Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát kể về thời khởi sự gian khó của gia đình: Phục chế từ dây chuyền phế thải của bia Sài Gòn, tận dụng vé giữ xe thay cho phiếu xuất hàng...

13/05/2019 14:56 PM | Kinh doanh

Ngay cả khi nhiều nhân sự nội bộ tin rằng Tân Hiệp Phát không thể làm được thì ông Trần Quí Thanh vẫn có thể chứng minh cho họ thấy điều ngược lại.

"Biến điều không thể thành có thể" là cụm từ được Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhấn mạnh nhiều lần trong một bài phát biểu gần đây tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam.

Vị nữ lãnh đạo của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát lớn thứ 2 tại Việt Nam chia sẻ đầy tự hào về câu chuyện của Tân Hiệp Phát, mà chị được chứng kiến trong hơn hai mươi năm qua, chính là một trong những câu chuyện biến điều không thể thành có thể đầy sống động.

Chị kể năm 1994, sau khi thành lập, Tân Hiệp Phát đối diện với khó khăn muôn bề trong khi nguồn lực thì hạn chế. Cha chị Phương, ông Trần Quý Thanh, một kỹ sư cơ khí, khi đó quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã cắt làm nhiều mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng.

"Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được".

Nhưng ông Trần Quý Thanh không nghĩ vậy. Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kì cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: "Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả".

Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy chạy được và thậm chí còn đạt tới 80% công suất thiết kế ban đầu.

"Tân Hiệp Phát đã khởi sự, bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể", Trần Uyên Phương thừa nhận.

Sang đến năm 1997, khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới, các nhà lãnh đạo xác định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp. Từ một đơn vị quản lý kiểm soát không có hệ thống, thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng, Tân Hiệp Phát quyết chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO.

Vấn đề là các hãng tư vấn quốc tế liên tục từ chối. Vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia là ngành quá khó để triển khai hệ thống ISO, đặc biệt với doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ. Sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia Việt Nam không thể đạt chứng nhận ISO.

"Vậy nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, Tân Hiệp Phát đạt chứng nhận ISO. Để đưa ISO vào Tân Hiệp Phát, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng đó chúng tôi đã kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng đến 5h sáng hôm sau", Trần Uyên Phương tiết lộ.

Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát kể về thời khởi sự gian khó của gia đình: Phục chế từ dây chuyền phế thải của bia Sài Gòn, tận dụng vé giữ xe thay cho phiếu xuất hàng... - Ảnh 1.

Ông Trần Quí Thanh, sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cùng con gái Trần Phương Uyên trong dây chuyền của nhà máy sản xuất.

Cũng theo chị, sau này, Tân Hiệp Phát còn là doanh nghiệp Việt đầu tiên của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẵn sàng đầu tư hàng triệu đô để triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, tương tư cách các tập đoàn đa quốc gia vẫn áp dụng.

Giám đốc điều hành sản xuất của hãng bia Carlsberg tại Anh, sau khi sang hỗ trợ triển khai dự án tại Tân Hiệp Phát thời đó phải thốt lên: "Tân Hiệp Phát đã chuyển từ đi xe đạp sang đi hỏa tiễn khi dám triển khai hệ thống ERP".

Kể từ giai đoạn khởi nghiệp với ngành bia vào năm 1994, sau 7 năm, Tân Hiệp Phát ra quyết định liều lĩnh theo hướng mở rộng hoạt động sang mảng nước uống không cồn. Trần Uyên Phương cho biết, thời ấy các nhãn hiệu của Pepsi và Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường. Không ai tin một doanh nghiệp địa phương như Tân Hiệp Phát có thể làm được, kể cả những nhân sự trong nội bộ.

"Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, chúng tôi xác định muốn có cơ hội thành công Tân Hiệp Phát phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing, điều tưởng như không thể đối với doanh nghiệp Việt Nam".

"Tân Hiệp Phát đã đầu tư lớn để mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, tập trung vào R&D để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt đồng thời thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketing như Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu,…"

Kết quả là sau 7 năm, một loạt sản phẩm như Nước Tăng lực Number 1, Trà Xanh Không độ, Trà Thanh nhiệt Dr Thanh... đã đột phá thị trường, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 Việt Nam, vượt trên cả Coca Cola.

Năm 2012, Công ty Coca-Cola đã đề nghị dùng 2,5 tỷ USD để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Đây là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó và nếu đồng ý, ông Trần Quí Thanh sẽ bước vào câu lạc bộ tỷ phú của Forbes 7 năm trước.

Tuy nhiên, sau 9 tháng trao đổi đàm phán, Tân Hiệp Phát đã từ chối lời mời hợp tác từ "ông lớn" này.

"Tiền không phải là tất cả. Đối tác yêu cầu chúng tôi chỉ bán sản phẩm ở Việt Nam, Lào và Campuchia và ngừng sản xuất các sản phẩm mới. Đó không phải là sứ mệnh và tầm nhìn của Tân Hiệp Phát", Phó tổng giám đốc Trần Uyên Phương tiết lộ.

Đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm và có lần rơi vào khủng hoảng, Tân Hiệp Phát vẫn là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nằm trong Top 5 doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Việt Nam, đồng thời đứng đầu ngành nước giải khát có lợi cho sức khoẻ.

Câu chuyện của Tân Hiệp Phát, từ những ngày đầu khởi sự khó khăn cho đến thời điểm hiện tại, là câu chuyện "Biến điều không thể thành có thể", mà theo lời Trần Uyên Phương, "không gì là không thể, nếu chúng ta dám quyết tâm đi tới và không bỏ cuộc".

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM