Ăn Tết văn minh: Người Trung Quốc đang phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực mỗi dịp Tết vì bị đổ đi "lấy may"

26/01/2020 17:30 PM | Xã hội

Hãy ăn Tết văn minh, tiết kiệm lương thực, giữ sức khỏe và nghĩ đến tương lai của nhân loại.

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất năm tại Châu Á. Đây là thời điểm để mọi người đoàn tụ với gia đình, gặp mặt bạn bè và người thân sau 1 năm lao động vất vả.

Tuy nhiên, ăn Tết thế nào cho văn minh vẫn là vấn đề cần được thảo luận. Loại bỏ những tập tục cổ hủ như lì xì, hỏi về sự nghiệp, hôn nhân hay công cuộc gian nan giành vé tàu về quê, một vấn đề khác đang được các chuyên gia nghiên cứu là sự phí phạm lương thực mỗi dịp Tết, đặc biệt là ở quốc gia đông dân như Trung Quốc.

Với nền kinh tế bùng nổ thời gian gần đây, thu nhập của người dân đi lên, người Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều thực phẩm cũng như có điều kiện chuẩn bị nhiều món ăn cho dịp Tết.

Ăn Tết văn minh: Người Trung Quốc đang phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực mỗi dịp Tết vì bị đổ đi lấy may - Ảnh 1.

Đặc biệt, sự giàu có khiến các nhà hàng, quán ăn Trung Quốc kiếm được bộn tiền bởi đây là nơi để mọi người kết nối quan hệ xã hội trong Tết Nguyên Đán.

Thứ trưởng thương mại Wang Bingnan của Trung Quốc cho biết doanh số của các nhà hãng trong tuần lễ tết có thể đạt tới 900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 143 tỷ USD, mức tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, hãng tin Xinhua News cho biết hơn 90% số nhà hàng tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã kín bàn hôm giao thừa. Các ứng dụng giao đồ ăn cũng phải tăng công suất trong đợt lễ tết để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của các thực khách.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là người Trung Quốc đang phí phạm quá nhiều thức ăn cũng như thực phẩm. Nạn đói trong khoảng 1958-1961 thời kỳ Đại nhảy vọt cũng như những khó khăn đã dần trôi vào dĩ vãng, khiến người dân giờ đây quên mất khái niệm "tiết kiệm".


Hàng chục triệu tấn lương thực bị đổ đi vì "lấy may"?

Báo cáo "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2019" công bố tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York cho biết hơn 820 triệu người phải sống trong cảnh thiếu ăn trong năm 2018. Số người thiếu ăn đã tăng trở lại trong những năm gần đây sau nhiều thập kỷ suy giảm.

Hơn nữa, khoảng 2 tỷ người, tương đương 26,4% dân số thế giới đã trải qua các mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực.

Báo cáo trên do Tổ chức Nông Lương (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) công bố.

Thế giới thiếu lương thực như vậy, thậm chí Trung Quốc vẫn còn có nhiều vùng đói ăn nhưng người Trung Quốc vẫn phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực dịp Tết.

Ăn Tết văn minh: Người Trung Quốc đang phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực mỗi dịp Tết vì bị đổ đi lấy may - Ảnh 2.

Văn hóa trọng danh dự, mặt mũi khiến nhiều gia đình Trung Quốc vung tiền dịp tết. Họ coi Tết Nguyên Đán là dịp để chi tiêu sau 1 năm lao động vất vả và hàng đống tiền được chi cho thực phẩm, quần áo, xe cộ, lì xì...

Nghiên cứu của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) cho thấy hàng năm nước này phí phạm khoảng 17-18 triệu lương thực trong khi hoàn toàn có thể tiết kiệm. Nếu chính quyền Bắc Kinh đau đầu với thịt lợn và nhiều mặt hàng lương thực để nuôi sống 1,4 tỷ người thì chất lượng sống gia tăng và văn hóa trọng "mặt mũi" đang khiến một lượng thực phẩm khá lớn bị đổ đi.

Theo CAS, số thực phẩm phí phạm trên có thể nuôi sống được khoảng 30-50 triệu người mỗi năm.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lượng lương thực bị bỏ phí cực lớn trong dịp Tết là người dân làm hoặc gọi quá nhiều món trong nhà hàng so với số lượng thực tế có thể ăn hết.

Văn hóa cổ hủ cho rằng làm nhiều món ăn, trang hoàng lộng lẫy có thể đem lại hạnh phúc, vận may, thành công trong năm mới khiến các gia đình Trung Quốc phí phạm thức ăn cùng nguyên liệu không nương tay. Nhà nào không phí phạm là trái "thuần phong mỹ tục", không có mặt mũi, bị dính vận rủi...

Những món bánh bao và nem cuốn tượng trưng cho giàu có, hải sản cho sự thịnh vượng, cả con gà đại diện cho sự đoàn tụ gia đình, món mì cho sự trường thọ... là những quan điểm vô cùng cổ hủ nhưng tồn tại suốt nhiều năm trong văn hóa Trung Quốc.

Việc có quá nhiều món ăn, thậm chí cùng vị nhau khiến người dân chẳng thể ăn hết. Thêm nữa, hầu như bữa tiệc nào cũng na ná như vậy khiến lượng thực ăn rất ít và gây cảm giác thừa mứa, chán ăn trong các dịp lễ Tết.

Ăn Tết văn minh: Người Trung Quốc đang phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực mỗi dịp Tết vì bị đổ đi lấy may - Ảnh 3.

Ăn Tết văn minh và tiết kiệm lương thực vẫn chưa tìm được nhau tại Trung Quốc

Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng người đáng kể tăng cân và béo phì trong các dịp lễ tết. Báo cáo của FAO cho thấy tỷ lệ người thừa cân đang tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi trên thế giới, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường và người lớn.

Theo báo cáo nêu trên, một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này là phần lớn trẻ em trong độ tuổi đến trường không ăn đầy đủ rau quả, thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh và các loại nước ngọt có ga, nhất là trong những dịp lễ tết.

Điều đáng buồn cười hơn là việc để lại thức ăn thừa trở thành biểu tượng cho sự may mắn, giàu có trong năm mới của người Trung Quốc, bất chấp số thức ăn này có thể nuôi sống nhiều người đang vật lộn vì đói nghèo.


Vấn đề "mặt mũi"

Tại Trung Quốc, thức ăn không chỉ là thứ để nuốt vào bụng mà còn là biểu tượng cho mặt mũi. Chẳng có gia đình nào muốn mất mặt khi dọn đồ ăn vừa đủ. Sự thừa thãi, phí phạm mới là biểu tượng cho lòng hiếu khách, một quan niệm khá lạc hậu.

Theo CAS, mỗi người Trung Quốc hiện đổ phí khoảng 20gr trên mỗi bữa ăn. Tại các nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, việc đổ phí thức ăn là chuyện quá bình thường với khoảng 79,2gr cho mỗi bàn ăn tối. Tại Thượng Hải, mỗi người đổ phí bình quân tới 94,9gr/bữa ăn còn các nhà hàng đổ đi khoảng 130,19gr cho mỗi bàn ăn tối.

"Nhà hàng càng cao cấp và xa xỉ thì họ càng đổ phí nhiều", chuyên gia Liu Yao của CAS ngậm ngùi nói.

Điều thú vị là Trung Quốc đang mất dần đất nông nghiệp cũng như nguồn nước sạch do ô nhiễm. Trong khi chính phủ cố kiếm thêm lương thực để nuôi 1,4 tỷ dân thì văn hóa lãng phí lại vẫn tồn tại trong ngày lễ tết.

Tất nhiên, không riêng gì Trung Quốc với dịp Tết Nguyên Đán, nhiều nước cũng bỏ phí thức ăn trong các ngày lễ. Mỹ đổ phí khoảng 204 triệu pound, tương đương 93 nghìn tấn thịt gà tây trong dịp lễ tạ ơn năm 2016, tương đương khoảng 293 triệu USD bỏ phí.

Trong khi đó tại Anh, một lượng lương thực tương đương khoảng 4 triệu bữa ăn bị đổ phí hàng năm.

Rõ ràng, đã đến lúc con người nên ăn mừng lễ Tết một cách văn minh hơn. Hãy tiết kiệm lương thực và thay đổi quan điểm về vấn đề "mặt mũi", giảm áp lực cho các bà nội trợ cũng như bạn trẻ trong dịp Tết đến xuân về.

Ăn Tết văn minh: Người Trung Quốc đang phí phạm hàng chục triệu tấn lương thực mỗi dịp Tết vì bị đổ đi lấy may - Ảnh 4.

Phí phạm thức ăn trở thành một dạng văn hóa ngày Tết ở Trung Quốc

AB

Cùng chuyên mục
XEM