Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về "ăn" nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện "siêu hãm" chỉ dân chung cư mới hiểu!

06/05/2021 06:53 AM | Sống

Chung cư ngày càng trở thành lựa chọn của đa số người dân đô thị, nhưng sống ở chung cư cũng lắm chuyện "dở khóc, dở cười". Nỗi niềm riêng - chung đó đôi khi lại xuất phát từ chiếc thang máy vô tri...

"Ấy ấy, làm gì mà chen kinh thế, người ta đã ra đâu".

"Đi nhanh nhanh lên, đã muộn thì chớ"...

Cứ mỗi sáng, tiếng người cãi nhau, cáu nhau nhặng xị ở thang máy như "bài ca" quen thuộc mà nghe nhiều, nghe mãi, tôi thành ra đã quen từ bao giờ, chán chả buồn để vào tai. Khu chung cư tôi ở có hơn 2 chục tầng, có 4 cái thang khá rộng, ấy vậy mà vẫn suốt ngày nghe tiếng chí chóe, hạnh họe nhau chỉ bởi người ra, kẻ vào, cản chân nhau trong vài tích tắc.

Đi thang máy như đi đánh trận!

Thang đang xuống thì dừng ở tầng 5, chả kịp đợi xem có ai vào nữa hay không, một bà cô tầm U50 đã nhanh tay ấn đóng cửa, mặc cho tiếng ai như của một cô gái trẻ ở ngoài kêu lên thất thanh: "Ấy cô chú ơi, đợi cháu với".

Nhưng chẳng kịp nữa rồi, cánh cửa thang máy đóng sập lại, bỏ lỡ người ở ngoài trong sự bực tức lẫn bất lực như thế!

Trong thang máy, đủ cả già trẻ, lớn bé, ồn ào như chợ vỡ. 1 số đứa trẻ táy máy nghịch các nút linh tinh còn bố mẹ nó cũng cứ yên lặng không nói gì, bởi mắt và tay họ còn đang mải nhìn màn hình điện thoại.

Cánh cửa thang máy vừa dừng chân ở tầng 1, chẳng chịu để người bên trong ra trước, nhóm người đứng chờ cứ như "đang có người thân hấp hối", chạy ùa vào trong, chen lấn nhau suýt ngã. Tiếng la ó, ánh mắt lườm nguýt dài cả gang tay.

- "Ối dồi ôi, cái cô này, phải nhìn chứ, người ta đã ra đâu mà lao vào thế, nhanh chậm gì vài giây?".

- "Nhanh cái chân lên bác ơi, cuộc sống số, vài chục giây là vài chục triệu của người ta đấy"...

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 1.

Cảnh chen lấn, xô đẩy thế này chẳng phải là hiếm gặp nơi tôi sống. Ảnh minh họa


Nói rồi, ai cũng sải bước thật nhanh để kịp công chuyện của họ, bỏ lại những tiếng thở dài thườn thượt của người đằng sau.

Còn nhớ có 1 lần trong lúc chờ vào thang, đứa con 5 tuổi của tôi bất ngờ hỏi: "Mẹ ơi, sao mình không vào thang máy luôn, mẹ sắp muộn làm rồi mà?".

Tôi điềm nhiên bảo thằng bé: "Vì mình là người lịch sự con ạ, đợi người ta ra hết rồi mình hãy vào". Nó ngây thơ hỏi lại: "Sao mọi người vẫn chen nhau vào thế ạ?". 

"Kệ người ta con ạ, nhanh chậm gì vài giây đâu con". Tôi để ý, kể từ đó, dù đi với tôi hay với bố nó, thằng bé vẫn cố gắng để người trong thang máy ra hết rồi cu cậu mới bước vào. Cũng đáng khen đấy chứ!

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 2.

Kể từ khi được tôi chỉ bảo, thằng bé con tôi luôn cố gắng đợi mọi người ra hết rồi cu cậu mới bước vào thang, khá lịch sự đấy chứ? Ảnh minh họa


Chẳng riêng gì chuyện chen chúc, họp chợ vô tổ chức trong thang máy, đôi khi bản thân tôi lại phải bắt gặp cảnh tượng tréo ngoe không biết gọi tên là gì cho đúng.

Như sáng nay, đã căn chọn đúng giờ "hoàng đạo" để bước ra khỏi nhà, đi làm vào khung giờ "chẳng giống ai", ấy thế mà bước vào thang máy, tôi vẫn phải chứng kiến cảnh tượng khá bực mình. Bấm đi xuống mãi mà cứ bị bỏ thang, thang bên cạnh thì ai đó ấn giữ khiến chiếc thang máy cứ "chôn chân" ở 1 tầng mãi không chịu nhích.

Khi thang máy mở cửa, đập vào mắt tôi là một cặp "choai choai" mới lớn, mặc đồng phục học sinh. Đôi trẻ lén liếc tôi cứ như kiểu "tội đồ", 2 đứa dắt díu nắm tay, nắm chân nhau rồi liếc xéo "bà cô U40" với vẻ đầy hờn dỗi. Dường như tôi chính là kẻ đã vô tình phá "vỡ không gian yêu đương" của 2 đứa, khiến cảm xúc tắt phụt trong vài giây ngắn ngủi. Còn tôi chỉ biết buông thõng 1 tiếng thở dài đầy ngao ngán....

Buổi sáng rời khỏi nhà của tôi bắt đầu như thế.

Thang máy là nơi dỗ trẻ ăn hàng ngày

 - "Ăn đi, nào, có ăn không? Không ăn bà nhốt trong thang máy bây giờ!"

- "Nào, ăn đi, bà thương, bà thương".

Tiếng thí dỗ quen thuộc vang lên ở thang máy cứ như bài tập thể dục 1-2 mỗi sáng khiến ai cũng chán nản, nhưng biết sao được khi lần nào nhắc nhở cũng nhận được phản ứng y chang của các bà, các mẹ: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".

Còn nhớ một buổi sáng đầu tuần, vừa thay đồ lồng lộn, bước vào thang máy để tận hưởng ít giây ngắn ngủi thư thái trước khi phóng xe đi làm trong khói bụi, tắc đường thì bất ngờ: "Ụp, ôi cô ơi, xin lỗi cô nhé, tôi trượt tay, thằng bé này nghịch quá".

Bà cô vừa cất lời xin lỗi cũng là lúc bát cháo cá đổ ngay xuống sàn thang máy, bắn tung tóe vào bộ váy mà tôi đã cất công chải chuốt cả sáng chỉ để ngày đầu tuần suôn sẻ, vui vẻ hơn. Ấy vậy mà...!

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa


Còn nói gì được nữa trước tình huống này? Chỉ biết thở dài nói "không sao" trong bất lực rồi vội vã lên nhà, thay lại bộ đồ sao cho nhanh gọn nhất mà đi làm cho kịp giờ. Chậm 1 phút là mất 50 nghìn như chơi, công ty tôi chấm vân tay mỗi ngày, mà phạt đi muộn còn "gắt" hơn mẹ chồng liếc xéo nàng dâu hư!

Vẫn biết là mỗi khu chung cư lại có những hộ dân đến từ nhiều vùng miền, quê quán khác nhau, nghề nghiệp khác nhau… Vì thế, sẽ có những cách hành xử thể rất khác nhau trước những va chạm phát sinh trong cuộc sống. Nhưng việc nhiều bà, nhiều mẹ sử dụng thang máy để dỗ cho con ăn hàng ngày khiến không ít cư dân khác, chẳng riêng gì tôi cảm thấy... khó chịu!

Chưa kể, mỗi khi cho con nhỏ ăn, thang máy lại trở thành nơi cho trẻ em bấm nghịch (ấn số tất cả các tầng, đứng chặn cửa chơi trốn tìm...) khiến thang cứ đóng, mở liên tục tại nhiều tầng hoặc liên tục trong trạng thái bận khiến nhiều người muốn dùng thang thì phải đợi chờ cả tiếng đồng hồ.

Không chỉ thế, chính thức ăn thừa, sữa nước, khăn giấy, thấm chí cả vết nôn mửa của trẻ do bị ép ăn đôi khi rơi rớt hết ra thang, bốc mùi khó chịu...

Quan điểm của tôi, đã ăn là ngồi im 1 chỗ, tuyệt đối không ăn rông, càng không nên cho con trẻ ăn rông nơi công động, thang máy tuyệt đối không phải chỗ để dền dứ, đùa nghịch. Bởi vì trong các thang máy hiện đại, đều có một bộ xử lý điện tử, nếu cứ bấm bừa bãi thì cũng như điện thoại, cứ sẽ bị "treo". Mà những ai đã từng một lần bị chết thang máy ở giữa chừng chắc chắn phải nhớ đời vì sự hoảng loạn sẽ lên tới cực điểm.

Đi thang máy mà có kỹ năng thợ lặn là một lợi thế...

Lúc đi làm đã thế, nhưng lúc trở về nhà khi bước vào trong thang máy cũng "ối dời ơi" không kém. Tan sở cũng là lúc các bà, các mẹ tranh thủ tạt qua chợ, siêu thị để mua đồ về làm bữa. Tôi đã từng suýt "ná thở" bởi đủ loại mùi hương tỏa ra khi bước vào thang đông nghịt người khi đi làm về.

Nào là mùi mồ hôi, thức ăn sống mua về nặng mùi như măng chua, cá sống lại quyện cùng mùi nước hoa... của cánh chị em. Các loại mùi hương "đánh nhau" khiến tôi không dám thở cho đến khi thang dừng đúng tầng thì nhanh chóng chạy ra để "thoát mùi".

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 4.

Lúc đi làm đã thế, khi tan sở, thang máy với đủ loại mùi pha tạp khiến tôi muốn nín thở, mong bước ra thật nhanh


Chưa kể, có vài phen tôi suýt chết ngất khi thấy đầy "bãi chiến trường" mà ai đó đã phóng uế ra từ lúc nào. Thoạt đầu tưởng con chuột chết ở đâu, nhưng nhìn những gì đập vào mắt mình tôi chỉ còn nước bấm thang ra ngay tầng gần nhất rồi thà leo bộ hơn chục tầng nhà còn hơn nhốt mình trong nơi uế tạp, lại kín như bưng kia.

Dạo ấy tòa nhà chưa lắp camera trong thang máy, "bãi chiến trường" này sau đó được đăng lên hội cư dân. Tất nhiên, chẳng ai "dại" mà nhận là của mình, nhưng nó đã trở thành nỗi ám ảnh mà mỗi bận nhắc lại, ai cũng muốn... đi nôn. Nhưng cũng may nhờ quả "phốt" ấy, mà ban quản lý tòa nhà đã khẩn cấp lắp ngay camera trong thang máy để kiểm soát tình hình. Nỗi lo cũng vơi đi phân nửa!

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 5.

Ai đó đã tiện "phóng uế" ra thang máy từ lúc nào


Thế nhưng, việc phóng uế ngay ra thang máy tòa chung cư của tôi chẳng phải ngoại lệ. Nói đâu xa, như 1 tòa chung cư của anh bạn tôi đang sống - một chung cư được xếp vào loại hiện đại ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), ấy vậy mà cư dân nơi đây cũng từng phải đau đầu để tìm ra hung thủ thường xuyên tiểu tiện ra thang máy. Chuyện là, một người đàn ông của tòa nhà thường xuyên đi uống rượu về đêm. Cứ mỗi lần say là người này lại thản nhiên tè bậy ra thang máy, vì tưởng đó là... nhà vệ sinh!?

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 6.

Giấy vệ sinh vứt đầy thang máy


Cũng lại có trường hợp khác, mẹ đón con 2 tuổi đi học về, con đòi đi vệ sinh khi tháng máy chưa kịp lên đến phòng. Người mẹ đã hồn nhiên cho con đi tè luôn trong cabin thang máy, dù biết có camera giám sát. Thật hết thuốc chữa!

Những chuyện "kinh dị nhưng quá quen" này lại một lần nữa khiến người ta nhớ lại một "việc hú hồn" xảy ra 1 vài năm trước đây, khi 2 người phụ nữ (một người che camera cho người kia) tiểu tiện ngay trong thang máy tại một chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 7.

Hình ảnh hai phụ nữ sau khi tiểu bậy trong thang máy. Ảnh cắt từ clip.


Nói về lý do thì thật sự quá hài hước, chẳng là trong quá trình chờ chủ hộ xuống đón, do không nhịn được việc đi vệ sinh nên chị em đã lấy sàn thang máy là nơi..."thả hồn theo gió". Ngay sau đó chủ nhà đã phải đứng ra nhận trách nhiệm và chấp nhận nộp mức phạt là 2 triệu đồng. Vụ việc này từng ám ảnh 1 thời gian dài khiến cánh chị em đi đâu cũng rén, chỉ vì thấy xấu hổ thay! 

Nơi chứng kiến cãi vã, "tổ buôn di động" của các bà thím

Tôi vẫn thường "răn" chồng và tự "răn" lấy mình, đừng có "vạch áo cho người xem lưng", dù bất kể tình huống nào, nhất là nơi tập thể. Vợ chồng tôi lấy nhau ngót hơn chục năm, đôi lúc cũng có "bát xô, đĩa vỡ", thế nhưng với hàng xóm đôi bên vẫn cứ thấy chúng tôi hệt như "đôi chim câu mới về chung 1 tổ", vì chả thấy "vỡ bát, sứt má" bao giờ!

Ấy thế mà ở chung cư tôi, không dưới vài lần được chứng kiến cảnh vợ mắng chồng, chồng "đi đường quyền" với vợ ngay trong thang máy. Tối hôm nay mát trời, rủ chồng đi dạo. Vừa bước vào thang máy thì tiếng quát tháo đã vang lên: "Mày nói cái gì? Mày có tin tao tát mày chết không? Câm mồm lại"...

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 8.

Cảnh đánh chửi, cãi vã nhau ngay trong thang máy cũng không phải là hiếm. Ảnh minh họa

Chẳng hiểu lý do gì, đôi vợ chồng cứ chửi mắng nhau oang oang mặc kệ mọi người xung quanh hiếu kì. Chồng một câu, vợ hai câu, không ai kém miếng... cứ thế cho đến khi thang máy dừng ở tầng để xe cặp đôi vẫn chưa ngớt lời.

Chưa hết, thang máy còn là nơi buôn chuyện của mấy bà thím, họ vô tư nói chuyện mà không cần để ý những người xung quanh, buôn đến nỗi thang dừng vẫn chưa chịu ra mà dùng tay ấn nút giữ mở cửa thang để cố nốt câu chuyện, buộc những người đi cùng chờ đợi, đến khi thang kêu inh ỏi mới chịu thả nút bấm. Gặp những cảnh này, tôi chỉ muốn đút nút tai lại, nín thở tìm cách thoát ra càng nhanh, càng tốt!

Nó tè 1 bãi thì đã chết ai

Đi dạo được vài vòng, thấy đồng hồ điểm 10 giờ tôi rủ chồng quay về để nghỉ ngơi, mai còn bắt đầu công việc. Vừa bước vào thang máy lại chứng kiến ngay một "bãi tè" của con chó nhà ai đó. Nó cứ thấy người là xộc thẳng vào thang, thản nhiên dạng ra tè. Thật hết biết!

Nếu theo ý kiến của "phe" yêu động vật, chó mèo không phải gia súc, chúng là thú cưng, là người bạn của gia đình, nên chúng được quyền "ưu tiên" hơn những giống loài khác. Nhưng với tôi, nó thật phiền nếu như không được dạy dỗ hay quản lý tử tế từ chủ nhân.

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 9.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bãi "phóng uế" của chó, mèo trong thang máy chung cư chưa?


Nói ra thì bảo "lắm mồm", như chính người hàng xóm chung tầng nhà tôi, bữa rồi, nhà chị ta thả chó, nó sủa inh ỏi, một con sủa thì nhiều con khác "hòa âm" theo, khiến cuối tuần của tôi "coi như bỏ". Sang gõ cửa góp ý nhẹ nhàng thì nhận được câu buông sõng đầy hờn dỗi: "Bác thông cảm, giá như em bịt cái miệng nó lại cho đỡ sủa, thì em bịt ngay".

Ác mộng thang máy chung cư: Sáng đi làm như đi đánh trận, chiều về ăn nguyên bát cháo vào người và 7749 chuyện siêu hãm chỉ dân chung cư mới hiểu! - Ảnh 10.

Câu chuyện nuôi chó, mèo ở chung cư vẫn chưa có hồi kết. Ảnh minh họa


Thở dài đánh thượt, tôi buồn bã ra về! Rồi thỉnh thoảng, nước tiểu, phân chó lại xuất hiện đầy hành lang, trong thang máy. Bữa rồi có bác "ngứa mắt", chụp lại đăng lên hội cư dân thì lập tức "fan yêu động vật" vào comment: "Gớm nữa, tè 1 bãi, đã chết ai!".

Thế là hết câu chuyện, chẳng ai buồn nói thêm nửa lời!

KẾT

Có thể nói không ngoa, tất cả những ai thường xuyên đi thang máy đều có những kỷ niệm đáng kể, nhưng vui vẻ thì ít mà bực mình lại khá nhiều. Phần lớn do văn hóa thang máy của chúng ta còn quá mới mẻ, vì cách đây vài chục năm, bà con dân thường chúng ta chả mấy ai hiểu thang máy là cái quái quỷ gì, di chuyển cao mấy cũng chỉ bằng đôi bàn chân.

Rõ ràng, có thang máy thì đời sống căn hộ chung cư tiện lợi hơn hẳn. Chính cái "hộp lên lên, xuống xuống" đó là nơi mọi người có thể gặp gỡ nhau hàng ngày, là chốn mà các bà nội trợ có thể tranh thủ hỏi giá cả chợ búa hôm nay, các quý ông có thể bàn nhanh tỉ số vài trận bóng, xem tình hình xã hội hôm nay có gì?

Nói trắng ra, cái hộp ấy là thứ có thể khiến "tình làng nghĩa xóm" thêm phần khăng khít hơn, thay vì cửa đóng then cài, cả năm tụ họp dăm ba lần như mấy căn nhà mặt đất. Thế nhưng tất nhiên, cái "hộp lên hộp xuống" đó chỉ có thể là nơi gắn kết, là nơi vui vẻ khi tất cả chúng ta đều cư xử văn minh, lịch sự, còn không thì thà đi thang bộ, sống 1 mình một thế giới còn thoải mái hơn.

Sống ở chung cư, thang máy là một tài sản chung, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức, phải có văn hóa, văn minh khi sử dụng chung thang máy. Có như vậy tài sản mới bền mà tình làng nghĩa xóm lại không bị ảnh hưởng, phải không anh chị?

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM