Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Chiêu cuội bán vịt giời

08/12/2020 08:34 AM | Kinh doanh

Trong các cuộc làm việc với Tiền Phong, đại diện hàng loạt cơ quan chức năng tại tỉnh Thanh Hoá - nơi được Công ty Macca Nutrition Việt Nam giới thiệu có vùng trồng cây nguyên liệu mắc ca hàng trăm ha khẳng định: Không có bất cứ căn cứ pháp lý nào về vùng nguyên liệu và dự án xây dựng nhà máy chế biến của Công ty Macca Nutrition Việt Nam tại địa phương. Các thông tin về vùng nguyên liệu, dự án nhà máy chế biến mắc ca của công ty đến hiện nay chỉ là “hứa hão”.

Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Chiêu cuội bán vịt giời - Ảnh 1.
Cây mắc ca được người dân Thạch Thành trồng từ nhiều năm nay và chưa có liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào 

Cơ quan chức năng không nhận được đề xuất nào của công ty

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, giống cây mắc ca đã có mặt tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) hơn 20 năm trước. Đến nay, việc trồng cây mắc ca ở Thạch Thành chủ yếu do người dân tự phát. Tổng diện tích trồng cây mắc ca của người dân tại Thạch Thành khoảng 200 ha.

Ông Thạch Văn Tuấn là một trong số  các hộ gia đình đang trồng cây mắc ca tại khu vực Hang Treo (Thạch Thành, Thanh Hoá) với diện tích 4ha. Vườn cây mắc ca của gia đình ông Tuấn được 5 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Các năm trước, mỗi gia đình chỉ thu hoạch được vài chục kg để ăn, chưa bán ra thị trường. Năm 2019, Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đến và đề nghị các hộ dân liên kết với công ty. Nếu hộ dân đồng ý, công ty sẽ hỗ trợ tư vấn về cách chăm bón, cung cấp phân bón và thu mua sản phẩm quả mắc ca. Tuy nhiên, dù đề xuất liên kết nhưng năm 2020, Cty cổ phần Mắc ca Nutriton Việt Nam chưa thu mua một kg hạt, quả mắc ca cho người dân.

“Chỉ một vài hộ gia đình dự định liên kết bao tiêu sản phẩm mắc ca với Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam. Trên địa bàn không có bất cứ hộ dân nào chuyển nhượng đất cho công ty này”, ông Thạch Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Phố Cát cho biết.

Dù được giới thiệu sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân trồng cây mắc ca liên kết với công ty, nhưng năm 2020, Cty không thu mua hạt mắc ca tại Thanh Hóa. Ông Phạm Văn Hồ - một hộ dân trồng mắc ca có sản lượng thu hoạch khoảng 6 tấn quả mắc ca tại Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết, công ty đặt vấn đề liên kết với gia đình ông Hồ.

Tuy nhiên, năm 2020, với lí do sản lượng mắc ca tại Thạch Thành ít, không đủ sản lượng nên Cty Macca Nutriton không thu mua quả, hạt mắc ca cho người dân. Bản thân ông cũng không được thu mua mắc ca. Việc công ty quảng bá rầm rộ về dự án thế nào với nhà đầu tư, ông không được biết cụ thể.

Trong công văn gửi đến báo Tiền Phong và cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Macca Nutrition cho biết: Công ty có đầy đủ giấy tờ hợp pháp chứng minh việc mua bán đất phục vụ mở rộng vùng nguyên liệu. Công ty đã có sự phối hợp với huyện Thạch Thành và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hoá để thực hiện kế hoạch triển khai vùng nguyên liệu tại địa phương. Lãnh đạo địa phương và Sở này đã đến thăm, làm việc và có những chỉ đạo để phát triển vùng nguyên liệu mà công ty đang triển khai.

Ðại diện UBND huyện Thạch Thành: Chỉ là “hứa hão”

Ngày 26/8, theo uỷ quyền của lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành, bà Đỗ Thị Phiến - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Thành có buổi làm việc với đại diện báo Tiền Phong về các nội dung vùng nguyên liệu của Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam.

Theo bà Phiến, đến nay, toàn bộ diện tích cây mắc ca tại huyện Thạch Thành do các hộ dân trồng tự phát. Cây mắc ca chưa được cơ cấu vào danh mục cây trồng chính của huyện Thạch Thành. Trong các buổi trao đổi với UBND huyện Thạch Thành, Cty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam có hứa hẹn sẽ xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm mắc ca nhưng đến nay chưa có bất cứ văn bản chính thức nào của công ty gửi tới UBND huyện Thạch Thành. Vì vậy, thông tin công ty đã có sự phối hợp với huyện Thạch Thành thực hiện kế hoạch triển khai vùng nguyên liệu tại địa phương là không chính xác.

Ám ảnh bóng ma đa cấp thời 4.0: Chiêu cuội bán vịt giời - Ảnh 2.
Người dân Thạch Thành dùng máy tách vỏ quả mắc ca để lấy hạt bán cho thương lái thu mua

Lãnh đạo UBND huyện Thạch Thành cho biết thêm, để phát triển dự án vùng nguyên liệu, công ty này phải xây dựng phương án sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông hộ, trình UBND huyện Thạch Thành và UBND tỉnh Thanh Hoá.

Trong phương án  phải có ý kiến của đơn vị tư vấn độc lập lập quy hoạch và chỉ rõ, vùng nguyên liệu trồng diện tích bao nhiêu, có bao nhiêu nông hộ tham gia, vị trí vùng nguyên liệu tại xứ đồng nào, đầu tư cây giống, vật tư, cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân ra sao. Về lâu dài, công ty phải có dự án xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ mắc ca trình UBND tỉnh Thanh Hoá và huyện Thạch Thành trước khi thực hiện. Tuy nhiên, các bước này, Công ty Macca Nutrition chưa hề triển khai bất cứ công đoạn nào.

Không có căn cứ pháp lý cho vùng nguyên liệu mắc ca ở Thanh Hóa

Với thông tin, Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam có sự phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá để thực hiện kế hoạch triển khai vùng nguyên liệu tại địa phương. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và pPhát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá đã đến thăm, làm việc và có những chỉ đạo để phát triển vùng nguyên liệu mà công ty đang triển khai. Ngày 25/8, theo ủy quyền của ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, đại diện Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá có buổi làm việc với đại diện báo Tiền Phong về các nội dung vùng nguyên liệu của Cty Macca Nutrition Việt Nam.

“Đến nay sở chưa có cơ sở tham mưu định hướng phát triển loài cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và việc trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chỉ mang tính tự phát. Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý cho việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu cây mắc ca của Cty Macca Nutrition tại Thanh Hoá”, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa


Đại diện Sở NN&PT NT cho biết với việc phát triển cây mắc ca, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố trên cả nước tại Công văn số 2749/BNN-TCLN ngày 06/4/2015, Quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN ngày 05/4/2016. Với quan điểm quy hoạch, đây là cây trồng mới ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu khoa học về chọn giống, về đánh giá khả năng thích nghi, về kỹ thuật thâm canh, bảo quản, sơ chế và chế biến... đang hoàn thiện; thị trường tiêu thụ sản phẩm phải cần phát triển từng bước vững chắc để khẳng định về hiệu quả, kinh tế, xã hội. Căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây mắc ca giai đoạn đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương để định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể.

“Do vậy, đến nay sở chưa có cơ sở tham mưu định hướng phát triển loài cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và việc trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chỉ mang tính tự phát. Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý cho việc định hướng phát triển vùng nguyên liệu cây mắc ca của Cty Macca Nutrition tại Thanh Hoá”, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho biết.

Ngày 26/8, đại diện Sở KH&ĐT Thanh Hóa cũng khẳng định, từ năm 2018 đến nay, chưa nhận được hồ sơ, chưa cấp phép cho dự án trồng nguyên liệu, xây dựng nhà máy tại Thanh Hóa. Cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh, đăng ký thực hiện dự án của Sở KH&ĐT cũng chưa có bất cứ thông tin nào về Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam.


Nhóm PV KT-XH

Cùng chuyên mục
XEM