Bà chủ Tổng công ty May 10: "Nhân viên cũng là người thầy"

19/04/2017 19:02 PM | Kinh doanh

"Đầu nghĩ, miệng nói, tay làm là tính cách nổi bật của chị Huyền", đó là sự "đánh giá” thân mật mà nhân viên dành cho Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Nhờ tính cách đó, 10 năm trên cương vị tổng giám đốc, bà đã dẫn dắt May 10 tăng trưởng đều đặn mỗi năm từ 22 - 25%. May 10 cũng là doanh nghiệp (DN) dệt may đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. May 10 còn là một trong số ít DN trong ngành dệt may có tới bốn thế hệ cùng làm việc trong ngôi nhà chung và đang chuẩn bị đón thế hệ thứ năm.

* Giữ được sự đồng lòng, tâm phục khẩu phục trong một đại gia đình gần 12.000 cán bộ, nhân viên, nhất là có tới bốn thế hệ cùng làm việc khi tuổi đời còn rất trẻ, bí quyết của bà là gì?

- Bố mẹ mất sớm, ba chị em chúng tôi phải bươn chải nuôi nhau. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy đã giúp tôi xác định chỗ dựa vững chắc nhất cho cuộc đời chính là sự nỗ lực học hỏi, chăm chỉ làm việc. Vì vậy, khi bước chân vào May 10, vốn tiền thân là phân xưởng sản xuất quân trang của Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng, tôi đã miệt mài làm việc. Mấy chục năm gắn bó với May 10, từ một công nhân, tới tổ trưởng rồi "lên dần" đến tổng giám đốc, tôi vẫn như ngày đầu, không chùn bước trước khó khăn, thậm chí luôn xung phong, không ngại đảm nhiệm những việc khó.

Cũng từ người lao động đi lên nên tôi hiểu những người lao động như tôi đang cần gì, tâm tư, nguyện vọng, mưu cầu cuộc sống ra sao. Vì vậy, điều quan tâm đầu tiên của tôi là làm gì cũng phải có sự đồng lòng, chung sức của tất cả nhân viên, lấy quyền lợi của nhân viên làm mục tiêu phát triển Công ty.

Trong cuộc sống, tôi luôn chan hòa với anh chị em, có quyền lợi gì thì chia đều. Khó khăn thì mình đi trước. Nhân viên ở bất cứ vị trí nào đều được tôn trọng. Để tạo nếp văn hóa cho DN cũng như đảm bảo sự công bằng, tính kỷ luật, tôi áp dụng những nguyên tắc kỷ luật trong quân đội, vốn là truyền thống của May 10.

Từ những việc làm được, tôi ngẫm ra bài học cho người làm lãnh đạo: muốn nhân viên "tâm phục khẩu phục" trước hết mình phải "kỷ luật" với chính mình, trong quan hệ với nhân viên tâm phải sáng, phải mở lòng trước. Có một điều tôi luôn tự hào ở May 10, đó là không có chuyện lên chức phải mất tiền, không ai phải quỵ lụy ai và chỉ có cấp trên mới được tặng quà cho cấp dưới.

* Lãnh đạo một DN có khoảng 80% là nữ khiến tỷ lệ biến động lao động cao, bà có thấy quá áp lực?

- Ngành may mặc vốn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và như vậy phù hợp với nữ giới, nên ở May 10 có đến 80% lao động nữ là một thuận lợi. Tuy nhiên với phụ nữ, ngoài công việc chung còn phải đảm đương thiên chức người mẹ, người vợ nên mối quan tâm của họ cho gia đình, con cái cũng nhiều hơn, dễ bị phân tâm.

Từng là công nhân và cũng là người mẹ, người vợ, tôi thấu hiểu nỗi lo toan của chị em. Vì vậy, muốn chị em yên tâm làm việc, ngoài các chế độ, chính sách thỏa đáng, May 10 đã đầu tư xây dựng khu tập thể, xây trạm y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường cao đẳng nghề dành cho con em cán bộ, công nhân viên và cho cộng đồng dân cư quanh Công ty.

* Nhiều người cho rằng, TPP không được ký kết sẽ làm cho ngành dệt may, da giày Việt Nam khó phát triển. May 10 giải quyết thách thức này thế nào, thưa bà?

- Cha ông ta nói "Trong họa có phúc", nghĩa là khi gặp khó, đừng bao giờ nghĩ đến đường cùng, phải nỗ lực biến cái không thể thành có thể. Với TPP, DN dệt may muốn được hưởng mức thuế ưu đãi thì vải, sợi phải có xuất xứ từ trong nước, mà đa số DN Việt Nam thì chưa sẵn sàng, lợi thế này lại thuộc về các DN nước ngoài. Vì thế theo tôi, không có TPP là thách thức nhưng cũng là thuận lợi, bởi bắt buộc phải suy nghĩ làm sao để cạnh tranh thắng lợi.

Cũng chính từ thách thức này mà ngành dệt may có thêm thời gian đầu tư vào nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời gian qua, nhiều DN Việt Nam không có nhiều đơn hàng nhưng đổi lại đã làm được những đơn hàng khó hơn. Cụ thể ở May 10, thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008, chúng tôi đưa ra 5 chữ "tự": tự giác, tự chủ, tự lực, tự cường, tự cứu mình để vượt qua khó khăn.

Từ đó, chọn hướng đi khó, làm những sản phẩm không ai muốn làm do kết cấu phức tạp, phải giao hàng trong thời gian ngắn, đòi hỏi phải đầu tư công nghệ, tay nghề cao, như veston chẳng hạn. Bên cạnh đó, thay vì bị động đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì May 10 chủ động đem đến cho họ chuỗi cung ứng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác từ Mỹ, Nhật. May 10 luôn cải tiến để rút ngắn thời gian giao hàng từ 90 ngày xuống 60 ngày, rồi 30 ngày, chịu trách nhiệm giám sát chất lượng sản phẩm, không cần khách hàng phải tham gia công đoạn này như trước đây.

* Muốn thực hiện thành công thông điệp từ 5 chữ "tự" ấy, chắc hẳn phải có cách làm thực tế?

- Để thấm nhuần thông điệp đưa ra, từ năm 2008, chúng tôi đã tổ chức hội nghị toàn thể Công ty. Ngoài việc trực tiếp truyền đạt thông điệp xuống nhân viên, hội nghị là diễn đàn để công nhân viên đưa ra sáng kiến và nguyện vọng. Đó là văn hóa công ty của May 10. Năm 1959, Bác Hồ đến thăm nhà máy, có nói: "Tư tưởng thông thì công việc mới tốt" và câu nói này đã trở thành triết lý làm việc và là slogan của May 10.

Cũng từ năm 2008, nhân viên May 10 đều có số điện thoại của tổng giám đốc để chia sẻ, trao đổi bất cứ điều gì, kể cả những chuyện riêng tư. Với cách quản lý mở này đã tạo cho DN một sức mạnh mới. Bởi với 12.000 con người ấy cùng ban giám đốc sáng tạo, hiến kế những ý tưởng hay hoặc phản ánh kịp thời những cái chưa hợp lý, và như vậy họ đã tham gia vào chuỗi quản lý Công ty.

Ví dụ, trước đây, quy trình đào tạo của chúng tôi là đi từ cái dễ mới đến khó, nhưng chính công nhân đề nghị nên đào tạo cái khó nhất, bởi khi làm được cái khó thì sẽ nhanh tiếp thu cái dễ, như vậy sẽ rút ngắn được thời gian và chi phí đào tạo. Nhân viên chính là người bạn, người thầy của tôi là vì vậy.

* Doanh số xuất khẩu mỗi năm của ngành dệt may Việt Nam khoảng 25 tỷ USD, trong đó May 10 cũng như nhiều DN dệt may khác đều gia công cho các thương hiệu thời trang toàn cầu, trong khi xuất khẩu thời trang mang thương hiệu Việt Nam còn rất khiêm tốn...

- Trong ngành thời trang, may chỉ là một công đoạn, một khâu trung gian. Ở nhiều quốc gia, ngành thời trang phát triển là nhờ chuỗi cung ứng đi kèm, có như vậy những ý tưởng thiết kế mới mới thành sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Việt Nam còn rất yếu và thiếu, đa số nguyên phụ liệu vẫn phải nhập nên giảm năng lực cạnh tranh và phát triển.

Bên cạnh đó, các thương hiêu thời trang trên thế giới đã định hình, phân chia thị trường và tạo dấu ấn riêng rất nhiều năm, vì vậy, những "tân binh" thời trang như Việt Nam chen chân vào thị trường thời trang thế giới là không đơn giản. Mới đây, chúng tôi đã đưa thương hiệu May 10 vào Mỹ và thử nghiệm bán hàng qua kênh Amazon, nếu kết quả tốt sẽ tiếp tục đẩy mạnh.

* Nhiều DN đã chuyển hướng vào thị trường nội địa nhưng việc xây dựng thương hiệu thời trang trong nước cũng không dễ...

- Một công thức chung cho các DN thời trang là "Nhanh nhất, đẹp nhất, hợp xu thế và giá hợp lý nhất". Ai làm được bốn điều ấy thì thành công. Vấn đề là ai cũng biết nhưng làm được thì rất khó bởi cạnh tranh trên thị trường nội địa vô cùng khốc liệt.

Đơn cử, nếu làm đơn hàng xuất khẩu, chỉ cần làm đúng theo mẫu khách hàng, chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu rồi sản xuất, giao hàng đúng tiến độ là xong, nhưng tự mình xây dựng thương hiệu thì giống như sinh ra một đứa con, phải nuối nấng, chăm bẵm từng chút, thậm chí có lúc phải hy sinh nhiều thứ, trong khi đó, DN thời trang lại bị hạn chế bởi nhiều yếu tố khách quan, nhất là nhân lực thiết kế còn thiếu, nếu thuê thiết kế nước ngoài thì chi phí rất cao.

Song, nói vậy không có nghĩa là không dám làm. Hiện nay May 10 có xây dựng được một số thương hiệu thời trang. Mặc dù được thị trường đón nhận khá tốt nhưng để thương hiệu thật sự đứng vững, chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn, cả chất xám, cả tiền bạc. Tại một số tỉnh - thành phía Nam, dù đã có nhiều cửa hàng hiện diện nhưng May 10 vẫn chưa đạt kỳ vọng. Chúng tôi phải liên tục thay đổi vì gu thời trang, thời trang phải phù hợp với thời tiết, thói quen mỗi vùng miền.

* Tâm huyết với nghề, chắc hẳn bà sẽ có nhiều kiến nghị với các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ cho DN dệt may?

- Luật Lao động cần tăng giờ làm thêm vì hiện nay quy định giờ làm thêm còn thấp, tối đa chỉ 300 giờ/năm, trong khi ở Nhật Bản có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới vẫn tăng giờ làm thêm đến 600 giờ. Giờ làm thêm ở Việt Nam thấp thì rất khó cạnh tranh, đặc biệt các công ty sử dụng nhiều lao động, khả năng cạnh tranh bị ảnh hưởng rất lớn. Một kiến nghị nữa là Nhà nước cần hỗ trợ, nhất là lãi suất vốn vay để ngành thời trang Việt Nam đủ khả năng tham gia thị trường toàn cầu.

* Được biết bà là người mê sách. Vậy sách đã ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bà như thế nào?

- Sách không những giúp tôi tăng cường kiến thức mà còn tăng cường ý chí trong cuộc sống và công việc. Tôi đọc nhiều loại sách về kỹ năng sống, về doanh nhân thành đạt. Tôi còn chọn những sách nâng đỡ tinh thần con người, như cuốn Khi mặt trời lên của nhà sư Thích Huyền Diệu.

Tôi rất tâm đắc cuốn sách nói về luật nhân quả ấy nên đã mua tới 10 ngàn cuốn để tặng nhân viên. Tôi nghĩ, khi con người hiểu được luật nhân quả, gieo gì gặt nấy thì tâm họ sẽ sáng hơn, hành xử tốt hơn và không làm điều xấu. Tôi còn học từ cuộc sống. Trong mỗi chuyến đi công tác hay du lịch, tôi luôn ghi chép những điều hay mà mình được trải nghiệm, từ đó rút ra điều mình cần thay đổi trong công việc và cuộc sống.

* Bà vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn vào Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, vậy ảnh hưởng nào bà tâm đắc nhất?

- Bất cứ danh hiệu hay giải thưởng nào cũng là món quà tinh thần và là sự động viên đối với người được tôn vinh. Nhưng tôi thấy "Top ảnh hưởng nhất" to tát quá, bởi, những điều tôi làm chủ yếu lan tỏa trong cộng đồng DN của mình. Song, nếu bạn hỏi điều tâm đắc thì đó là từ việc làm và lối sống, tôi đã lan tỏa được tinh thần sống tốt, làm việc tốt cho anh chị em trong Công ty.

* Từ sự phấn đấu của bản thân, bà có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi đa số họ đều muốn làm chủ, không muốn làm công?

- Muốn có sự nghiệp bền vững thì điều không thể khác được là tự thân phấn đấu. Nếu mình không phấn đấu thì không thể nào làm được công việc mình mong muốn, giống như xây một ngôi nhà không vững móng thì rất khó trụ vững, nên không thể đốt cháy giai đoạn. Ông bà xưa có câu "Dục tốc bất đạt", mọi việc đều phải có thời gian, phải đam mê và quan trọng nhất là phải luôn đau đáu về nó và đi từng bước, từng bước để học hỏi mới thành công. Thời đại ngày nay là thời đại của sự chia sẻ, chỉ có sự trải nghiệm sâu mới hiểu kỹ, mới chia sẻ được.

* Một chuyện... đau đáu thời trẻ mà bà nhớ nhất?

- Năm 1997, khi tôi tham quan một nhà máy may ở Thái Lan, nhìn dây chuyền, quy trình sản xuất của họ quy mô, trật tự trong môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, tôi tự hỏi tại sao người ta làm tốt như vậy mà mình chưa làm được. Rồi nhiều năm theo đuổi, cuối cùng tôi đã trả lời được câu hỏi mình tự đặt ra. Từ chuyện đó, tôi luôn nhắc nhở nhân viên, muốn là được, đi là đến, vấn đề là mình muốn làm hay không mà thôi.

* Cảm ơn bà về sự cởi mở!

Theo LỮ Ý NHI (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
XEM