Áp dụng lối sống tối giản của người Nhật, sau 3 tháng tôi thấy: Tự do hơn, có thêm nhiều thời gian, năng lượng và tiết kiệm được nhiều tiền hơn

31/07/2020 15:15 PM | Sống

Trong suy nghĩ của tôi, người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh. Hiểu rõ những thứ mình cần, bỏ hết những thứ ngoài mức cần thiết, đó chính là người sống tối giản.

"Bất cứ ai khi sinh ra cũng là người sống tối giản"

Tyler Durden trong bộ phim Sàn đấu sinh tử đã nói rằng: "Rốt cuộc, chúng ta lại trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà ta sở hữu". Điều này đúng với tôi khi tôi đốt rất nhiều tiền cho áo quần giày dép, và những vật dụng có khi mua về chưa từng xé giá. Thế nhưng, tình cờ đọc được cuốn sách "Lối sống tối giản của người Nhật" của tác giả Sasaki Fumio là một bước ngoặt trong suy nghĩ và phong cách sống của tôi. Thực hành 3 tháng, tôi nhận ra "Giảm bớt đồ đạc quá tải trong nhà chính là một lần giúp suy nghĩ về hạnh phúc". Dĩ nhiên, quá trình này không dễ dàng và ban đầu thấy cực kỳ bất tiện, nhưng khi nghiêm khắc áp dụng, tôi đã thu về thành quả xứng đáng. 

Tìm hiểu sâu hơn về lối sống tối giản, thấy ngạc nhiên về bản chất của người Nhật. Từ khi sinh ra, họ đã là những người sống tối giản. Mỗi người chỉ có hai ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến mười bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thoải mái, và cũng không phải là nơi ở cố định. Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao. Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.

Bên trong phòng không có một đồ vật dư thừa nào cả, cửa ra vào cũng chỉ có một cửa nhỏ hẹp. Nếu bạn thích kiểu ngồi dựa ghế như mấy người nổi tiếng thì đừng hòng bước vào được phòng trà. Ngoài ra, dù là võ sĩ có muốn vào phòng trà thì cũng phải để kiếm ở ngoài. Đã vào phòng trà thì không phân biệt người giàu hay người nghèo, dân thường hay người nổi tiếng, mà chỉ là cuộc gặp gỡ giữa người với người, cùng nhau thưởng thức một chén trà mà thôi.

Áp dụng lối sống tối giản của người Nhật, sau 3 tháng tôi thấy: Tự do hơn, có thêm nhiều thời gian, năng lượng và tiết kiệm được nhiều tiền hơn - Ảnh 1.

Dần dà, tôi nhận ra: 

- Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có sẵn tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. 

- Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. 

- Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. 

- Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. 

Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Từ khi bước vào lối sống tối giản, giảm tải những vật dụng không cần thiết, tôi luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Ví dụ như một chuyến du lịch chẳng hạn. Hầu như ai cũng gói ghém đồ đạc đến sát giờ xuất phát. Nhưng dù bạn có kiểm tra hết danh sách vật dụng mang đi cũng vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nhưng đã đến giời xuất phát, bạn phải khóa cửa và kéo vali đi thôi. Chính lúc này, bạn mới cảm thấy thoải mái. Đúng vậy, nếu có một chiếc vali này, mình có thể sống được một thời gian khá dài đấy. Có thể là mình đã quên một vài thứ ở nhà, nhưng không sao những thứ cần thiết nhất đã ở đây rồi.

Sau thời gian di chuyển, bạn đến nhà nghỉ hay khách sạn, ngủ trên chiếc chiếu tatami và tận hưởng sự thoải mái. Phòng nghỉ rất sạch sẽ, gọn gàng và ít đồ đạc. Trong pòng nghỉ này cũng chẳng có những đồ vật dư thừa như ở nhà. Bởi vậy nhà nghỉ luôn là nơi dễ chịu trong các chuyến đi. Bạn để lại đồ đạc trong phòng và đi dạo gần đấy hoặc thảnh thơi tới bất cứ đâu. Bạn có thời gian tận hưởng phong cảnh, con người, cuộc sống và chẳng có việc gì phải hoàn thành cả.

Chính là cảm giác như vậy đó, có lẽ bất cứ ai cũng đã trải qua cảm giác mà lối sống tối giản mang lại. Và tất nhiên, có thể bạn cũng đã cảm nhận cảm giác ngược lại, đó là lúc kết thúc chuyến đi, bạn lên máy bay về nhà. Những món đồ bạn đã xếp rất gọn gàng trước khi đi giờ nằm lung tung trong vali. Những món quà lưu niệm được nhét đầy trong túi xách tay. Vé vào cửa khu du lịch, hóa đơn mua hàng… nhét hết vào túi quần. Đến lúc kiểm tra vé máy bay thì bạn mới tìm loạn cả lên, "Ơ, mình để đâu rồi nhỉ?" Lúc đấy, bạn sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu từ phía sau.

Đây chính là cảm nhận khi bạn bị quá nhiều đồ đạc làm phiền, bởi khi có việc cần thiết, bạn chẳng thể rảnh tay để làm gì được. Chúng ta luôn mất thời gian, công sức để sở hữu một món đồ nào đó, hoặc để bảo quản, quản lý những món đồ mình đã có. Và chúng ta bỏ ra nhiều đến mức, những món đồ vốn chỉ là vật dụng hàng ngày cuối cùng lại trở thành ông chủ của chúng ta.

Áp dụng lối sống tối giản của người Nhật, sau 3 tháng tôi thấy: Tự do hơn, có thêm nhiều thời gian, năng lượng và tiết kiệm được nhiều tiền hơn - Ảnh 2.

Như thế nào là người sống tối giản?

Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi trở thành người sống tối giản. Có những người thấy cuộc sống đảo lộn vì đồ đạc, có người lại thấy không hạnh phúc dù giàu có và sở hữu nhiều thứ trong ta. Có người giảm bớt đồ đạc sau nhiều lần chuyển nhà, cũng có khi họ muốn thoát khỏi sự u ám của cuộc sống. Hay cũng có người vốn dĩ không thích nhiều đồ đạc, thậm chí cũng có người đã thay đổi cách sống sau khi trải qua động đất.

Vậy một người sống tối giản là người như thế nào? Giảm bớt đồ đạc đến mức nào mới gọi là sống tối giản? Tuy nhiên, đừng vì thấy người khác sống tối giản, mà bạn cũng học đòi và ép bản thân khi chưa thật sự sẵn sàng. Bởi lẽ, gười sống tối giản là:

- Người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết với mình. 

- Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng. 

Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản. Điều đó có nghĩa là nếu bạn sở hữu cả trăm món đồ hay chỉ một chiếc ti vi thì bạn sẽ không thể sống tối giản, hay nếu bạn có thể dẹp hết quần áo vào một chiếc tủ thì có nghĩa bạn là người sống tối giản, không phải vậy…Tất cả những điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.

Với mỗi người khác nhau lại có những thứ quan trọng, cần thiết khác nhau. Bởi vậy, việc cắt giảm đồ đạc cũng khác nhau

Việc vứt bớt đồ đạc không phải là "mục đích" của lối sống tối giản, mà đó chỉ là một phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình. Đó chỉ là chương mở đầu cho một câu chuyện, còn phần còn lại của cuốn sách là những điều mà bản thân mình đã nhận ra được. Để có thể chú tâm vào những việc quan trọng, hãy loại bỏ những việc không quan trọng. Đây chính là vấn đề trong mọi lĩnh vực đời sống hiện nay.


Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
XEM