Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng

12/11/2021 17:33 PM | Công nghệ

Ở nhiều vùng nông thôn Ấn Độ, người ta không thể trồng cây đủ nhanh để lấy củi đốt phục vụ cho việc nấu ăn, còn phụ nữ thì phải nghỉ học để đi nhặt củi suốt ngày nên bếp năng lượng mặt trời là cứu cánh tuyệt vời cho những người dân làng.

Từ những dãy núi châu Âu mát lạnh phủ đầy sương tới những khu rừng Trung Á ẩm ướt, từ các đô thị trải dài trên khắp Bắc Mỹ cho đến những mảnh đất khô cằn của lục địa châu Phi - hàng triệu người đang nấu ăn bằng loại nhiên liệu có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên và thân thiện với môi trường – đó là những tia nắng mặt trời.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 1.

Một phụ nữ đang chế biến thức ăn bằng chiếc bếp năng lượng mặt trời ở Madhya Pradesh, Ấn Độ.

Kiểu chế biến thực phẩm như "phép thuật" này được gọi là nấu ăn bằng năng lượng mặt trời. Những ai đã từng có "tuổi thơ dữ dội" cầm kính lúp đi đốt kiến vào những ngày nắng chắc sẽ cảm thấy rất quen thuộc. Thay vì phải đốt một nguồn nhiên liệu nào đó (dầu, gas hoặc củi) thì người ta sử dụng các bề mặt phản chiếu để tập trung ánh sáng mặt trời vào một không gian nhỏ. Loại bếp đặc biệt này giúp nấu chín thức ăn mà không tạo ra khí thải carbon.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 2.

Nấu ăn bằng ánh nắng mặt trời ở Haiti

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có khoảng 2,6 tỷ người trên toàn cầu chế biến thực phẩm bằng ngọn lửa trần từ việc đốt gỗ, chất thải động vật, dầu hỏa và than củi. Những đám cháy này tạo ra khói gây ô nhiễm cao và góp phần tàn phá rừng, làm xói mòn đất và cuối cùng là sa mạc hóa. Tuy nhiên, bếp năng lượng mặt trời có thể sẽ đem đến một giải pháp thay thế.

Bếp năng lượng mặt trời có thể cứu những cánh rừng đang bị thu hẹp?

Solar Cookers International (SCI) là một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc áp dụng các công nghệ nấu ăn bằng nhiệt từ năng lượng mặt trời. SCI cho biết hiện đã có hơn 4 triệu chiếc bếp năng lượng mặt trời trên khắp thế giới. Mọi người đang sử dụng chúng để nấu và nướng thực phẩm dưới ánh nắng trực tiếp hoặc thậm chí cả khi bầu trời có các đám mây mỏng.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 3.

Một trong những "đầu bếp mặt trời" là cụ bà 73 tuổi Janak Palta McGilligan. Bà là thành viên của Hội đồng Cố vấn SCI Toàn cầu kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Jimmy McGilligan ở Madhya Pradesh, Ấn Độ. Đây là tổ chức được bà và người chồng quá cố cùng nhau thành lập vào năm 2010.

Ở một đất nước có tới 81% cộng đồng nông thôn sống dựa vào "nhiên liệu gây ô nhiễm" để nấu nướng, Palta McGilligan nhận thấy những người dân nấu ăn bằng củi đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi: sức khỏe của họ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, còn môi trường tự nhiên xung quanh thì bị xói mòn. Palta McGilligan cho biết thêm: "Các cô gái không thể đến trường vì họ đã dành cả ngày để đi nhặt củi."

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 4.

Bà Janak Palta McGilligan và một chiếc bếp mặt trời hình parabol

Tuy nhiên, với ước tính khoảng 300 ngày nắng mỗi năm, Ấn Độ có lợi thế rất lớn trong việc sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời.

Bà Palta McGilligan đã giới thiệu loại bếp "thần kỳ" dùng năng lượng mặt trời cho những cộng đồng người này. Toàn bộ chi phí đào tạo và 90% giá bếp do Trung tâm Jimmy McGilligan đài thọ với mục tiêu bảo vệ rừng khỏi suy thoái và mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ.

Cho đến nay, Trung tâm đã đào tạo cho hơn 126.000 người về các phương pháp sử dụng năng lượng sạch bền vững như nấu ăn bằng năng lượng mặt trời, kỹ thuật xử lý và khử nước trong thực phẩm, cũng như sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời để làm nóng bàn là để ủi quần áo.

Trả lời kênh truyền hình CNN, bà Palta nói: "Bên cạnh vấn đề môi trường thì đây cũng là giải pháp cho sự bình đẳng".

Liệu đây có phải là một giải pháp đơn giản?

Có nhiều loại bếp năng lượng mặt trời: từ đơn giản như những chiếc hộp gương cho đến các hệ thống trên mái nhà hay ở dạng ống – cấu tạo của bếp càng phức tạp thì nó sẽ càng hoạt động tốt ở những vùng khí hậu lạnh hơn.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 5.

Palta McGilligan đang nỗ lực vận động toàn cầu cho việc nấu ăn bằng năng lượng mặt trời vì lợi ích sức khỏe. Bà nói: "Ngay cả "sức khỏe" của nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi. Tất cả các loại nhiên liệu gây ô nhiễm đều rất đắt đỏ, trong khi nấu ăn bằng năng lượng mặt trời thì luôn luôn miễn phí".

Bất cứ ai cũng có thể dùng bếp năng lượng mặt trời và việc học cách sử dụng rất đơn giản: "Bạn chỉ cần biết cách đặt bếp đúng vị trị, căn chỉnh nó hướng về phía mặt trời. Thế là xong!" - bà Palta McGilligan giải thích.

Một chiếc lò nướng năng lượng mặt trời dạng hộp chữ nhật kiểu cơ bản nhất có thể được chế tạo từ hộp các tông và gương (hoặc giấy bạc) với chi phí chỉ vài đô la.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 6.

Bếp năng lượng mặt trời có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, nhưng tất cả đều sử dụng nhiệt năng từ mặt trời.

Mặc dù vậy, bếp năng lượng mặt trời có một số nhược điểm rõ ràng:

- Bạn không thể nấu sau khi trời tối;

- Trong khi thức ăn sẽ nhanh chín vào ngày nắng thì ở điều kiện thời tiết xấu, việc chế biến thực phẩm bằng bếp năng lượng mặt trời có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với bếp hoặc lò nướng thông thường, và nhiệt độ có thể không đạt đủ cao để nấu thịt một cách an toàn. Thậm chí vào những ngày mát mẻ hoặc nhiều gió thì những thực phẩm khó chế biến - chẳng hạn như việc nướng bánh mì - có thể sẽ không thực hiện được.

Dù vậy, chúng ta vẫn có thể dùng bếp năng lượng mặt trời để khử nước và xử lý thực phẩm nhắm bảo quản chúng trong thời gian dài và đem ra sử dụng khi tiết trời không thuận lợi như có mây mù dày đặc hoặc mưa dầm.

"Bếp mặt trời là cứu cánh của rừng xanh"

Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế SolarAid, trong điều kiện khí hậu nắng và khô hạn, chỉ một chiếc bếp năng lượng mặt trời duy nhất cũng có thể giúp tiết kiệm tới một tấn củi mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiên liệu nấu ăn gây ô nhiễm chiếm hơn một nửa lượng khí thải carbon đen toàn cầu. Carbon đen là một trong những chất góp phần lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu sau carbon dioxide, nhưng nó chỉ tồn tại trong khí quyển vài ngày đến vài tuần. Trên thực tế, việc đốt gỗ tạo ra lượng khí thải CO2 trên một đơn vị năng lượng lớn hơn so với đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ấn Độ: Cả ngôi làng nấu ăn bằng năng lượng mặt trời để cứu rừng - Ảnh 7.

Ngoài việc phát thải carbon, sử dụng nhiên liệu sinh khối còn góp phần làm trầm trọng thêm nạn phá rừng ở các vùng nông thôn.

Bà Palta McGilligan nói: "Hành tinh của chúng ta đang gặp rủi ro. Ở nhiều vùng nông thôn Ấn Độ, chúng tôi không thể trồng cây đủ nhanh để lấy củi đốt phục vụ cho việc nấu ăn".

Cùng với việc đào tạo cho người dân về các phương pháp nấu ăn bằng năng lượng mặt trời, bà cũng khuyến khích việc trồng trọt, chăm nuôi các thảm thực vật bản địa và cây cối để giúp chống lại các tác động môi trường tiêu cực mà việc nấu nướng bằng lửa đốt truyền thống đã và đang gây ra ở các vùng nông thôn Ấn Độ.

Palta McGilligan nói với CNN: "Người dân trong các ngôi làng được kết nối với các khu rừng. Họ cảm thấy tiếc vì những khu rừng bị mất đi, họ buồn vì không còn cây cối. Năng lượng nhiệt mặt trời là cứu cánh tuyệt vời cho những người dân làng".

Nhận thấy sự phục hồi của các hệ sinh thái, bà Palta McGilligan tin rằng đây là kết quả trực tiếp của việc nấu ăn bằng năng lượng mặt trời khi nó được áp dụng tại một ngôi làng. Bà nói: "Trong tương lai, toàn bộ những cánh rừng sẽ được cứu bằng cách sử dụng bếp năng lượng mặt trời".

PNM

Cùng chuyên mục
XEM