ACB có nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng

18/08/2016 14:09 PM | Kinh doanh

Trong nhiều năm qua, ngân hàng ACB vẫn loay hoay xử lý các khoản tiền gửi liên ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng đã "ăn lẹm" vào kết quả lợi nhuận là một minh chứng cho thấy cái giá mà ACB phải trả cho sai lầm - ham lãi suất cao.

Tại các kỳ Đại hội cổ đông gần đây, các cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vẫn luôn lo ngại về khả năng thu hồi một số khoản tiền gửi, nợ vay rất lớn, đơn cử: khoản nợ từ nhóm 6 công ty của bầu Kiên, tiền gửi quá hạn tại hai ngân hàng 0 đồng là GPBank và VNCB (nay là CBBank); bằng chứng là hầu hết các câu hỏi với lãnh đạo phần lớn xoay quanh vấn đề này.

Vào thời kỳ trước, khi hệ thống ngân hàng căng thẳng thanh khoản, các ngân hàng có dư thừa vốn như ACB đã mang lượng tiền rất lớn gửi vào một số ngân hàng bị khát vốn hoặc để ăn chênh lệch lãi suất cao. Ví dụ như ACB đã từng giao cho 19 nhân viên mang 718,9 tỷ đồng gửi vào Vietinbank – chi nhánh TP.HCM, thu lợi chênh lệch lãi suất tiền gửi, để rồi sau đó bị Huyền Thị Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ.

Hay với mức lãi suất hấp dẫn từ những ngân hàng như GPBank hay VNCB, ACB đã gửi vào đó những khoản tiền tổng cộng hàng nghìn tỷ đồng. Bất ngờ hai ngân hàng này bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Khoản tiền này vì thế cũng mắc kẹt và việc trích lập dự phòng cho hai khoản tiền này đang từng ngày “ăn mòn” lợi nhuận của ngân hàng này.

400 tỷ tại CBBank

Ngày 31/1/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại CBBank với giá 0 đồng. Như vậy, ACB vẫn "đóng băng" 400 tỷ đồng tiền gửi tại CBbank. Tới nay, khoản 400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại CBBank đã quá hạn, đã được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tức khoản tiền gửi này đứng trước nguy cơ mất trắng.

Tại thời điểm cuối quý 2/2016, tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi nói trên của ACB là 165,630 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 176,063 tỷ đồng hồi cuối năm 2015.

Vào ngày 25/12/2015, ngân hàng đã gửi Công văn 7261 đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi này và lãi liên quan. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 10005 phê duyệt đề nghị này. Khoản tiền gửi 400 tỷ đồng sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình đã được phê duyệt đến ngày 30/09/2020.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB giảm từ 1,31% tại thời điểm đầu năm xuống còn 1,24% tính đến cuối tháng 6/2016. Mặc dù giảm về tỷ lệ nhưng về số tuyệt đối, nợ xấu của ACB tới 3.367 tỷ đồng, tăng 455 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.338 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm và con số 400 tỷ trên đã chiếm 30% tổng số nợ này.

252 tỷ ở GPBank

Báo cáo tài chính báo cáo soát xét bán niên hợp nhất 2016 cũng chỉ ra khoản tiền gửi 772 tỷ đồng tại Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). GPBank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào ngày 7/7/2015.

Khoản tiền gửi này được chia thành 2 phần. Trong đó, tại thời điểm 31/03/2014, với khoản tiền 252 tỷ đồng tại GPBank, ACB đã ký thỏa thuận gia hạn khoản tiền gửi này thêm 24 tháng đến 04/09/2016.

Đến ngày 25/12/2015, ACB đã gửi Công văn số 7261/CV-TH.15 đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét chấp thuận cho ACB chuyển nhượng các trái phiếu và bất động sản do GPBank nắm giữ để cấn trừ khoản tiền gửi này. Đồng thời ACB sẽ miễn giảm toàn bộ lãi phải thu phát sinh từ khoản tiền gửi. Vào ngày 29/12/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 10005/NHNN-TTGSNH phê duyệt đề nghị này.

Vào ngày 7/4/2016, ACB đã nhận chuyển nhượng các trái phiếu với mệnh giá 500 tỷ đồng do một công ty cổ phần trong nước phát hành để cấn trừ 520 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank.

Đối với số dư 252 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn còn lại, ngân hàng hàng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do ngân hàng GPBank nắm giữ để cấn trừ nợ.

Trước sự thấp thỏm của cổ đông, tại Đại hội cổ đông thường niên 2016, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ngân hàng ACB năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên ngân hàng không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM