Ánh sáng sau đại dịch: Tương lai của ngành du lịch

16/05/2020 14:40 PM | Xã hội

Một xu thế du lịch trách nhiệm hơn, đi lại bằng máy bay trở nên "xa xỉ" hơn trong khi chuỗi cung ứng trong ngành này sẽ được rút ngắn... là những nhận định được Financial Times đưa ra về ngành du lịch thế giới hậu Covid-19.

Trước khi thế giới chịu lệnh phong toả, ngành công nghiệp du lịch đã trải qua một năm vô cùng khó khăn - thách thức chồng lên thất bại, đến mức đây có thể là hồi kết cho kỷ nguyên du lịch.

Đầu tiên, nhận thức về biến đổi khí hậu gia tăng đột biến, khiến những nhà báo du lịch, travel blogger - nghề nghiệp dường như "mới lạ" - giờ đứng giữa lằn ranh "mờ" về đạo đức. Các cuộc biểu tình chống du lịch quá tải (over tourism) diễn ra tại nhiều thành phố lớn; "đế chế" du lịch Thomas Cook sụp đổ, Venice trải qua trận lụt lịch sử và rừng Australia chìm trong biển lửa. Thế giới đối mặt với virus corona không lâu sau đó. Liệu những người biểu tình Extinction Rebellion (phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu) có thể tin rằng 6 tháng ngày họ xuống đường tại London, bầu trời thủ đô Anh quốc giờ đã trong vắt không một vệt khói?

Khi chúng ta "mắc kẹt" ở nhà, mường tượng về việc tự do đi du lịch thì ngoài kia, nền kinh tế phụ thuộc vào ngành này đang héo tàn. Safari không bóng người, động vật bị bỏ rơi dẫn đến tình trạng săn trộm. Các quán trà Nepal trở nên yên tĩnh, hướng dẫn viên Đường mòn Inca không có một vị khách nào. Sự vắng bóng của du khách khiến tác động của ngành du lịch (hơn 330 triệu lao động) lên các địa phương, đất nước trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ánh sáng sau đại dịch: Tương lai của ngành du lịch - Ảnh 1.

Đồ bảo hộ mới của phi hành đoàn Air Asia. Ảnh: Puey Quinones/AirAsia

Ánh sáng sau đại dịch: Tương lai của ngành du lịch - Ảnh 2.

Quảng trường Durbar tại Kathmandu vắng bóng người vào những ngày đầu tháng 5. Ảnh: Getty Images

Du lịch đại trà (mass tourism) đã gánh chịu búa rìu dư luận suốt 1 năm qua nhưng việc kêu gọi chấm dứt hoàn toàn mass tourism và chỉ trích những người du lịch bằng máy bay - là biện pháp còn quá cực đoan và đơn giản.

Có lẽ cuộc khủng hoảng hiện tại có thể thúc đẩy chúng ta hướng đến biện pháp ít cực đoan hơn - hình thức du lịch có trách nhiệm hơn để giảm thiểu lượng khí thải carbon, quản lý tình trạng du lịch quá tải, tối đa hóa sự đóng góp của du khách đối với các nền kinh tế địa phương.

Tony Wheeler, đồng sáng lập của Lonely Planet, cho biết: "Chúng tôi sẽ không tiếp tục làm những điều như trước... Tôi cho rằng cách tiếp cận "xuề xoà" khi nói "mình sẽ đi đâu ở châu Âu cuối tuần này?" sẽ không đạt hiệu quả như trước được nữa".

Việc đi máy bay sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn. Các hãng hàng không sẽ giảm tải chuyến bay bằng các biện pháp giãn cách xã hội, chẳng hạn như để trống hàng ghế giữa, điều sẽ làm đội chi phí đáng kể.

Emirates yêu cầu xét nghiệm máu trước khi lên máy bay; AirAsia cho ra mắt đồng phục phi hành đoàn mới gồm mặt nạ, tấm che và bộ đồ bảo vệ. Những phòng chờ đông đúc bị người dân e ngại. Vì vậy, nhu cầu cho các chuyến đi trong nước hay qua các nước láng giềng bằng phương tiện khác chắc chắn sẽ tăng, khiến các kỳ nghỉ qua đường hàng không trở thành một sự kiện đặc biệt hơn.

Khi lo lắng về virus vẫn còn, các điểm nóng như quảng trường thánh Peter hay những con hẻm tại thành phố Dubrovik đã bắt đầu thưa thớt. Thay vào đó, du khách đang trải ra các địa điểm ít nổi bật hơn.

"Câu hỏi đặt ra không phải ngành du lịch sẽ "bình thường hoá" sau Covid-19 như thế nào mà là hành vi xã hội sẽ thay đổi ra sao?" Peter Hughes, biên tập viên show du lịch nổi tiếng Wish You Were Here, chia sẻ.

Một trong những kiến trúc sư đoạt giải Tourism for Tommorow (Du lịch cho Ngày mai) cho rằng thảo luận về biến đổi khí hậu có thể bị trì hoãn nhưng việc này sẽ tạo ra làn sóng nhận thức về chủ đề biến đổi khí hậu, có thể khiến mọi người đột ngột thay đổi hành vi.

"Ngành du lịch hậu Covid-19 sẽ phải đi đôi cùng với chống biến đổi khí hậu. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy một nhóm khách hàng sẵn sàng từ bỏ thói quen cũ - nói không với việc đi máy bay, du lịch đại trà, sẵn sàng tiếp nhận các thói quen mới để bảo vệ cuộc sống mỏng manh của mình".

Chuỗi cung ứng ngành này cũng sẽ được rút gọn. Hiện nay, một kỳ nghỉ thường đặt qua đại lý du lịch, nơi này lấy một phần tiền hoa hồng và chuyển giao cho một công ty điều phối lữ hành chuyên nghiệp, nơi này chuyển tiếp cho công ty tại điểm đến và cuối cùng là ký hợp đồng phụ với hướng dẫn viên du lịch. Có thể 1/3 chi phí của chuyến đi không hề rời khỏi đất nước của khách du lịch.

Phần lớn mô hình truyền thống này có tính bảo mật cao hơn, nhưng Covid-19 đã khiến những đảm bảo đó "bốc hơi". Nhiều công ty du lịch từ chối hoàn tiền cho khách, chỉ cung cấp hoá đơn điều chỉnh giảm (credit note) có thể chuyển đổi thành tiền mặt vào hôm sau. Lý do giải thích cho điều này quá dễ hiểu, tiền đã biến mất trong chuỗi cung ứng, kéo theo đó là niềm tin công chúng với ngành này có thể bị tổn hại lâu dài.

Các hình thức du lịch thay thế khác đang phất lên, kết nối khách và nhà điều hành địa điểm trực tiếp. Công ty như Adventures Better, Travel Local đã phát triển mạnh mẽ khi nhận thức về du lịch trách nghiệm dần lan rộng. Nhờ vào sự chuyển dịch kỹ thuật số, giờ đây công cuộc này được tăng tốc hơn bao giờ hết.

"Mọi người nghĩ nếu mình đi du lịch ở đâu đó - thì ít nhất cũng phải làm điều gì cho "bõ công sức" - gặp gỡ người bản địa, biết thêm kiến thức mới, du lịch có trách nhiệm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương càng nhiều càng tốt," Huw Owen - đồng sáng lập TravelLocal, chia sẻ.

Khách du lịch trẻ sẵn sàng đặt tour trực tiếp hơn là du khách lớn tuổi, người vẫn tiếp tục ủng hộ mô hình thông thường. Đáng buồn thay, dân số baby boomer - thế hệ phát minh ra du lịch ba lô, giờ dành tuổi hưu để khám phá và du lịch lại trở thành người có khả năng bị cách ly lâu nhất. Trong khi đó, thế hệ trẻ, được nuôi dậy với nhận thức về môi trường và có nhu cầu du lịch trách nhiệm hơn, sẽ chính là những người vực ngành công nghiệp này trở lại.

Bảo Linh

Cùng chuyên mục
XEM