Ai cũng kêu ca là sân bay quá tải, nhưng các chuyên gia kinh tế và doanh nhân lại coi đây là dấu hiệu đáng mừng

22/04/2017 17:00 PM | Kinh doanh

"Nhiều người quan ngại rằng quá tải thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch và hàng không. Bên cạnh những lo lắng thái quá của dư luận thì tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực về phát triển kinh tế", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air, nói trong một sự kiện gần đây.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải

Theo Savills, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 3 lần trong thập niên vừa qua, và đạt mức tăng 26% trong năm 2016.

Trong khi đó, hạ tầng sân bay vẫn chưa thể đuổi kịp tốc độ phát triển của ngành công nghiệp du lịch. Trong năm 2016, khách du lịch quốc tế di chuyển bằng đường hàng không đạt 8,2 triệu lượt, chiếm hơn 80% tổng lượng khách.

Nhiều sân bay tại các thành phố lớn phải hoạt động quá công suất, như sân bay tại TPHCM là 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng quá tải 113% mặc dù đã được nâng cấp vào năm 2011 từ 4,5 triệu đến 6 triệu hành khách mỗi năm.

Trong hơn hai năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng công suất từ 25 triệu đến 38 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay nội địa Đà Nẵng hiện với công suất 9 triệu hành khách/năm sẽ được mở rộng để đón thêm 4-6 triệu hành khách/năm.

Trong khi đó, Nha Trang đang bị chậm tiến độ với dự án mở rộng sân bay Cam Ranh giai đoạn 1 trì hoãn từ đầu năm 2016 đến quí 1-2018. Tuy nhiên, với việc đón 4,8 triệu lượt khách trong năm 2016, công suất nâng cấp dự kiến tại sân bay này là 2,5 triệu hành khách/năm cũng sẽ không đủ đáp ứng ngay cả trong giai đoạn hiện tại.

Theo kế hoạch tổng thể của chính phủ, đến năm 2020, sẽ có khoảng 5,6 tỉ đô la Mỹ được đầu tư để nâng cấp hạ tầng sân bay. Savills cho rằng, nâng cấp hạ tầng là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển của nguồn cung mới tăng 30% hàng năm trong 3 năm trở lại đây tại Đà Nẵng, Nha Trang và TPHCM.

Những góc nhìn khác nhau

Ông Phạm Ngọc Minh - TGĐ Vietnam Airlines - từng phàn nàn về việc các sân bay đang quá tải, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hãng hàng không. Theo ông Minh, sân bay cửa ngõ Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều quá tải trầm trọng.

Mặc dù hiện hai sân bay này đang được cố gắng khai thác tối ưu, nhưng do lượng khách tăng quá cao nên không tránh khỏi quá tải. Công suất khai thác hai sân bay này đã vượt quá thiết kế. Nhà ga T1 Nội Bài có công suất thiết kế khoảng 6 triệu khách/năm, nay đã phải gồng mình phục vụ tới 9,5 triệu lượt khách vào năm 2010 và sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2011. Nhà ga Tân Sơn Nhất dù đã tách nhà ga quốc tế riêng, song ga nội địa cũng quá tải trầm trọng. Hiện các hãng hàng không muốn tăng tải, tăng chuyến phục vụ khách cũng đành bó tay.

Còn theo ông Tạ Hữu Thanh - Phó TGĐ thương mại của Jetstar Pacific Airlines - thì hạ tầng cơ sở tại sân bay Vinh cũng thiếu trầm trọng. Hiện sân bay này chỉ có 4 quầy làm thủ tục, trong khi một ngày tới 7 chuyến bay cất - hạ cánh tại đây. Nhà ga bé, lượng khách đông, máy bay nhiều nên thiếu cả phòng chờ, xe thang, thiếu nhân lực phục vụ. Đặc biệt, hiện chưa có hệ thống cất - hạ cánh tự động ILS, nên mỗi khi thời tiết xấu, máy bay thường phải về Nội Bài hạ cánh, khiến các hãng hàng không và hành khách đều mệt mỏi, tốn kém.

Trong một sự kiện đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air, lại nhìn việc sân bay quá tải ở một góc độ khác.

"Nhiều người quan ngại rằng quá tải thì sẽ ảnh hưởng đến du lịch và hàng không. Bên cạnh những lo lắng thái quá của dư luận thì tôi cho rằng đây là tín hiệu tích cực về phát triển kinh tế”, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam nhận định.

Theo bà Thảo, trên thế giới, một đất nước vắng vẻ không phải là dấu hiệu của sự phát triển. Các sân bay của HongKong, Kennedy ở New York (Mỹ) cũng rất đông đúc.

“Làm gì có chỗ nào thông thoáng đâu? Chúng ta đã chớm đến hiện tượng này. Sân bay đã trở nên đông đúc. Đó là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, cho người dân. Chúng ta nên cảm thấy lạc quan về điều đó”, CEO VietJet Air nói.

Lãnh đạo của hãng hàng không cho dẫn chứng, Việt Nam có 22 sân bay thương mại so với Singapore chỉ có 2 sân bay. Hiện Việt Nam mới có sân bay khai thác dưới 10% công suất và chỉ có 2 sân bay chớm quá tải nhưng chính phủ đã rất quyết liệt, mạnh mẽ để nâng cấp, xây mới sân bay, xã hội hóa sân bay bằng nhiều cách khác nhau.

PGS.TS. Vũ Minh Khương – ĐH Quốc gia Singapore, cũng có cảm nhận về sự đông đúc của sân bay.

“Tôi có ấn tượng đặc biệt rằng khách về TP HCM rất đông và có cảm xúc háo hức. Chờ rất lâu và rất đông người. Đó là dấu ấn của sự đổi mới và có nhiều khán giả đến với Việt Nam”, ông Khương nói tại Trong sự kiện Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với diện tích 850 ha đứng thứ nhất về mặt công suất nhà ga (với công suất từ 15-17 triệu lượt khách mỗi năm - quá tải khi lượng hành khách lớn hơn 25 triệu khách/năm, so với công suất hiện tại của sân bay Nội Bài là 19 triệu, Sân bay Đà Nẵng là 6 triệu [3] ) và cũng là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM