Áp hạn mức 100 triệu/tháng cho ví điện tử: Nhiều hay ít?

12/05/2019 20:01 PM | Kinh doanh

Nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoản về cơ sở pháp lý và nhu cầu thực tế để áp dụng hạn mức giao dịch ví điện tử...

Như chúng tôi đã đưa tin, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đóng góp có điểm đáng chú ý về hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân. Nội dung trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia cũng như các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân (bao gồm giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử sang ví điện tử khác và giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp) tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Quy định không được áp dụng đối với ví của cá nhân có ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Tại Hội thảo lấy ý kiến diễn ra sáng 10/5, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc đưa ra hạn chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và tránh trường hợp lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoản về cơ sở pháp lý và nhu cầu thực tế để áp dụng cho bài toán hạn mức giao dịch ví điện tử.

Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh để đặt ra hạn mức không kìm hãm thanh toán điện tử.

"Nếu chủ ví cần dùng nhiều hơn hạn mức này trong một tháng thì sao? Tôi nghĩ nên cân nhắc mức lớn hơn như 150 triệu hay 200 triệu đồng cho một tháng chẳng hạn", ông Lực đề xuất.

Còn theo ông Trần Quang Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công nghệ tài chính thuộc Hiệp hội Ngân hàng lại cho rằng, về bản chất ví điện tử là tài sản của người dùng, do đó họ cần có quyền định đoạt đối với tài sản của mình.

Đánh giá tác động của dự thảo đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, cho biết, mặc dù thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế.

"Một người có thể giao dịch đặt vé máy bay hay chuyến du lịch cho cả gia đình, một nhóm nhiều người đi Hàn Quốc thì giá trị thanh toán lên tới 300 - 400 triệu là chuyện bình thường", vị này lấy ví dụ.

Về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử, đại diện đơn vị sở hữu ví điện tử Momo cho rằng, dự thảo dùng để phục vụ cho 3 -5 năm tới, nhưng chỉ tính riêng Momo, trong năm 2018, số lượng giao dich đã tăng gấp 3 lần và dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Do đó, đại diện doanh nghiệp kiến nghị cần nâng hạn mức lên 200 triệu đồng trên tháng, để chuẩn bị cho tương lai.

Đáp lại các ý kiến trên, ông Dũng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình là không muốn đặt hạn mức thanh toán theo ngày nhưng mức thanh toán tối đa theo tháng là rất cần thiết và phù hợp.

"Thực tiễn tại Trung Quốc cho thấy, Chính phủ nước này áp dụng hạn mức giao dịch đối với ví điện tử theo năm, cũng tương đương với chúng ta", ông Dũng nói.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Điều này, theo ông Dũng, cho thấy quy mô của thị trường còn bé, vì thế "nếu chúng ta áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng thì có nghĩa mức tăng trưởng hơn 500%".

Ông Dũng cũng nói thêm rằng, hạn mức này nếu không phù hợp thì có thể được sửa đổi, "Ban soạn thảo sẽ xem xét theo hướng cởi mở hơn".

Theo Đào Hưng

Cùng chuyên mục
XEM