Anh có phải là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu “đặc sản" xe buýt hai tầng?

01/07/2017 11:10 AM | Xã hội

Câu trả lời đương nhiên là không, vì Hà Nội cũng đã bắt đầu có những chiếc xe buýt hai tầng lăn bánh rồi. Song bạn có tò mò về lịch sử và câu chuyện của chúng trên khắp thế giới?

Lịch sử của xe buýt hai tầng

Chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ từ lâu đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng đặc trưng nhất của nước Anh. Tuy nhiên thực tế từ năm 1662 người ta đã nỗ lực để chế tạo một chiếc xe buýt hai tầng tại Pháp, dù bất thành.

Vào năm 1829, chiếc xe buýt hai tầng thương mại đầu tiên được ra mắt tại London với tên gọi là “omnibus". Tất nhiên lúc đó vì động cơ hiện đại vẫn chưa xuất hiện, nên chiếc xe buýt này hoạt động dùng... sức kéo của ngựa. Phải tới năm 1923 thì chiếc xe buýt hai tầng sử dụng động cơ đầu tiên mới ra đời. Khi đó ở London rất thiếu hụt xe buýt, và các công ty cạnh tranh nhau để giành vị trí thống lĩnh thị trường này. Năm 1924 có tới trên 200 hãng xe buýt độc lập cùng kinh doanh trên các tuyến đường tại đây.

Trong những chiếc xe buýt hai tầng đời đầu, tài xế thường ngồi ở một buồng lái riêng. Các hành khách sẽ lên xe từ cửa mở phía sau thay vì phía trước như những chiếc xe hiện đại hiện nay. Xe buýt hai tầng là phương tiện giao thông phổ biến ở nước Anh vì chúng ngắn hơn xe buýt thường và chứa được nhiều hành khách hơn, phù hợp với những con phố chật chội ở đảo quốc sương mù. Một chiếc xe buýt hai tầng phổ thông tại Anh thường có chiều dài dao động trong khoảng 9,5 - 11,1 mét, và chiều cao khoảng 4,38 mét.

Trừ những loại xe phục vụ du lịch ngắm cảnh thành phố hoặc xe ở những khu vực có thời tiết ôn hoà thì đa phần xe buýt hai tầng trên thế giới đều có mui xe. Thế nhưng điều thú vị là trước những năm 1920, hầu hết tất cả xe buýt hai tầng được sản xuất đều là loại “mui trần". Gần đây tại Anh người ta cũng tháo mui của một số chiếc xe sau khi chúng bị va chạm với các cây cầu đường sắt.

Xe buýt hai tầng cũng có một số nhược điểm như khả thăng thăng bằng kém hơn do chiều cao quá khổ, tốc độ di chuyển chậm hơn, cũng như gây khó khăn cho người khuyết tật khi đi lên tầng hai. Song với sức chứa lớn giúp giảm ùn tắc, xe buýt hai tầng chính là một sự lựa chọn hoàn hảo cho những tour du lịch vòng quanh thành phố.

Xe buýt hai tầng tại các quốc gia trên thế giới

Ngày nay, xe buýt hai tầng đã là một phương tiện giao thông công cộng tại rất nhiều quốc gia, phổ biến nhất là tại các thành phố của châu Âu, và ở một số quốc gia châu Á là thuộc địa cũ của Anh như Hong Kong và Singapore.

Ở Ireland, hầu như tất cả các xe buýt tại Dublin đều là xe hai tầng. Số lượng xe buýt ở đây chỉ nhiều đứng sau London.

Xe buýt hai tầng tại thủ đô Ireland chỉ nhiều sau London
Xe buýt hai tầng tại thủ đô Ireland chỉ nhiều sau London

Đan Mạch cũng đã đưa xe buýt hai tầng vào sử dụng từ năm 1970. Đến những năm 2000, các xe buýt hai tầng ở đây thường sử sụng là do hãng Volvo sản xuất.

Đan Mạch cũng đã đưa xe buýt hai tầng vào sử dụng từ năm 1970
Đan Mạch cũng đã đưa xe buýt hai tầng vào sử dụng từ năm 1970

Tại Đức, xe buýt hai tầng được vận hành bởi một công ty tên là Berliner Verkehrsbetriebe (BVG). Những chiếc xe buýt hai tầng đời mới của Đức có sức chứa lên tới 128 hành khách.

Quế Lâm và Nam Ninh là các địa phương ở Trung Quốc sử dụng phổ biến xe buýt hai tầng. Trong khi đó, Hong Kong đã sử dụng xe buýt hai tầng khá sớm, từ năm 1949.

Ở Nhật Bản, xe buýt hai tầng được sử dụng chủ yếu ở các đường cao tốc liên thành phố, nhằm phục vụ cho các tour du lịch.

Một chiếc buýt hai tầng rất cute kiểu Nhật
Một chiếc buýt hai tầng rất "cute" kiểu Nhật

Sắp tới ở Hà Nội xe buýt hai tầng "mui trần" cũng sẽ được đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch, với lộ trình đi qua các khu vực tiêu biểu như Nhà hát Lớn, Tràng Tiền, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Diệu, đường Thanh Niên…

Theo LILY SPIDERUM

Cùng chuyên mục
XEM