Amazon lại bị tố ‘lươn lẹo’: Copy sản phẩm trắng trợn, tự sản xuất rồi bán với giá rẻ hơn nhiều, ưu tiên xuất hiện trên kết quả tìm kiếm

14/10/2021 11:09 AM | Kinh doanh

Một người cho biết anh từng kiếm được 1.500 USD/tháng với tấm lót chuột máy tính trên Amazon nhưng doanh số đã giảm đáng kể sau khi khách hàng đổ xô mua AmazonBasics – sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn tới 60%.

Theo một báo cáo mới của Reuters ngày 13/10, tài liệu nội bộ của Amazon cho thấy công ty này đã phát triển chiến lược sao chép đối thủ cạnh tranh và bán sản phẩm mình tự sản xuất với giá thấp hơn tại thị trường Ấn Độ.

Theo hàng nghìn email nội bộ, tài liệu chiến lược và kế hoạch kinh doanh của Amazon mà Reuters xem được, cách gã khổng lồ thương mại điện tử hoạt động tại thị trường Ấn Độ là lấy dữ liệu từ người bán bên thứ ba để tạo ra sản phẩm tương tự với giá thấp hơn và thu lợi nhuận. Ấn Độ hiện là một trong thị trường có tiềm năng tăng trưởng nhất của Amazon.

Từ lâu, Amazon đã bị chỉ trích dữ dội về việc làm giảm sự cạnh tranh trên nền tảng bằng phương thức trên và phải đối mặt với nhiều vụ kiện cũng như giám sát chống độc quyền. Thế nhưng, công ty vẫn một mực phủ nhận chiến lược đó. Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 7 năm ngoái, CEO đương nhiệm – Jeff Bezos khẳng định rằng Amazon không ưu tiên sản phẩm của chính mình hơn sản phẩm của các bên thứ ba.

Amazon lại bị tố ‘lươn lẹo’: Copy sản phẩm trắng trợn, tự sản xuất rồi bán với giá rẻ hơn nhiều, ưu tiên xuất hiện trên kết quả tìm kiếm - Ảnh 1.

Sản xuất sản phẩm riêng vốn có lịch sử lâu đời trong ngành bán lẻ. Nhiều thương hiệu lớn như Target, Costco và Walmart dựa vào những sản phẩm đó để tạo ra một phần doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters cho thấy có vẻ như Amazon đang lạm dụng điều đó quá mức với tư cách là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Theo Reuters, Amazon không chỉ dùng dữ liệu của bên thứ ba để củng cố hoạt động kinh doanh sản phẩm do mình sản xuất mà còn gian lận để những mặt hàng đó xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, Reuters đưa tin CEO hiện tại là Russell Grandinetti đã tự mình xem xét chiến lược này.

Về phần mình, Amazon trả lời Reuters rằng họ "nghiêm cấm việc sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu không công khai về người bán vì lợi ích của bất kỳ người bán nào khác, bao gồm cả bên sản xuất dòng sản phẩm riêng như chính họ, đồng thời, công ty không hiển thị kết quả tìm kiếm dựa trên việc sản phẩm đó là dòng riêng của Amazon hay của bên thứ ba".

Amazon khẳng định các tuyên bố trong báo cáo là "không có căn cứ" và "không đúng sự thật".

Tuy nhiên, Reuters đưa ra ví dụ về việc Amazon đặc biệt để ý tới một công ty áo sơ mi nổi tiếng của Ấn Độ. Gã khổng lồ đã sản xuất sản phẩm với số đo tương tự công ty đó để phù hợp với người tiêu dùng ở quốc gia này hơn.

Một tài liệu khác năm 2016 cho thấy Amazon muốn hợp tác với những nhà sản xuất đã làm việc với đối thủ bên thứ ba của họ ở Ấn Độ để tạo ra sản phẩm phù hợp hơn.

Một người bán hàng nói với Reuters rằng chiến lược của Amazon đã "phá hủy sân chơi bình đẳng". Một người Ấn Độ khác cho biết anh từng kiếm được 1.500 USD/tháng khi bán tấm lót chuột máy tính trên Amazon. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của anh đã giảm đáng kể sau khi khách hàng bắt đầu đổ xô mua AmazonBasics – sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn tới 60%. Bên cạnh đó, sản phẩm của anh cũng bị tụt hạng trong kết quả tìm kiếm.

"Thật là bực bội, họ đang đối xử bất bình đẳng với người bán", anh nói với Reuters.

Amazon lại bị tố ‘lươn lẹo’: Copy sản phẩm trắng trợn, tự sản xuất rồi bán với giá rẻ hơn nhiều, ưu tiên xuất hiện trên kết quả tìm kiếm - Ảnh 2.

Báo cáo mới của Reuters dường như đồng quan điểm với lập luận của Lina Khan – tân Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ. Từ lâu, cô đã gọi hoạt động kinh doanh sản phẩm riêng của Amazon là phản cạnh tranh.

"Người bán bên thứ ba phải chịu chi phí ban đầu và rủi ro khi giới thiệu sản phẩm mới. Trong khi đó, Amazon chỉ bán sản phẩm sao chép sau khi biết sản phẩm gốc bán chạy. Đó là sự phản cạnh tranh rõ ràng", cô nêu quan điểm năm 2017.

Nguồn: Insider

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM