APEC 2017 – Cơ hội vàng cho du lịch và doanh nghiệp Việt Nam

05/11/2017 09:47 AM | Xã hội

Với gần 250 hoạt động xuyên suốt trong Năm APEC 2017, các doanh nghiệp và ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rộng mở để kết nối và “tỏa hương sắc tự nhiên” khẳng định thương hiệu của chính mình.

Kết nối các doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã khẳng định như vậy tại buổi thông tin báo chí về Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11 tháng 11.

Theo đó, ngoài sự xác nhận tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký tham gia các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC cũng đã lên tới con số hơn 2.000. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với vai trò chủ nhà, Việt Nam mong muốn tiếp tục duy trì đà phát triển, hợp tác trong APEC và đặc biệt là thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC.

Đăng cai APEC 2017 ngoài giúp Việt Nam có thêm cơ hội mới để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng sẽ tạo điều kiện hoàn tất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, sự tham dự của hàng chục ngàn đại biểu và 250 hoạt động lớn nhỏ trên khắp cả nước của Năm APEC 2017 đã mở ra những cơ hội lớn cho các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền với các đối tác APEC và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Năm APEC 2017 cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, VCCI chủ trì 6 sự kiện trong năm APEC 2017, bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh, diễn ra từ ngày 8-11 tại Đà Nẵng.

Đây là cơ hội vàng cho 63 tỉnh/thành Việt Nam tiếp xúc với các nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế. Việc xúc tiến thương mại, đầu tư một cách bài bản, đạt chuẩn mực quốc tế hàng đầu hiện đang là mục đích quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới và học hỏi. Vì thế, VCCI đang cùng các địa phương tiến hành xây dựng 1 bộ chỉ số xúc tiến thương mại đầu tư chuẩn để áp dụng chứ không chỉ xúc tiến đầu tư riêng lẻ như thời gian qua.

Song song với hội nghị này sẽ là triển lãm “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế đa dạng của các ngành: Nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… của các tỉnh, thành phố/địa phương.

Còn Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO SUMMIT 2017) năm nay thì tập trung vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, những biểu hiện mới của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tương lai của toàn cầu hoá, những chân trời mới của thương mại quốc tế; các động cơ tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong phát triển nông nghiệp nông thôn và xu hướng tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng toàn cầu; sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển bền vững; cách mạng dịch vụ.

Đặc biệt, khi lần đầu tiên có mặt trong các cuộc thảo luận chính thức của APEC CEO Summit 2017, các câu chuyện về các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam sẽ được đưa ra với vai trò như xương sống của nền kinh tế. Không gian đầy sáng tạo đang mở ra cho các chủ thể trong nền kinh tế, trong đó có doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia đình Việt Nam và điều này đã trở thành tiền đề cho sáng kiến Chiến lược phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, bền vững và đổi mới sáng tạo, mà các bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ và vừa của APEC đã thống nhất.

Và “thể hiện chính mình”

Bên cạnh vấn đề kinh tế, du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC kể từ khi diễn đàn này được thành lập năm 1989. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016, ngành Du lịch đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực.

Phát triển du lịch cũng mang lại những hiệu quả đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện, giúp gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội. Trong những năm gần đây, du lịch của Việt Nam cũng bắt đầu có những bước chuyển biến tích cực.

Năm 2015, tờ The Star (Ngôi Sao) của Malaysia đã công bố những điểm đến hàng đầu mà du khách nên tham quan, trong đó Việt Nam giữ vị trí đầu bảng. Trước đó, năm 2014, Tạp chí Du lịch Travel&Leisure (Mỹ) bình chọn Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 20 điểm đến tốt nhất thế giới, dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch...

Mặc dù vậy, du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phát triển để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu để du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm vì người dân và doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các điểm đến hấp dẫn ở miền Trung. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn từng nhấn mạnh: “Phục vụ đại biểu quốc tế trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC là vinh dự và trách nhiệm của ngành Du lịch Việt Nam.

Các địa phương được lựa chọn để tổ chức các sự kiện APEC năm 2017 có cơ hội tổ chức các đoàn giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch của địa phương; tổ chức xúc tiến đầu tư du lịch và giao lưu giữa các đại biểu APEC với cộng đồng địa phương để các đại biểu có những trải nghiệm chân thực nhất về cuộc sống của người dân Việt Nam.

Những ấn tượng tốt đẹp đó sẽ được các đại biểu APEC năm 2017 chuyển tải đến người dân ở đất nước mình, thúc đẩy hơn sự hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC trong tương lai…”.

Cho đến nay, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC.

Ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và hiện đang hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ điều kiện tự nhiên và nền văn hóa phong phú, hấp dẫn: 24 di sản thế giới được Tổ chức UNESCO vinh danh, 72 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.300 di tích cấp quốc gia; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài với những vịnh, bãi biển và đảo ven bờ được nhiều tổ chức bình chọn là đẹp hàng đầu thế giới như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín.

Theo Huyền Chi - Thiện Nhân

Cùng chuyên mục
XEM