Bà Nguyễn Bạch Điệp: Khó khăn của FPT Retail là câu chuyện thời điểm

14/02/2020 09:12 AM | Kinh doanh

"Khi lái con thuyền ra sân chơi lớn, tôi nhận ra rằng, phải bắt đầu xây dựng tiếp các mảng kinh doanh mới để gối đầu khi mảng cũ đã bão hoà, nhưng 7 năm chỉ vừa đủ để xây được 1 chuỗi hoàn thiện, đó là vấn đề thời điểm", nữ tướng FPT Retail chia sẻ.

Ngành ICT bão hoà, năm 2019 bức tranh càng rõ nét khi toàn thị trường không tăng trưởng do ảnh hưởng bởi sự chậm lại của sức mua các mặt hàng. Từng vươn lên mạnh mẽ để đứng thứ hai toàn ngành, FPT Retail đã không thể duy trì phong độ khi quý cuối năm qua bất ngờ báo lỗ, lợi nhuận luỹ kế cả năm sụt giảm hơn 38% về 214 tỷ đồng.

Nguyên nhân đã được biết trước do tiếp tục trích lập dự phòng nợ xấu cho chương trình F-Friends và trợ giá Subsidy, tuy nhiên nếu không tính khoản trên lợi nhuận của Công ty cũng không tăng trưởng.

Nhiều băn khoăn và thậm chí là ‘nỗi đau’ với cổ đông khi cổ phiếu FRT liên tục lao dốc, thị giá sau 1 năm giảm đến 71% về mức 17.100 đồng/cp. Nếu so với mức tham chiếu ngày bắt đầu niêm yết hồi tháng 4/2018, vốn hoá đơn vị này đã ‘bay hơi’ 85% và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Cùng với sự bão hoà ngành ICT, ‘ván cược’ Long Châu vẫn trong quá trình đầu tư ban đầu và có quá nhiều rủi ro về ngành, những mảng mới chưa đem lại hiệu quả… thị trường theo đó bỏ ngỏ điểm sáng trong tương lai của FRT.

Không phủ nhận, nữ tướng FRT - bà Nguyễn Bạch Điệp – phân trần: "Trong suốt 20 năm đi làm gần như thời điểm nào bản thân tôi cũng đạt được kế hoạch. Đó không chỉ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ, mà còn do tính cách bên con con người buột mình phải hoàn thành được mục tiêu.

Khi lái con thuyền ra sân chơi lớn, tôi nhận ra rằng, phải bắt đầu xây dựng tiếp các mảng kinh doanh mới để gối đầu khi mảng cũ đã bão hoà, nhưng 7 năm chỉ vừa đủ để xây được 1 chuỗi hoàn thiện, đó là vấn đề thời điểm.

Thời gian gần đây khi hiệu quả hoạt động của FRT không như kỳ vọng, bản thân tôi ban đầu cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt… vì không thể hoàn thành mục tiêu mặc dù bản thân đã cố gắng xoay chuyển.

Nhưng, khi ngồi lại với các lãnh đạo khác phía Tập đoàn để phân tích thì bản thân cảm thấy chắc chắn phải bình tĩnh ở thời điểm này, bình tĩnh để chấp nhận câu chuyện khó khăn, bình tĩnh đối mặt áp lực thu nhập nhân viên giảm, nhiều ý kiến tiêu cực đổ dồn…".

Lãnh đạo nói gì về kết quả kinh doanh giảm sút?

Nhận định kết quả kinh doanh 2019, bà Điệp cho biết do sức mua toàn thị trường ICT giảm sút, doanh thu Công ty theo đó không đạt kỳ vọng. Mặc dù doanh thu mảng ICT của FRT vẫn tăng trưởng 8%, nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng dự kiến là 15%, một phần đến từ sức mua giảm, một phần đến từ sản phẩm iPhone chủ lực chưa khả quan.

Ngược lại, mảng kinh doanh phụ kiện đóng góp tăng trưởng lợi nhuận tốt với mức tăng trưởng 26%, tuy nhiên vẫn chưa đạt tới tham vọng tăng 50% so với năm 2018.

Tổng quan, doanh thu mảng ICT vẫn tăng trưởng 8%, nhưng lợi nhuận không tăng trưởng đến từ 3 nguyên nhân:

(1) Chương trình bán hàng trả góp FFriends vào doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nợ xấu.

(2) Triển khai đầu tư chi phí vào hạ tầng CNTT để chuyển đổi số hoạt động quản trị và phục vụ khách hàng.

(3) Đầu tư đổ tiền nhanh hơn và nhiều hơn cho mảng dược phẩm Long Châu để tạo đà tăng trưởng mạnh hơn trong các năm sắp tới.

Tháng 11, Công ty đã hoàn thành kế hoạch mở rộng 70 cửa hàng của cả năm, bước sang 2020 dự kiến mở mới 150 đơn vị và mở rộng về các tỉnh thành khác, ngoài Tp.HCM.

 Bà Nguyễn Bạch Điệp: Khó khăn của FPT Retail là câu chuyện thời điểm  - Ảnh 1.

Bản chất khó khăn là câu chuyện thời điểm

Để nói chính xác về khó khăn hiện tại của FRT, bà Điệp khẳng định đây là câu chuyện thời điểm. "Đơn vị khác bước vào thị trường ICT cách đây 12 năm, do đó họ có thời gian để xây dựng hệ thống, và đến khi ICT bão hoà nhanh chóng chuyển sang ngành khác, kết quả là tăng trưởng gối đầu.

Còn FRT thì khác, chúng ta chỉ vừa bước vào thị trường ICT được 7 năm, chúng ta đã cấp tốc đẩy mạnh tăng trưởng, chúng ta vừa hoàn thành hệ thống ngay chính thời điểm thị trường bão hoà. Kết quả, chúng ta không đủ thời gian để phát triển mảng mới, mà chỉ mới bắt đầu đầu tư", bà Điệp đúc kết.

Như vậy, câu chuyện cũ tại FRT là câu chuyện thời điểm, và những người đứng đầu đã có lời giải, Tập đoàn hiện nay đã rút kinh nghiệm: bằng chứng trong quá trình đầu tư mảng dược đã kết hợp công cuộc đi tìm những mảng mới.

Nếu chỉ loay hoay với áp lực, tiếp tục ôm mảng ICT để xoay chuyển nó thì thực chất không phải là cách, nữ tướng nhấn mạnh. Cuối cùng, bản thân lãnh đạo và toàn Công ty đã phải chấp nhận đưa ra lựa chọn: Năm 2020 mảng ICT chỉ duy trì doanh số, không đặt vấn đề tăng trưởng. Thay thế, FRT quyết liệt cho hướng đi mới là mảng dược cũng như những mảng mới – mảng sẽ quyết định tăng trưởng trong tương lai.

"Chỉ với ICT thì chúng ta sẽ mãi lẩn quẩn và không có lối thoát. Khi bình tĩnh lại, nhìn lại đại cuộc, FRT sẽ kiên trì cho mục tiêu đã đề ra", người cầm cương nói.

"Đầu tiên là xin lỗi vì nhà đầu tư, cổ đông đặt vào mình nhưng mình chưa hoàn thành được"

Trong đó, lên kế hoạch cho năm 2020 sẽ có 2 vấn đề:

Đầu tiên là mảng ICT: FRT sẽ chủ đích là duy trì chỉ số như hiện tại, không đặt vấn đề tăng trưởng, thay vào đó hướng đế tối ưu chi phí, tăng lợi nhuận.

Phụ kiện và sim số tiếp tục là mục tiêu cải thiện lợi nhuận của 2020, trong đó kế hoạch phụ kiện năm 2019 chưa hoàn thành sẽ tiếp tục giữ nguyên, tương ứng 1.000 tỷ doanh thu phụ kiện và 1 triệu sim.

Năm 2020, nợ xấu được kiểm soát tốt hơn, lợi nhuận kỳ vọng sẽ ổn định hơn. FRT sẽ tập trung dùng ‘know how’ của mảng ICT để xây dựng platform bán lẻ chuẩn, làm cơ sở  nhân rộng thật nhanh các mảng mới trong tương lai.

Thứ hai với mảng dược: Năm 2020 Công ty sẽ tập trung mạnh vào các thứ mới. Kế hoạch dài hơi, FRT sẽ tăng tốc mở rộng hệ thống, thúc đẩy doanh thu trên khắp các tỉnh thành cả nước.

Không phủ nhận là doanh thu mảng dược sẽ chỉ đóng góp khoảng 2.000-2.500 tỷ, so với ICT là quá bé song chuyện đó không quan trọng, FRT đã chấp nhận đầu tư cho 2020, chấp nhận với tình trạng ICT không tăng trưởng.

Nhiều quan điểm bày tỏ e ngại khi mảng dược dù còn nhiều dư địa tăng trưởng, song đây là ngành khá nhạy cảm và phụ thuộc nhiều vào chính sách. Liệu FRT có năm chắc được tương lai ‘ván cược’ Long Châu?

Trả lời, bà Điệp khẳng định với chuỗi dược Công ty không quan tâm hay nao núng về nhu cầu người dân. Bởi, chúng ta có câu chuyện của những nước tiên tiến đi trước cho thấy ngành dược phẩm sẽ tăng đi cùng với nền kinh tế phát triển, thu nhập cũng như ý thức người tiêu dùng cho sức khoẻ gia tăng.

Tương tự với chính sách, đồng ý sẽ có nhiều thay đổi nhưng dù gì cũng quay về mục tiêu cuối cùng là phục vụ sức khoẻ người dân. Thậm chí, chính sách thay đổi còn là tín hiệu tốt, bởi nếu trước đây chính sách chưa chặt sẽ ảnh hưởng đến thuế, phí… thì đến nay việc hoàn thiện sẽ giúp chuỗi vận hành trơn tru hơn, ít chịu áp lực chi phí hơn.

Ngoài ra, tại những mảng mới, theo bà Điệp chỉ là vấn đề thử nghiệm. "Trong quá trình kinh doanh chúng ta phải thử nghiệm, và thử nghiệm thì kết quả có thể tốt hoặc không tốt; nếu không phù hợp thì chúng ta sẽ thay đổi. Còn những hướng chủ lực khi đã quyết định làm FRT sẽ đầu tư nghiêm túc", bà Điệp cho hay.

Nhìn chung, dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nữ tướng FRT bày tỏ muốn gửi lời xin lỗi trước tiên đến cổ đông, nhà đầu tư.

"Đầu tiên là xin lỗi vì nhà đầu tư, cổ đông đặt vào mình nhưng mình chưa hoàn thành được. Song, tôi có niềm tin sắt đá tương lai FRT sẽ rất tốt vì chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ hơn, tốt hơn. Không dám nói ngắn hạn vì Công ty chấp nhận đầu tư mạnh. Nhưng, câu chuyện cũ FRT đã có lời giải, đó là câu chuyện thời điểm. Về mặt dài hạn, tôi tin tăng trưởng FRT sẽ tốt hơn", bà Điệp chốt lời.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM