của lối ngoại giao bằng thời trang

Trong khi các Lệnh ông ngồi quanh bàn tròn, trà dư tửu hậu và luận bàn những vấn đề đao to búa lớn thì bà Obama lại đối thoại một cách nhỏ nhẹ bằng chính quyền lợi cơ bản nhất của một người phụ nữ: mặc đúng, mặc đẹp và ý nhị trong nội hàm. Mỗi sự lựa chọn váy áo của vị cựu Đệ nhất phu nhân, dù đơn giản hay phức tạp, đều gói ghém kỹ lưỡng tâm tư của người mặc cũng như bày tỏ thái độ trân trọng nhất đối với người ngắm nhìn.

Đơn cử như sự kiện yến tiệc chiêu đãi vợ chồng Thủ tướng Shinzo Abe, bà Obama không ngại ngần thể hiện tình yêu với xứ mặt trời mọc khi diện mẫu đầm tím của NTK Tadashi Shoji - một tên tuổi "cây đa, cây đề" của làng mốt Nhật với tiêu chí tôn vinh ngành may mặc nước nhà. Không chỉ thế, bộ cánh còn được miêu tả là trang nhã, truyền thống, tuy nổi bật nhưng không lấn át bạo liệt sự hiện diện của khách mời.

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 1.

Chiếc đầm dài mà bà Obama mặc trong buổi thết đãi các vị khách quý Nhật Bản được xem như hình mẫu kinh điển của thời trang ngoại giao - đây cũng là một loại "nghệ thuật" mà chỉ số ít người phụ nữ quyền lực như bà nắm giữ, phát triển và quảng bá

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 2.

Kỳ thực chiếc đầm gốc trong BST Thu/Đông 2015 của Tadashi Shoji gợi cảm hơn nhiều, nhưng đã được chính bà yêu cầu chỉnh sửa và thay đổi sắc độ để phù hợp hơn với tinh thần trọng thể của bữa tiệc. Được biết nhà mốt này từng lọt vào "mắt xanh" của nhiều nữ nhân nổi tiếng như Oprah Winfrey, Octavia Spencer... và cả doanh nhân Lý Nhã Kỳ của nước ta

Một ví dụ khác của lối ứng dụng váy áo để ngoại giao là dịp Quốc yến đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak vào năm 2011. Vẫn theo lệ cũ, một cái tên từ Đại Hàn Dân Quốc được bà Obama giao phó trọng trách làm đẹp: Doo-Ri Chung, nữ thiết kế với chiều cao chưa tới 1m6 nhưng mang lại niềm tự hào cho Á Đông khi vươn tới hàng loạt thị trường khó tính nhất như New York, London, Dubai...

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 3.

Chiếc đầm lụa lệch vài màu tía của Doo-Ri Chung đã kiến tạo nên từng đường nét mềm mại trên hình thể xấp xỉ 1m8 của bà Obama. Vẫn "chiêu" cũ: ngoại giao với quốc gia nào thì tôn vinh thời trang quốc gia đó, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ dễ gây thiện cảm ngay lập tức với quan khách khi khéo chiều chuộng tinh thần tự hào dân tộc trong họ

Không chỉ ngợi ca tính dân tộc trong những lần ngoại giao với thế giới phương Đông, bà Obama còn chủ động tìm giao điểm khi đối thoại với các nguyên thủ phương Tây. Trong lần gặp mặt vợ chồng Thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2012, một thiết kế từ Marchesa - nhà mốt do 2 người Anh sáng lập tại New York - đã trở thành yếu tố giúp bà và phu nhân David Cameron xích lại gần nhau hơn.

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 4.

Không chỉ chọn một nhà mốt gốc Anh, màu xanh cùng được 2 vị Đệ nhất phu nhân tôn vinh như biểu hiện của “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Sắc màu này hiện diện trong quốc kỳ của cả 2 quốc gia, được tán tụng như "vượt qua mọi ranh giới địa lý" và "khiến người ta phải siêu lòng từ cái nhìn đầu tiên"

Có quá nhiều thứ để nói về thời trang ngoại giao của bà Obama. Mary Tomer, tác giả của cuốn sách "Mrs.O: Bộ mặt của nền thời trang dân chủ", khẳng định nhất cử nhất động của cựu Đệ nhất phu nhân đều thận trọng và sâu sắc. Còn Hal Rubenstein, Giám đốc thời trang của tạp chí InStyle, ví von thẩm mỹ của bà Obama như thứ vàng ròng nguyên khối: "Điều tôi vô cùng ngưỡng mộ ở người phụ nữ này là lối phục sức trang nhã và hết sức tự tin, chẳng hề e ngại về kích cỡ của bản thân và luôn biết đứng thẳng một cách kiêu hãnh nhất."

Lần hiếm hoi "người tính không bằng trời tính"

Cuộc sống luôn ẩn chứa những quy luật riêng của nó, ngay cả một nữ nhân thông tuệ như Michelle Obama cũng khó tránh khỏi vấp váp. Và đáng nhớ nhất chính là đêm tiệc năm 2009 nhằm đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và phu nhân. Đây cũng là dịp vợ chồng ngài Obama chủ trì sự kiện nhằm đánh dấu chuyến thăm quốc gia đầu tiên trong nhiệm kỳ của cả hai.

Cụ thể, bữa tiệc gồm 400 quan khách và được sắp xếp đâu ra đấy trong một căn lều khổng lồ dựng ngay bãi cỏ ngoài tòa nhà chính; nhiều món ăn và lối bài trí mang đậm nét đặc trưng của Ấn Độ như cơm trộn nước cốt dừa, tôm sốt cà ri... Các nhánh mộc lan, hoa màu tím được tỉa theo hình đuôi công Ấn Độ phủ quanh lối đi cũng như bàn tiệc...

Và hiển nhiên, khoản trang phục của bà Obama cũng đã được "cân đo đong đếm". Ngay từ khi sự kiện chưa bắt đầu, Lệnh bà đã sớm đón ý đối tác khi ướm lên mình chiếc đầm từ một NTK người Ấn gốc Mỹ tên Rachel Roy. Công tác ngoại giao bằng vải vóc tiếp tục được phát huy khi Đệ nhất phu nhân tay trong tay bên Tổng thống Mỹ, tiến tới đại sảnh cùng bộ cánh lộng lẫy từ Naeem Khan - NTK đã đưa thời trang Ấn Độ lên bản đồ toàn cầu.

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 5.

Chiếc đầm quây lộng lẫy này đã mở ra một kỷ nguyên "thời trang dân chủ" mới với cái tên Michelle Obama trên ngọn cờ đầu. Điều thú vị là trước đó cựu Đệ nhất phu nhân chẳng hó hé nửa lời nguồn gốc chiếc váy, chỉ khi được chính ngài Manmohan Singh hỏi han thì mới buột ra cái tên Naeem Khan. Hiển nhiên sự tinh tế của bà đã được đền đáp xứng đáng thông qua thái độ vô cùng hồ hởi xen lẫn xúc động từ nguyên thủ nước bạn

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 6.

Giới chuyên gia hoàn toàn bất ngờ trước động thái này của bà Obama. Hầu hết đồn đoán bà hẳn sẽ chọn mặc sari truyền thống nhằm tạo sự đồng điệu với phu nhân Gursharan Kaur. Nào ngờ bộ cánh vương giả của Naeem Khan đẹp và thú vị ngoài sức tưởng tượng, chưa kể tinh thần Ấn Độ được thể hiện rất rõ trong từng đường nét họa tiết được thêu tỉ mỉ trên trang phục

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 7.

Để kiến tạo nên vẻ ngoài rạng rỡ của bà Obama, thiết kế Naeem Khan đã được 40 người thợ dốc toàn tâm toàn sức hoàn thành trong 3 tuần tại một xưởng may tại Ấn Độ. Đây cũng là thiết kế độc bản dành riêng cho vị Đệ nhất phu nhân Mỹ

Những tưởng đây sẽ là một dấu ấn tốt đẹp và trọn vẹn, nào ngờ ban bệ truyền thông của bà Obama đã để lại sai lầm không đáng có. Chiếc đầm lấp lánh của Naeem Khan được tô vẽ trong thông cáo báo chí là có dáng quây, dài chấm đất, điểm xuyến hoa văn trừu tượng... và mấu chốt nằm ở chính ngôn từ được sử dụng để mô tả màu sắc của nó: MÀU NUDE (tức là màu gần với da người nhất). Chỉ vỏn vẹn một từ thôi cũng đủ dấy lên tranh cãi về định nghĩa chính xác của màu sắc này cũng như mối liên hệ của nó với màu da (yếu tố đại diện sắc tộc) của người mặc.

Vấn đề sắc tộc vốn luôn "điểm nóng" của xã hội Mỹ, và chiếc váy Naeem Khan vô tình trở thành mồi lửa khiến cơn phẫn nộ lan rộng. Hãng tin AP tả chiếc váy là MÀU DA thay vì màu nude, nhưng nhanh chóng bị vặc lại: "Màu da của ai cơ? Chắc chắn không phải của Michelle Obama!". Sau đó, họ phải sửa lại mô tả là màu sâm banh.

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 8.

Chỉ vì mô tả không chính xác màu sắc của chiếc váy đang mặc, cả bà Obama lẫn ban bệ truyền thông cùng bị chỉ trích gay gắt. Đây cũng là tiền đề cho công cuộc mở rộng định nghĩa về màu nude trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại

MÀU NUDE hay MÀU DA???

Nếu định nghĩa màu nude là màu sắc gần nhất với màu da thì rõ ràng đây không phải một sắc màu cụ thể, bởi sự đa dạng trong màu da của nhân loại là điều dễ nhận thấy. Pamella Roland, một NTK chuyên về trang phục dạ hội, khẳng định nude là một nhóm các sắc thái thanh lịch và không thể gán cho duy nhất một màu. Cô cho rằng đánh đồng mọi màu nude như nhau là biểu hiện sai lệch của "politically correct" (đúng đắn về chính trị), xúc tích hơn là "phân biệt đối xử".

Để nói rõ hơn, màu sâm panh chính là màu nude nhưng thường được sử dụng trong thời trang cao cấp và long trọng. Nếu tìm kiếm nude trong công thức màu cho thời trang bình dân hay hàng gia dụng thì nó sẽ gần với màu be nhạt. Định nghĩa về màu nude cũng thay đổi liên-xoành-xoạch theo thị hiếu xã hội. Vào những năm 60 tại Mỹ, các nhà sản xuất gán nude với màu da trắng sứ hoặc ửng hổng đào. Chỉ đến những năm 2000 thì tranh cãi mới nổ ra khi đám đông nhận thấy "nude" là một từ quá chung chung để mô tả màu da của xã hội đa sắc tộc.

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 9.

Có quá nhiều màu da nhưng chỉ có một cái tên "màu nude" phải chăng là sự bất công?

Ý niệm về màu nude trong nội bộ mỗi nhà mốt cũng khác biệt. Calvin Klein vốn ưa tông trung tính và nude với họ có thể bao gồm những cái tên khiến giới mộ điệu phải đoán già đoán non, chẳng hạn như "ether" - tên của màu bạc nhạt. Trong khi đó David Zyla lại tăng phạm vi màu nude lên thành 5 loại tương ứng với 5 màu da: ngả trắng, ánh hồng, ánh vàng, be và nâu. Ngoài ra còn có đến 30 màu khác được mở rộng như nâu vàng, nâu cam hay trắng sứ...

 Bà Obama: Đỉnh cao tinh tế của thời trang ngoại giao, nhưng có lần người tính không bằng trời tính  - Ảnh 10.

Trong khi các màu sắc khác vô cùng rực rỡ thì màu nude lại như một lời thì thầm dịu dàng - nhưng quá đỗi gợi cảm và thanh lịch. Màu nude cho phép phái đẹp được mặc chiếc váy thuộc về riêng cô ấy thay vì bị lấn át bởi nó. Và không có gì tuyệt vời hơn một người phụ nữ mang trên mình lớp vải vóc được kết tinh từ màu da của chính họ

Cho đến nay, hầu hết các ý kiến đều thống nhất rằng màu nude phải được "đổi tên" hoặc bổ sung nhiều ngữ nghĩa. Bởi tuy chỉ là tên gọi của màu sắc nhưng nó lại thể hiện khía cạnh cơ bản nhất của một con người. Đặc biệt trong giới thời trang - nơi mà bản sắc lên ngôi - thì việc thể hiện cái tôi thông qua những yếu tố bên ngoài là điều quan trọng nhất.

Kết

Chiếc váy màu nude của bà Obama quả là đẹp, và "sóng gió" theo cách không ai ngờ tới. Cũng khó trách cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ bởi suy cho cùng đây là một "tai nạn" về ngôn từ trong giai đoạn xã hội ngày càng nhạy cảm và chia rẽ.

Thay vào đó, công chúng chọn nhìn vào phương pháp ngoại giao mềm dẻo nhưng hiệu quả của Lệnh bà này, đồng thời trân trọng những thành tựu trong các chiến dịch thúc đẩy nữ quyền, phúc lợi cho các gia đình quân nhân và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong trường học. Và kể cả khi tòa Bạch ốc đã chào đón đến 2 nữ chủ nhân mới thì cái tên Michelle Obama vẫn sống mãi trong lòng giới mộ điệu, tựa như một biểu tượng thời trang bất diệt.

Theo Kiko

Cùng chuyên mục
XEM