Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn "do gan và không sợ dốt" để bị tuột lại phía sau

08/12/2021 14:59 PM | Sống

Khi người ta đã ra rả chuyện mua đất trên mạng 'ảo' hay đầu tư NFT bằng Blockchain thì thực tế ngoài kia, đến cả các ông bà bán đồ ăn lề đường giờ đây cũng đã thật sự 'đổi đời' nhờ không ngại chuyện dùng đến công nghệ.

Các ứng dụng công nghệ "can thiệp" vào cuộc sống của con người từ nhiều năm nay đã giúp đỡ một bộ phận lớn các hàng quán, doanh nghiệp phát triển và thậm chí là vực dậy.

Chẳng có gì lạ khi ở Sài Gòn, người ta nhìn thấy một gánh bánh tráng trộn lề đường mà có đến 4 - 5 anh shipper công nghệ đang chờ lấy đơn. Điển hình như câu chuyện "đổi đời" của tiệm bánh tráng cô Gánh (Phú Nhuận, TP.HCM), từ một gánh hàng rong nhỏ bé, sập xệ, nhờ cô dùng công nghệ, bật app giúp các đơn hàng ở xa cứ thế về ầm ầm. Để rồi chẳng mấy chốc gánh bánh tráng ấy đã thành nơi có thương hiệu, mỗi ngày có cả nghìn đơn với hàng trăm lượt ship ra vào liên tục.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 1.

NHỜ CÔNG NGHỆ MÀ HÀNG RONG TỪ 0 THÀNH 10 - NGƯỜI NGÀY MỘT PHÁT TRIỂN, NGƯỜI BỊ TỤT LẠI PHÍA SAU

"Lấy riết thành quen chứ sao. Mỗi ngày tôi lấy chỗ này tổng cộng chắc cũng cả trăm bịch", anh Ngô Mai Đông (31 tuổi, shipper) giải thích khi chúng tôi bỡ ngỡ vì nhìn thấy hàng chục shipper đều quen thân với bà chủ tiệm bánh tráng.

Cứ hết lượt shipper này lại đến lượt shipper khác. Để hoàn thành khối lượng đơn mỗi ngày, chị Đặng Thị Thu Hà (41 tuổi, chủ tiệm bánh tráng Cô Năm, quận Gò Vấp, TP.HCM) phải làm không ngơi tay. Tiệm bánh tráng ngoài chủ quán còn có thêm một lực lượng shipper chờ ở ngoài.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 2.

Chị Đặng Thị Thu Hà, 41 tuổi, chủ tiệm bánh tráng Cô Năm, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Để có được lượng khách đông đảo như ngày hôm nay, quán bánh tráng Cô Năm cũng đã từng trải qua một thời bán gánh, bán xe đẩy ở gốc cây, cổng trường. Bản thân chưa từng làm qua món này thế như may mắn, kể từ khi chị Hà bán đến nay ngót nghét đã 5 năm và đông nhất là thời điểm chị bắt đầu liên kết với cả đơn vị ứng dụng công nghệ.

"Họ tự xuống họ mời, có chỗ họ lấy 15%/đơn, có chỗ họ lấy 20%, lúc đầu chị nghĩ bánh tráng có nhiêu đâu mà lấy 15% - 20% thì còn gì là lời nữa nhưng từ từ chị tính, thấy số lượng là chủ yếu. Bây giờ khách hàng 70% đến từ app, mỗi ngày được khoảng 1000 đơn". 

Từ vài chục cho tới hơn 1000 đơn hàng mỗi ngày, bánh tráng của chị Hà ngày càng nổi danh.  Mở cửa từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thế nhưng khung giờ các shipper đông đúc nhất là từ 13h đến 16h mỗi ngày.

Tiệm bánh tráng cô Năm chưa phải là ví dụ duy nhất của việc đổi đời. Trước đó, bánh tráng cô Gánh (khu Phan Xích Long, quận Phú Nhuận) cũng từng được biết đến là một gánh bánh tráng bình thường, mãi đến khi "nhập cuộc" vào công nghệ 4.0, ứng dụng hoá việc giao hàng thì gánh bánh tráng này phải khiến người ta... xếp hàng với số lượng hàng nghìn đơn mỗi ngày. Lời đồn chủ tiệm mua vài căn nhà của các quán ăn từ đó mà không còn vô cớ nữa.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 3.

Bánh tráng cô Gánh từng chỉ là một gánh bánh tráng bình thường

Hay câu chuyện của các shipper cũng là một minh chứng rõ nhất cho thấy một cái nhìn tích cực hơn với nền công nghệ 4.0.

"Thấy người ta làm dữ quá mà có tiền nên tôi cũng bắt đầu mua điện thoại cảm ứng dùng, ngày trước có cái điện thoại cùi bắp nghe gọi thôi, rồi nhờ mấy đứa cháu trong nhà chỉ cho đăng ký. Lúc đầu đăng ký làm xe ôm, sau đó mới ship hàng. Chạy tới nay là 15 tháng, tháng cao thì mười mấy triệu tháng thấp bỏ chạy để nuôi bà xã bệnh thì 4 5 triệu", chú Hùng, một shipper công nghệ, 54 tuổi nói.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 4.

Chú Hùng cho biết, ban đầu ngại vì sợ mình tụt hậu, không bắt kịp "bọn trẻ" bởi "ba cái ứng dụng, internet" này. Thế nhưng chỉ sau khi được con cháu hướng dẫn một vài lần, cộng thêm việc tìm trên Google, chú Hùng nay đã thuần thục hơn, thậm chí chú còn chỉ lại những "ông bạn già" cạnh nhà để kiếm thêm thu nhập.

"Làm vài lần là quen, lớ ngớ không biết thì chú tìm trên mạng coi người ta hướng dẫn, giờ trên mạng cái gì cũng có. Cực chút nhưng cách này phù hợp với chú, có cái gì kiếm tiền mà không cực đâu", chú Hùng tự tin nói.

Theo chú Hùng, thời điểm hiện tại chú chạy được từ 10 - 30 đơn. Kiếm được gần một triệu đồng/ ngày.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 5.

Thế nhưng trường hợp của chú Hùng là còn đuổi kịp công nghệ, nhiều người lớn tuổi không giỏi về smartphone lại khác, họ gần như cũng chạy khỏi cái sự "tụt lại" kể từ khi ứng dụng công nghệ ra đời. Muốn có thu nhập phải chịu khó. Họ mất nhiều thời gian hơn cho một đơn hàng. Mỗi ngày thu được khoảng 5 - 6 đơn.

"SÓNG LỚN THÌ ĐẨY THUYỀN THÔI"

Các đợt giãn cách kéo dài tại hai trung tâm lớn nhất Việt Nam cùng với cụm từ "bình thường mới" đã làm thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng của khách hàng và cách vận hành của các doanh nghiệp. Nó có thể được xem là đòn bẩy giúp "công nghệ" có chỗ đứng hơn ở Việt Nam và mang tính kết nói từ những vùng hẻo lánh đến các thành phố lớn.

Bà chủ gánh bánh tráng trộn lề đường nhờ xài công nghệ mà đổi đời, ngày chốt cả nghìn đơn do gan và không sợ dốt để bị tuột lại phía sau - Ảnh 6.

Không ít các shipper đều là người có hoàn cảnh khó khăn và không ít các hàng quán đều từ số 0 đến số 10. Mối liên kết giữa con người và thị trường, công nghệ từ đó cũng sẽ thay đổi.

"Sóng lớn thì đẩy thuyền thôi", một câu nói rất đúng trong tình huống này.

Thiết nghĩ, sự bùng nổ của các kênh thương mại điện tử thời gian vừa qua chính là một minh chứng. Và khi chúng ta bước vào giai đoạn "bình thường mới" trong tâm lý "sống chung với dịch", việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ "hạn chế tiếp xúc" giữa người với người sẽ là lợi thế đối với các các chủ hàng quán, doanh nghiệp nếu biết cách nắm bắt cơ hội.

Và sắp tới thế giới sẽ lại chứng kiến thêm một sự thay đổi lớn lao nữa mà công nghệ dành cho con người - METAVERSE (vũ trụ ảo) hay các mô hình NFT đang hiện có.

Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM