Ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và chăm tập thể dục sẽ giảm được 40% tỉ lệ mắc bệnh ung thư

21/05/2016 11:23 AM | Công nghệ

Ung thư là một căn bệnh phức tạp và nguyên nhân dẫn đến nó đôi khi vẫn còn là nỗi trăn trở của nhiều nhà khoa học.

Trong các nguyên nhân gây nên ung thư, các yếu tố liên quan đến gen và tế bào trong cơ thể được cho là đóng vai trò rất lớn. Mỗi người đều được sinh ra với một số lượng gen đột biến nhất định, và những gen này có thể gây nên bệnh ung thư.

Ngoài yếu tố bẩm sinh, còn một nguyên nhân khác gây nên đột biến, đó chính là sự sinh ra và mất đi liên tục của các tế bào. Song song với sự phát triển của con người, các tế bào cũng không ngừng phân chia. Khi sao chép bộ gen để tiến hành quá trình này, các sai sót đã xuất hiện và chúng chính là nguyên nhân dẫn tới sự hình thành các khối u trong cơ thể.

Mặt khác, nguyên nhân gây ra loại bệnh này cũng có thể bắt nguồn từ phong cách sống và từ những thứ chúng ta tiếp xúc hằng này. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là, có bao nhiêu chứng ung thư có nguyên nhân từ những yếu tố đời sống này?

Năm 2015, các nhà nghiên cứu từ Johns Hopkins đã gây ra một cuộc tranh cãi khi khẳng định rằng, khoảng 65% các chứng ung thư thực chất đều bắt nguồn từ sự đột biến ngẫu nhiên và vì thế mà chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.

Phát hiện này một lần nữa được khẳng định trong một báo cáo trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ gần đây.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Mingyang Song, một nghiên cứu sinh tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và trường Sức khỏe cộng đồng trực thuộc Đại học Harvard. Nhóm này đã thực hiện nghiên cứu trên hơn 135.000 người thuộc cả hai giới tính và đi đến kết luận, các yếu tố như lối sống, chế độ ăn uống, hút thuốc và thói quen tập thể dục có thể chiếm tới 20 - 40% các nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Những phát hiện này không hề mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Hopkins.

Trong khi các nhà khoa học của Hopkins tập trung vào nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của những đột biến trong tế bào gốc đến nguy cơ gây nên ung thư thì ở nghiên cứu này, nhóm của Song lại so sánh tỉ lệ đột biến của những tế bào khác nhau trên các bộ phận khác nhau trong cơ thể người. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng phân tích sự khác biệt về tỉ lệ mắc ung thư của những người khác nhau trong một quần thể.

Song khẳng định, nếu xét về sự đa dạng của các nguy cơ gây nên ung thư khi ảnh hưởng đến các mô khác nhau, thì nguyên nhân xuất phát từ sự phân chia và đột biến tế bào gốc đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của bệnh này. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ung thư trở thành một căn bệnh không thể nào chữa trị và ngăn chặn.

Ngược lại, nếu kết hợp phát hiện của 2 nhóm các nhà khoa học này, chúng ta sẽ có một “bức tranh” đầy đủ hơn về những yếu tố gây nên bệnh ung thư.

Bức tranh này cho ta biết, mọi người đều có một nguy cơ mắc bệnh ung thư ở một mức độ nào đó mà nguyên nhân bắt nguồn từ những sai sót trong quá trình phân chia và sao chép tế bào. Đứng đầu những nguy cơ đó là các yếu tố về lối sống như hút thuốc lá, chế độ ăn uống và chế độ hoạt động thể chất. Các yếu tố này có thể tăng tốc hoặc giảm thiểu mức độ đột biến của các tế bào gốc

Tuy nhiên Bert Vogelstein, một giáo sư chuyên nghiên cứu về ung thư tại John Hopkins và các cộng sự của ông lại tiếp cận vấn đề từ một hướng khác hẳn. Trong khi phần lớn các nghiên cứu, kể cả nghiên cứu của Song đều chỉ tập trung vào 20 – 40% các nguy cơ gây nên ung thư (các nguy cơ có thể ngăn chặn được), thì Vogelstein lại chọn tìm hiểu 60 – 80% còn lại.

Bert Vogelstein
Bert Vogelstein

Họ đặt câu hỏi về những người có phong cách sống lành mạnh, song vẫn không tránh khỏi bệnh ung thư. Vậy nguyên nhân gì đứng sau căn bệnh của những người này?

Vogelstein biết, các nghiên cứu của ông không tập trung vào giải quyết những vấn đề có thể ngăn ngừa. Thứ ông muốn biết chính là nguyên nhân gây bệnh ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh thấp, hoặc ít nhất là một phần nhỏ trong số các nguy cơ đó.

Trước nghiên cứu của Vogelstein, nhiều người vẫn cho ung thư là một căn bệnh không thể được lý giải. Thế nhưng, nhóm nghiên cứu của ông đã chứng minh, nguyên nhân gây nên ung thư không phải là những tác nhân gây nên đột biến không thể tìm ra trong môi trường, mà đó là những thứ rất cụ thể, thậm chí có thể được đo lường chính xác. Đó là sự đột biến xảy ra trong quá trình phân chia tế bào.

Bởi có nhiều chứng ung thư phát triển một cách ngẫu nhiên, song một số khác lại không hề như vậy. Vì thế, việc nghe theo lời khuyên của các bác sĩ không phải là điều thừa thãi để có thể ngăn chặn căn bệnh này.

Tư Quảng

Cùng chuyên mục
XEM