Australia cam kết cung cấp miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân, hỗ trợ đối tác châu Á
Australia đã ký thỏa thuận với AstraZeneca nhằm sản xuất và phân phối đủ vắc xin từ phòng nghiên cứu đại học Oxford cho người dân của mình.
Thủ tướng Australia, ông Scott Morrison, cho biết Australia đã ký kết thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca nhằm đảm bảo nguồn cung vắc xin, và rằng vắc xin sẽ được cung cấp miễn phí cho toàn bộ người dân nếu thành công, theo tin từ báo The Independent.
AstraZeneca là một công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh. Công ty này đang liên kết với phòng nghiên cứu thuộc đại học Oxford để phát triển vắc xin.
Phòng nghiên cứu của đại học Oxford hiện đang được coi như dẫn đầu cuộc chạy đua của thế giới trong nỗ lực tìm kiếm vắc xin chống Covid-19.
Khi mà một số nước đang cố gắng đảm bảo nguồn cung vắc xin cho người dân của họ khiến nhiều người lo sợ về khả năng sẽ thiếu vắc xin trên toàn cầu, Australia đã ký thỏa thuận với AstraZeneca nhằm sản xuất và phân phối đủ vắc xin từ phòng nghiên cứu đại học Oxford cho người dân nước này.
Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Australia nói: "Theo thỏa thuận này, chúng ta đã có đủ vắc xin cho mỗi người Australia. Nếu vắc xin này thành công, chúng ta sẽ sản xuất và cung cấp vắc xin trực tiếp trong hệ thống của chúng ta, 25 triệu người Australia sẽ được dùng miễn phí".
Các nước trên khắp thế giới đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung vắc xin. Gần đây nhất, Argentina và Mexico công bố họ sẽ sản xuất vắc xin cho phần lớn khu vực châu Mỹ - Latinh.
Cho đến nay, chính phủ Anh đã ký kết thỏa thuận sản xuất 340 triệu liều vắc xin trong 6 chương trình thử nghiệm, nó cho thấy chính phủ Anh đang muốn nhanh chóng có vắc xin đến như thế nào.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến nay đã hối thúc các nước giàu không nên cố gắng gom vắc xin bất chấp nhu cầu của các nước nghèo. Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói trong một tuyên bố vào ngày thứ Ba: "Hành động một cách có chiến lược trên toàn cầu phục vụ cho lợi ích của mỗi quốc gia, chẳng có ai an toàn cho đến khi mọi người đều được an toàn". Ông đồng thời kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa dân tộc vắc xin.
Dù rằng trước đây từng kiểm soát được Covid-19, Australia giờ đây đang gặp khó khi mà số lượng các ca lây nhiễm mới Covid-19 tăng vọt. Tuy nhiên, con số 24.000 ca nhiễm và 438 ca tử vong do Covid-19 tại Australia vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.
Australia cũng khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ vắc xin cho một số nước đối tác châu Á.
Nga, nước đầu tiên công bố phát triển được vắc xin Covid-19, cũng đang rất ráo riết với hoạt động thử nghiệm và tiến đến sản xuất vắc xin hàng loạt.
Giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm thứ 3 của vắc xin Covid-19 phát triển bởi viện Gamaleya và Bộ Y tế Nga sẽ bắt đầu sau từ 7 đến 10 ngày tới, theo chia sẻ của giám đốc viện Gamaleya với Hãng thông tấn Nga TASS.
Hàng chục nghìn người dự kiến sẽ tham gia vào đợt nghiên cứu này.
"Vào ngày thứ Hai, chúng tôi sẽ chính thức tiến hành đợt nghiên cứu đầu tiên sau khi đăng ký. Xét đến sự quan tâm rất lớn của công chúng và báo chí, tôi nghĩ Bộ Y tế Nga sẽ không trì hoãn quá trình này và sẽ chấp thuận các thủ tục cần thiết trong vòng 1 tuần. Chính vì vậy tôi tin rằng trong từ 7 đến 10 ngày, mọi chuyện sẽ bắt đầu", ông Gintsburh nói.
Trước đó, Cơ quan Giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Roszdravnadzor) công bố khoảng 2.000 sẽ tham gia vào quá trình thử nghiệm sau khi vắc xin Covid-19 của Nga được đăng ký.
Trong tuyên bố mới nhất, ông Gintsburg công bố hàng chục nghìn người sẽ dự kiến sẽ tham gia vào quá trình thử nghiệm giai đoạn ba. Nghiên cứu này dự kiến sẽ được thực hiện tại khu vực Moscow.
Ngày 11/8/2020, Nga đăng ký phát triển thành công vắc xin Covid-19. Vắc xin này được đặt tên Sputnik V, vắc xin được phát triển bởi viện Gamaleya, các thử nghiệm được hoàn tất trong giai đoạn tháng 6 và tháng 7/2020. Vắc xin được phát triển dựa trên nền tảng của nhiều loại vắc xin khác. Ngày 15/8/2020, Bộ Y tế Nga thông báo hoạt động sản xuất vắc xin đã được bắt đầu.