Á quân kỳ lạ của ngành tôm: Không vay dài hạn một xu nào, EPS có năm lên tới 108.000 đồng

09/02/2023 16:07 PM | Kinh doanh

Vào năm 2021, doanh thu của Stapimex tiếp tục tăng lên 7.328 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh còn 402 tỷ đồng, tương ứng EPS cũng giảm mạnh về 57.334 đồng. Dù vậy, đây vẫn là con số thuộc hàng top trên thị trường.

Á quân kỳ lạ của ngành tôm: Không vay dài hạn một xu nào, EPS có năm lên tới 108.000 đồng - Ảnh 1.

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đạt con số kỷ lục trong xuất khẩu: 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011. Trong đó xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD – tăng khoảng 13% so với năm 2021, vẫn giữ vị thế là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Người ta biết nhiều đến Vua tôm Minh Phú khi đây từng là một doanh nghiệp niêm yết nổi tiếng trên sàn chứng khoán. Kín tiếng hơn, Á quân ngành tôm - CTCP thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) – lại sở hữu những điều “kỳ lạ”.

Không theo đuổi mô hình khép kín hay vùng nuôi rộng lớn, chỉ thu mua về chế biến

Năm 2022, giá trị xuất khẩu tôm của Minh Phú ước tính 320 triệu USD. Báo cáo tài chính của công ty mẹ cho biết tính đến cuối năm, tổng tài sản của Minh Phú là hơn 10.000 tỷ đồng, doanh thu thuần 8.925 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 802 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu tôm của Stapimex cũng không kém cạnh, ước tính 310 triệu USD (tăng trưởng so với 292,8 triệu USD của năm 2021 và 265 triệu USD của năm 2020). Chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022, nhưng Stapimex từng gây sốc vào năm 2020 với doanh thu thuần 6.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 757 tỷ đồng, tương ứng EPS hơn 108.000 đồng.

Vào năm 2021, doanh thu của Stapimex tiếp tục tăng lên 7.328 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh còn 402 tỷ đồng, tương ứng EPS cũng giảm mạnh về 57.334 đồng. Dù vậy, đây vẫn là con số thuộc hàng top trên thị trường.

Á quân kỳ lạ của ngành tôm: Không vay dài hạn một xu nào, EPS có năm lên tới 108.000 đồng - Ảnh 2.

Á quân kỳ lạ của ngành tôm: Không vay dài hạn một xu nào, EPS có năm lên tới 108.000 đồng - Ảnh 3.

Cho đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Stapimex chỉ vỏn vẹn 77,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.708 tỷ đồng, được tích lũy trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (664 tỷ) và Quỹ đầu tư phát triển (879 tỷ đồng), Tổng tài sản đạt 2.616 tỷ đồng và không có một xu vay dài hạn nào.

So sánh với Minh Phú, các chỉ số sinh lời của Stapimex đều cao vượt trội. Năm 2021, mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu của Minh Phú tạo ra 12 đồng lợi nhuận sau thuế thì của Stapimex là 24 đồng.

Tuy nhiên, nếu như Minh Phú sở hữu vùng nuôi rộng hàng ngàn ha, nhà máy thức ăn và nơi sản xuất giống với mô hình khép kín thì Stapimex chỉ có một vùng nuôi rộng vỏn vẹn 70ha. Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, ông Tạ Văn Vững, Tổng giám đốc của Stapimex cho biết công ty này chỉ tập trung vào thu mua nguyên liệu về chế biến. Ông Vững giải thích cho việc này là vì không có nguồn lực để làm vùng nuôi, thức ăn, con giống, cũng như không có điều kiện vùng đất đai rộng lớn để thực hiện.

Theo đó, ngoài vùng nuôi 70ha nói trên thì khoảng 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho hai xí nghiệp của Stapimex đến từ mối liên kết với sáu hợp tác xã với diện tích hợp tác 500 héc ta. 60% còn lại được thu mua bên ngoài.

Vào năm 2020, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu tôm từ 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. Tôm Ecuador vốn là một “thế lực” cạnh tranh mạnh mẽ với tôm Việt trên thị trường quốc tế bởi giá rẻ hơn từ 2,5 – 3USD/kg, tuy nhiên họ chưa có khả năng chế biến sâu mà chỉ mạnh về nguồn cung tôm nguyên liệu.

Với sự cố năm 2020, tôm sơ chế Ecuador giá rất rẻ đã được các doanh nghiệp Việt nhập khẩu về để chế biến lại rồi xuất khẩu. Bên cạnh việc giá tôm thế giới tăng cao thì nguyên liệu rẻ là một trong những nguyên nhân giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt đạt được tỷ suất lợi nhuận tốt hơn bình thường.

Với quy định trong các Hiệp định thương mại tự do được Việt Nam ký kết, cũng như mức thuế đánh vào tôm Ecuador, doanh nghiệp thủy sản Việt không còn nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến xuất khẩu như vậy nữa. Do giá thu mua tôm tại Việt Nam cao hơn tôm Ecuador, tỷ suất lợi nhuận của họ cũng suy giảm.

Stapimex trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trên 50%, 2 năm liền trả cổ tức tỷ lệ 100%

Không có nhu cầu đầu tư, Stapimex đem những khoản lợi nhuận "khủng" thu được để chia cổ tức bằng tiền mặt.

Bên cạnh việc duy trì được tỷ lệ cổ tức bằng tiển mặt trên 50% trong 6 năm liền thì Stapimex đã chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 100%. Năm 2021 theo biên bản ĐHCĐ thường niên, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt tiếp tục là 100%.

Các cổ đông lớn của công ty là thành viên ban lãnh đạo. Theo báo cáo quản trị, tính đến 31/12/2022, ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch HĐQT và vợ là bà Nguyễn Thị Bảy cùng những người liên quan khác (không tính con cái) đang nắm 27%. Ông Trần Nguyễn Hoàng Phú – Phó TGĐ, đồng thời là con trai của ông Phẩm – bà Bảy, đang nắm 5,158%. Tổng cộng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Trần Văn Phẩm trên báo cáo là 32,2% tương đương 2,5 triệu cổ phần – lĩnh khoảng 25 tỷ đồng tiền cổ tức trong năm 2021.

Ông Tạ Văn Vững – Tổng giám đốc công ty nắm 23,6%, lĩnh khoảng 18 tỷ đồng tiền cổ tức.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, các ông bà Tạ Văn Vững, Nguyễn Thị Bảy, Trần Thị Cẩm Phả và Trần Nguyễn Hoàng Phú đã có những động thái mua – bán khá sôi động đối với cổ phiếu của Stapimex.

Phân tích những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu tôm tăng cao trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho hay, do lạm phát ở các nước EU và Hoa Kỳ, nguồn cung nhiều loại thực phẩm giảm, đã đẩy giá tôm tiêu thụ ở các khu vực này tăng cao. Tại Việt Nam, giá tôm nguyên liệu cũng tăng cao đã đẩy giá xuất khẩu tăng lên. Mặt khác, chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Liên quan đến câu chuyện của ngành tôm năm 2023, theo các doanh nghiệp, hiện tại, hầu hết các thị trường đều tồn kho một lượng tôm nhất định do sức tiêu thụ các tháng cuối năm giảm mạnh. Trong khi đó, theo quy luật, quý I hàng năm, các nước Nam bán cầu (Indonesia, Ecuador…) bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm, nên một khi nguồn cung mới này dồi dào cộng hưởng với hàng tồn kho nhiều, nhu cầu tiêu thụ không cao thì rủi ro về giá sẽ rất lớn. Lạm phát chưa biết điểm dừng, khiến sức mua có hạn và để kích cầu tiêu thụ thì giá bắt buộc sẽ phải giảm thêm.

Thông tin từ cuối năm 2022 còn cho biết, Ecuador tuyên bố tăng sản lượng tôm trong năm 2023 lên khoảng 1,5 triệu tấn (tức tăng 20% so với năm 2022). Trong khi nhu cầu tôm thế giới hàng năm cũng chỉ tăng ở mức 5% nên chỉ riêng Ecuador đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường tôm thế giới trong năm 2023.

Theo Lan Hạ

Cùng chuyên mục
XEM