Anh: Người mẹ đau đớn phát hiện 2 con qua đời do bị truyền nhầm máu có HIV

11/10/2022 14:12 PM | Sống

Sau 30 năm, nỗi đau của hàng nghìn gia đình có người thân mất vì bị truyền nhầm máu chứa HIV đã được lên tiếng. Trong đó có cả những bà mẹ luôn đau đáu về ngày công lý sẽ được thực thi.

Ngày 6/10 vừa qua, vụ bê bối máu bị nhiễm trùng tồi tệ nhất của nước Anh đã được mở lại. Cuộc điều tra do ông Brian Langstaff, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao, dẫn đầu và đang xem xét những gì được miêu tả là thảm họa điều trị tồi tệ nhất trong lịch sử ngành y tế.

Sau 30 năm, các nạn nhân một lần nữa đối diện nỗi đau tột cùng. Nhiều người trong số đó đã không còn sống để chờ đến ngày công lý được thực thi. Gia đình các nạn nhân đã chịu đựng nỗi đau hàng thập kỷ và mong mỏi vào cuộc điều tra đang được tiến hành.

Sir John Major, cựu Thủ tướng Anh, từng tuyên bố sẽ nghiêm khắc điều tra vụ việc. Trả lời báo chí, ông Major cho biết phương pháp điều trị gây nhiễm độc máu đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Song, tuyên bố "các nạn nhân gặp sự cố vô cùng xui xẻo" khiến những người sống sót và gia quyến rất giận dữ.

Những đứa trẻ qua đời vì bị truyền nhầm máu

Các con trai của bà Elisabeth Buggins là Richard và Jonathan mắc bệnh máu khó đông nghiêm trọng. Cả hai được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Birmingham, Vương quốc Anh.

Bà Buggins cho biết bản thân nghi ngờ Richard có thể đã nhiễm virus HIV sau khi nhận một lượng đáng kể các sản phẩm máu trong bệnh viện trước khi chết vì HIV ở tuổi 8 vào năm 1986. Tuy nhiên, điều khiến bà mẹ này đau khổ hơn nữa là khi biết Jonathan cũng nhiễm virus.

Giọng bà mẹ vỡ ra khi nói với điều tra viên: "Sau đó, tôi nhìn thấy tên của Jonathan. Điều đó hoàn toàn bất ngờ".

Người mẹ đau đớn phát hiện 2 con trai qua đời do bị truyền nhầm máu chứa virus HIV - Ảnh 1.

Bà Elisabeth Buggins kể về cảm giác sau khi con trai nhiễm HIV và qua đời ở tuổi lên 8.

Cũng theo lời bà Buggins, Bệnh viện Nhi đồng Birmingham đã tổ chức cuộc họp với các cha mẹ nạn nhân. Đây là nơi họ được thông báo con của họ có nguy cơ lây nhiễm HIV qua các sản phẩm máu được sử dụng để điều trị.

Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện lại không khuyến khích phụ huynh hỏi bác sĩ xem con họ có bị nhiễm bệnh hay không. Phía bệnh viện cho rằng điều này có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa bệnh nhân - người nhà - bác sĩ khi không có cách chữa trị.

Một phụ huynh khác, Brenda Haddock, nói với các nhà điều tra rằng mình cũng tình cờ phát hiện ra rằng con trai bà - Andrew, nhiễm HIV vì truyền các sản phẩm máu. Sau đó, Andrew đã chết ở tuổi 24 tại Bệnh viện Nhi Birmingham vào năm 1996.

Bà Haddock cho biết con trai bà đã được thông báo về chẩn đoán nhiễm HIV trong cuộc họp riêng với bác sĩ. Nhưng bà chỉ phát hiện con nhiễm bệnh khi đang xem tờ ghi chú của bệnh nhân. "Andrew trở nên rất chán nản, con tôi mất hứng thú với mọi thứ", bà Haddock tâm sự.

Người mẹ đau đớn phát hiện 2 con trai qua đời do bị truyền nhầm máu chứa virus HIV - Ảnh 2.

Hàng nghìn người đã tử vong vì bị truyền nhầm máu chứa HIV

Người mẹ này nói thêm: "Khi con tôi bắt đầu học cấp hai, chúng tôi biết con là một một cậu bé rất thông minh với một tương lai học tập sáng lạn. Sau đó, đột nhiên, con tôi không còn thiết tha chăm chỉ ở trường vì nghĩ mình sắp chết. Bạn không bao giờ tưởng tượng được những gì chúng tôi đã trải qua".

Bê bối y tế lớn nhất lịch sử Anh

Trong những năm 1970 và 1980, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh (NHS) đã cho bệnh nhân truyền yếu tố VIII - phương pháp điều trị đông máu. Song, để đáp ứng nhu cầu lớn về yếu tố VIII, NHS đã nhập khẩu các sản phẩm máu từ Mỹ.

Máu được lấy từ hàng nghìn người, bao gồm cả những tù nhân được trả tiền để hiến tặng. Đáng nói, máu không hề được sàng lọc trước khi truyền nên đã khiến gần 30.000 người đã nhiễm bệnh tật; hơn 3.000 người đã chết và trong số 1.243 người nhiễm HIV, khoảng 250 người vẫn còn sống.

Các nạn nhân và tang quyến khẳng định họ chưa từng được cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng máu. Chính vì thế, họ cáo buộc chính phủ đã sơ suất.

Người mẹ đau đớn phát hiện 2 con trai qua đời do bị truyền nhầm máu chứa virus HIV - Ảnh 3.

Ông Brian Langstaff, người đứng đầu cuộc điều tra về máu bị nhiễm trùng tại Anh.

Vụ bê bối chỉ được công chúng chú ý vào năm 2016, khi các tổ chức vận động cho các nạn nhân và gia đình gây sức ép, buộc chính phủ phải điều tra sự việc, đưa sự thật ra ánh sáng.

Cuộc điều tra do cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May công bố ngày 11/7/2017, bắt đầu lấy bằng chứng vào đầu năm 2019. Sau đó, cựu thẩm phán người Anh, ông Brian Langstaff tiếp tục điều tra. Từ đó đến nay, họ đã tổ chức một số phiên điều trần ở London, Edinburgh, Leeds, Cardiff và Belfast. Họ nói chuyện với các nạn nhân, tang quyến và cựu quan chức chính phủ cấp cao. Nhóm điều tra dự định thẩm vấn thêm các quan chức chính phủ cấp cao để tìm thêm bằng chứng.

Được biết, hàng nghìn người ở một số quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản, Canada và Mỹ cũng bị nhiễm bệnh trong những năm 1970. Một số người đã kiện các công ty cung cấp các sản phẩm bị nhiễm bệnh và được trả hàng triệu USD. Một số quốc gia kết tội các quan chức chính phủ và nhà cung cấp.

Nhưng ở Anh, điều đó đã không xảy ra. Tổ điều tra hứa báo cáo cuối cùng sẽ được công bố vào năm 2023, đi kèm các khuyến nghị.

Gần đây, Chính phủ Anh tuyên bố các nạn nhân của vụ bê bối này sẽ nhận được khoản tiền tạm thời để bù đắp cho "nỗi đau không thể tưởng tượng được" mà họ đã phải gánh chịu.

Các bộ trưởng dự kiến thông báo các khoản thanh toán sẽ được miễn thuế và sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân. Khoản bồi thường của họ được đại diện tổ điều tra cho biết là không dưới 100.000 bảng Anh.

Nguồn: Telegraph, Aljazeera

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM