Khẳng định có ra sao thì mọi người vẫn kết hôn, ngành công nghiệp cưới hỏi ‘méo mặt’ vì Covid-19

25/06/2020 07:43 AM | Kinh doanh

Chắc chắn cưới xin là ngành công nghiệp miễn nhiễm với mọi khủng hoảng nhưng dịch Covid-19 đã chứng minh điều ngược lại.

Heather Quinlan và Adam McGovern – một cặp đôi đến từ Parsipanny, New Jersey, Mỹ đã chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 10, họ sẽ mời bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, lan rộng trên khắp nước Mỹ, kế hoạch cưới xin của họ dường như không còn thực tế nữa.

"Chúng tôi quyết định thay đổi kế hoạch cho đám cưới bởi không biết bao giờ đám cưới truyền thống mới có thể diễn ra". Thay vào đó, họ tổ chức đám cưới trên ứng dụng họp Zoom. McGovern đã liên hệ với thị trưởng Parsippany là Michael Soriano – người sau đó nói chuyện với thị trường New Jersey và thuyết phục ông đồng ý ký một lệnh hành pháp cho phép các cặp đôi cưới từ xa. Giấy kết hôn sau đó sẽ được gửi mail về cho cặp đôi. Cặp đôi được cưới ở nhà của họ vào ngày 20/5 với sự chứng kiến của Soriano – gọi điện tử văn phòng của ông.

Bình thường, cưới xin là một ngành kinh doanh lớn. Trên toàn thế giới, ngành công nghiệp này ước tính trị giá 300 tỷ USD 1 năm. Mỗi đám cưới cần rất nhiều thứ hỗ trợ, từ đồ ăn, thợ ảnh, người làm hoa và các vũ công. Những đám cưới có quy mô quốc tế hay tiệc độc thân còn tạo ra lợi ích to lớn cho ngành du lịch. Những người làm trong ngành này thường tự hào rằng cưới xin là hoạt động miễn nhiễm với khủng hoảng: Mọi người sẽ luôn muốn tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã chứng minh điều ngược lại. Các cặp đôi đã buộc phải chọn hoãn hoặc tìm cách khác để tổ chức đám cưới.

Khẳng định có ra sao thì mọi người vẫn kết hôn, ngành công nghiệp cưới hỏi ‘méo mặt’ vì Covid-19 - Ảnh 1.

Ở một vài quốc gia, sự gián đoạn bắt đầu trước khi các lệnh phong tỏa chính thức được áp đặt. Ước tính 80% váy cưới được làm tại Trung Quốc và những chiếc váy làm ở những nơi khác cũng thường phải lấy nguyên vật liệu và vải ở Trung Quốc.

Tháng 2, khi Trung Quốc đóng cửa các nhà máy nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các cô dâu ở Mỹ và châu Âu đột ngột có rất ít lựa chọn váy cưới. Tháng 4, khi hầu hết các quốc gia buộc phải ra lệnh phong tỏa, cấm tụ tập khiến đám cưới rất khó diễn ra. Theo một nghiên cứu, trung bình 1 đám cưới ở Mỹ có sự tham gia của 140 khách mời.

Với những trường hợp lên kế hoạch cho ngày trọng đại, cách duy nhất họ có thể chọn là hoãn cưới. Katrina Otter – một người chuyên tổ chức cho những đám cưới xa hoa ở Anh nói rằng hầu hết các cặp đôi đã đặt lịch vào mùa xuân hoặc hè đã hoãn đến năm 2021. Đây là tình huống rất khó khăn cho các nhà cung cấp, nhưng đa phần đều phải thích nghi: Người bán hoa chuyển sang giao và trồng hoa, thợ ảnh thì nhận làm chân dung gia đình trong thời kỳ cách ly xã hội. Otter thì đi đào tạo cho những người tổ chức đám cưới khác.

Hiện tại là vậy nhưng Otter nói rằng bà nhận thấy sẽ có một cơn lũ nhu cầu cưới vào năm tới. Nhiều địa điểm đã được đặt từ tháng 4 tới tháng 10. Sau dịch ở Trung Quốc, các cặp đôi đã dồn dập đi cưới. Ngày 20/5, được xem là Valentine’ Day của Trung Quốc khi có hơn 200.000 người đăng ký kết hôn. Riêng tỉnh An Huy, người đăng ký kết hôn đã tăng 47% so với cùng ngày năm ngoái.

Một vài cặp đôi không thể chờ đợi thêm. Phần nhiều trong số 12 triệu đám cưới hàng năm ở Ấn Độ được lên lịch trình trước do chọn được ngày tốt. Ở bang Gujarat, một báo cáo cho thấy 30.000 đám cưới đã bị hoãn hoặc hủy. Những người vẫn muốn tổ chức vào đúng ngày đó sẽ phải làm riêng tư hoặc thông qua video. Shaadi.com – một trang mai mối trực tuyến phổ biến đang cung cấp dịch vụ đám cưới tại nhà – cung cấp mọi thứ từ pandit (tu sĩ Hindu) đến thợ trang điểm. Các khách mời có thể tham gia từ xa.

Tháng 4, thống đốc bang New York là Andrew Cuomo đã công bố một lệnh có tên Project Cupid – cho phép các cặp đôi nộp đơn kết hôn trực tuyến trực tuyến từ ngày 7/5.

Annie Lawrence – một chủ hôn ở thành phố New York, hiện đang tổ chức nhiều buổi đám cưới mỗi tuần. Bà nhận thấy rằng nhiều cặp đôi đã bị thúc đẩy phải tổ chức đám cưới bởi cả phương diện tình cảm và thực dụng. Với một vài người, ở cạnh người mà họ yêu quý đột nhiên cấp bách hơn và họ muốn chia sẻ sự đảm bảo về bảo hiểm sức khỏe. Project Cupid phổ biến khiến lịch đăng ký kết hôn đã kín cho tới tháng 9. Những bang khác gồm California và New Jersey cũng đã áp dụng những chính sách tương tự.

Tốc độ của những đám cưới truyền thống sẽ được khôi phục phụ thuộc vào việc khi nào các nước xóa bỏ các biện pháp phong tỏa. Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng luật để mọi người có thể tụ tập. Đan Mạch lên kế hoạch cho phép tụ tập tới trên 500 người trong vài tháng tới. Một vài bang của Ấn Độ hiện cho phép tụ tập 50 người. Ở Mỹ, Ohio sẽ cho phép tổ chức đám cưới và tối đa 300 khách vào 1/6, yêu cầu khách phải tuân thủ những biện pháp giãn cách xã hội. Đám cưới sẽ không có nhảy múa hay những hoạt động tương tự như vậy.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, Covid-19 cũng là cơ hội để mọi người đơn giản hóa việc cưới xin. Ở Gaza – nơi nhà trai thường phải chi trả chi phí cho đám cưới thì đám cưới có thể khá đắt đỏ và Covid-19 chính là lý do chính đáng để họ tổ chức một đám cưới nhỏ và rẻ hơn.

Thống kê cho thấy 1/5 tài sản của những người Ấn Độ là dành cho dịch vụ cưới, gồm cả chi phí mai mối. Năm 2018, bộ trưởng Bộ Nội vụ Trung Quốc kêu gọi chấm dứt những đám cưới đắt đỏ - không phù hợp với giá trị xã hội. Ở châu mỹ Latin, nhiều cặp đôi cũng rơi vào cảnh nợ nần sau khi cưới.

Hiện chưa rõ khi nào ngành công nghiệp cưới hỏi toàn cầu sẽ quay trở lại như bình thường tuy nhiên mọi người dường như đã thích nghi với hoàn cảnh mới.

Với đám cưới qua Zoom của mình, khi mà váy cưới vẫn mắc kẹt trong cửa hàng, Quinlan mặc váy cưới và đeo nhẫn của mẹ. McGovern thì phải mượn nhẫn cưới của bố vợ. Trong suốt đám cưới, Soriano đọc những lời quen thuộc: "Tình yêu là sự kiên nhẫn, tình yêu là sự dịu dàng. Tình yêu luôn luôn hy vọng, luôn luôn kiên trì ".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM