Ai đang lợi thế trên đường đua siêu ứng dụng?

08/11/2018 08:00 AM | Công nghệ

Không hề giấu tham vọng, thị trường Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua trở thành siêu ứng dụng của ít nhất 3 thương hiệu công nghệ tên tuổi. Tuy nhiên, ai đang có lợi thế dẫn trước?

Chỉ 5 tháng sau khi lần đầu tiên ra mắt người dùng Việt Nam vào tháng 5/2018, GrabFood đã chính thức phủ sóng Hà Nội từ hôm 2/10. Chưa đầy một tháng trước đó, Grab công bố hợp tác chiến lược với Moca nhằm triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện giải pháp GrabPay by Moca cũng đang vận hành.

Hàng loạt động thái khá dồn dập của Grab trong vài tháng qua đều đi kèm với khái niệm "siêu ứng dụng" mà nhà đồng sáng lập kiêm CEO Grab - Anthony Tan công bố vào giữa tháng 7 tại Singapore. Mô hình này được giới công nghệ gọi là "all-in-one app", hay ứng dụng đa năng, tất cả trong một.

"GrabFood là bước phát triển quan trọng tiếp theo nhằm hướng đến mục tiêu trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung", đại diện Grab Việt Nam tuyên bố dịp đưa GrabFood "Bắc tiến".

Tuy nhiên, "siêu ứng dụng" không phải là tham vọng của riêng Grab. Sau khi có một tập người dùng đông đảo, việc phát triển thành siêu ứng dụng được xem là chiến lược sống còn nếu muốn tồn tại trong bối cảnh "nhà nhà đi làm ứng dụng" và trăm hoa đua nở của các ứng dụng lấy ý tưởng từ nền kinh tế chia sẻ. Cùng với đó, thành công rực rỡ của WeChat thực sự là điển hình mà rất nhiều hãng công nghệ tại châu Á muốn nối bước.

Vượt hơn 100 triệu người dùng từ hồi quý I/2018, Zalo cũng đã có những động thái cụ thể để đa dạng hóa dịch vụ vốn xuất thân từ một nền tảng trò chuyện trực tuyến. Sau khi tích hợp thương mại điện tử và các tính năng tra cứu thời tiết, địa điểm ăn uống, đặt lịch khám, thanh toán hóa đơn và các dịch vụ liên quan chính phủ điện tử… Zalo đang bắt đầu triển khai thử nghiệm với các dịch vụ mới như gọi taxi, gọi đồ ăn... cho một nhóm người dùng nhất định.

Ai đang lợi thế trên đường đua siêu ứng dụng? - Ảnh 1.

Zalo cũng bắt đầu triển khai nhiều tiện ích như gọi xe, gọi món… trên ứng dụng của mình

Không tuyên bố rộng rãi nhưng những động thái gần đây của Now không khỏi khiến nhiều người chú ý. Now giờ không đơn thuần là đặt và giao món ăn mà còn tích hợp cả dịch vụ đặt bàn, làm đẹp, mua sắm, đặt hoa và cả giúp việc nhà… Gần đây, Now còn rục rịch tuyển người để dịch vụ "xe ôm công nghệ" NowMoto sắp ra mắt.

Xét về cuộc đua "tam mã", Zalo đang có phần ưu thế bởi lượng người dùng thường xuyên và mô hình đi lên từ nền tảng trò chuyện, rất dễ học hỏi từ WeChat. Now không công bố như lượng người dùng trong hệ sinh thái Foody nhưng chắc chắn không nhỏ. Danh sách dịch vụ của Now cũng khá đa dạng nhưng lại chưa có điểm nhấn nào thực sự "bùng nổ" ngoài cốt lõi là đặt và giao thức ăn. Trong khi đó, Grab đang có phần vượt lên dẫn trước bởi hội tụ cả yếu tố lượng người dùng thường xuyên lớn, phát triển từ mảng gọi xe cốt lõi, đội ngũ đối tác tài xế đông đảo sẵn có trên 175.000 người và tốc độ phát triển dịch vụ khá nhanh.

Sau khi Uber rời thị trường, Grab trở thành lựa chọn hàng đầu, chưa có đối thủ thay thế xứng tầm ở mảng "gọi xe công nghệ". Điều này giúp hãng duy trì lượng khách hàng lẫn đối tác tài xế thường xuyên lớn. Sau GrabTaxi, GrabCar, GrabBike và GrabExpress thì GrabFood đang có tiến độ phát triển rất nhanh. Thực tế, việc lựa chọn giao thức ăn, một mảng thiết yếu trong đời sống hàng ngày, là bước đi khôn ngoan để ứng dụng giữ chân người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn.

Bước tiến của GrabFood tại Hà Nội là ví dụ. Dịch vụ này được thử nghiệm ở thủ đô hồi đầu tháng 9/2018 tại 4 quận trung tâm. Sau một tháng thử nghiệm, số lượng đối tác kinh doanh GrabFood đã tăng gấp 8 lần. Trong khi đó, tại TP HCM, số lượng đơn hàng GrabFood trong tháng 9 cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước đó. Điều làm các đối thủ khác phải dè chừng là thời gian giao một đơn hàng GrabFood tại TP HCM và Hà Nội trung bình chỉ trong vòng 25 phút.

"Người dùng có thể đặt GrabCar đi làm, tránh tắc đường với GrabBike, gửi quà thông qua GrabExpress, đặt đồ ăn GrabFood và tất cả đều sẽ không sử dụng tiền mặt", ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam, chia sẻ dịp Grab ký thoả thuận hợp tác với Moca.

Những gì ông Nguyễn Tuấn Anh mô tả chính là trải nghiệm liền mạch trong đời sống hàng ngày mà "siêu ứng dụng" do Grab hướng đến và đang làm được tại thị trường Việt Nam. Trong khi Zalo vẫn còn đang thử nghiệm gọi taxi và đồ ăn trên diện hẹp hay Now vẫn còn phát triển về diện rộng và chưa có ngày ra mắt dịch vụ chở người thì Grab đã nhanh chân hơn đến thời điểm hiện tại.

Ai đang lợi thế trên đường đua siêu ứng dụng? - Ảnh 2.

GrabFood nhanh chóng thu hút người dùng tại Hà Nội và TP.HCM

Ngoài 3 tên tuổi này, Go-Viet cũng được xem là tay chơi triển vọng bởi Go-Jek có nhiều kinh nghiệm làm siêu ứng dụng tại Indonesia. Tuy nhiên, dẫu tuyên bố sẽ trở thành siêu ứng dụng từ lúc ra mắt hồi tháng 6 nhưng đến nay, Go-Viet vẫn chỉ mới có GoBike và GoSend. Các dịch vụ tiếp theo như GoCar, GoFood, GoPay… vẫn còn đang là kế hoạch.

Ở một thị trường mà tư duy người dùng vẫn còn đang phân tán kiểu gọi xe gì nhớ đến Grab, tìm đồ ăn thì bật Now còn trò chuyện qua Zalo…thì việc trở thành siêu ứng dụng có tầm phổ biến thật sự như WeChat tại Trung Quốc không phải đơn giản. Cuộc đua này, ngoài chịu khó "đốt tiền" thì còn phải nhanh và chất lượng. Chọn những dịch vụ thật sự thiết yếu và "làm mạnh" như Grab có lẽ là một cách giải bài toán hiệu quả.

Thanh Hòa

Từ khóa:  siêu ứng dụng
Cùng chuyên mục
XEM