Anh rời khởi EU, du học sinh Việt Nam sẽ được hưởng lợi?

29/06/2016 08:50 AM | Xã hội

Sau Brexit, đồng bảng Anh sụt giá sẽ là cơ hội tốt để học sinh Việt du học sang quốc gia này với chi phí rẻ mà chất lượng vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, những khó khăn về việc làm và lo ngại chính sách ưu đãi giáo dục mất đi sẽ là những mối bận tâm lớn cho du học sinh Việt.

TS.Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, Anh rời khỏi EU sẽ tác động đến nhiều yếu tố. Một trong số đó là vấn đề du học sinh.

Theo TS. Lực, trong ngắn hạn, các đánh giá cho thấy Anh thiệt thòi hơn về vấn đề du học do sính bất ổn và mâu thuẫn về phe phái trong nội bộ. Bởi các tập đoàn lớn sẽ di chuyển, cơ sở sản xuất cắt giảm nhân lực, cơ hội việc làm ở Anh khá khó khăn. Vì thế, chắc chắn người dân chưa chọn quốc gia này để du học do tâm lý.

Trái ngược với quan điểm của TS Lực, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI lại cho rằng, khi đồng Anh mất giá, nhiều người lại càng muốn cho con em mình đi học vì giá rẻ đi mà chất lượng giáo dục vẫn giữ nguyên. Đây là một trong những lợi ích về giáo dục khi Brexit.

Theo phân tích của ông Linh, khi Anh rời EU, quốc gia này sẽ giảm được 0,53% chi phí do không phải nuôi nước nghèo trong EU. Việc này dẫn đến việc giảm thiểu số lưọng người trong EU đến làm việc ở Anh, đồng nghĩa tăng khả năng việc làm cho chính người dân quốc gia này.

Chuyên gia lấy dẫn chứng về trường hợp của Singapore khi từng mở rộng cho người lao động tự do từ nhiều nước khác trên thế giới. Do sức ép từ phía người lao động tăng lên, Chính phủ nước này đã phải thay đổi để giữ việc làm cho người dân đảo quốc sư tử biển.

Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, với sự mất giá của đồng bảng Anh, du học sinh Việt Nam sẽ có lợi.

"Anh là một nước có thể chế chính trị rất vững vàng. Bản thân du học sinh và phụ huynh cũng không quan tâm nhiều đến vấn đề chính trị. Do đó, cùng một số tiền sẽ làm được nhiều việc hơn sẽ rất lợi cho du học sinh Việt", chuyên gia Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhắc đến một bất lợi khi nhiều khả năng du lịch quanh châu Âu sẽ không thuận lợi trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến nhiều người có ý định du học Anh suy xét.

Theo tờ Independent, nếu rời Liên minh châu Âu (EU), giáo dục Anh sẽ đối mặt khủng hoảng từ nguy cơ mất đội ngũ giảng viên nước ngoài, lượng sinh viên quốc tế giảm và không còn được nhận hỗ trợ tài chính.

Mỗi năm, Anh được EU hỗ trợ hơn 15% chi phí cho công tác nghiên cứu. Do vậy, "cuộc ly hôn" này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các trường trong việc đảm bảo nguồn đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu.

Hiện nay, khoảng 125.000 người trong khối EU đang theo học tại Anh. Họ đóng học phí tương tự sinh viên bản địa là 9.000 bảng một năm. Trong khi đó, sinh viên quốc tế phải đóng 15.000 – 25.000 bảng một năm. Việc Anh thuộc Liên minh giúp du học sinh các nước EU khác tiết kiệm từ 18.000 bảng đến 48.000 bảng trong toàn khóa học. Và đương nhiên, khi Brexit, ưu đãi này sẽ không còn.

Cũng theo khảo sát mới đây của công ty Hobson's Solutions, 47% người được hỏi cho biết, họ sẽ không theo học tại nước này trong khi chỉ 17% đồng ý. Jeremy Cooper, Giám đốc điều hành của Hobson, khẳng định: “Brexit là thách thức lớn đối với giáo dục đại học ở Anh. Việc thu hút sinh viên quốc tế từ 27 thành viên khác sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM