9 “sự thật” về chỉnh nha (niềng răng) có thể bạn chưa biết

30/06/2021 08:00 AM | Sống

Khi vẻ ngoài ngày càng quan trọng đối với sự thành công trong công việc và cuộc sống cá nhân, nhiều người lựa chọn phương pháp chỉnh nha (niềng răng) để sở hữu nụ cười tự tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “hiểu lầm” và lợi ích của niềng răng mà chưa nhiều người biết đến.

Những điều bạn có thể chưa biết về chỉnh nha

Niềng răng làm cho gương mặt thanh thoát hơn

Khung xương hàm đóng vai trò quan trọng trong việc định hình gương mặt. Niềng răng cho phép căn chỉnh khung xương hàm cân đối hơn, từ đó giúp hàm răng đều đẹp, khắc phục tình trạng hô, móm, răng thưa, hay khớp cắn không chuẩn.

Niềng răng giúp cải thiện sức khỏe răng miệng và toàn bộ cơ thể

Đối với các trường hợp khớp cắn không chuẩn, như hô, móm, răng mọc lệch, niềng răng giúp việc nhai và nghiền thức ăn hiệu quả hơn. Nhờ đó, góp phần hạn chế được các bệnh về tiêu hóa, cũng như cải thiện quá trình hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn nuôi cơ thể.

Niềng răng giúp chăm sóc răng miệng trở nên dễ dàng hơn

Sau khi niềng, hàm răng sẽ đều tăm tắp, việc vệ sinh răng miệng hiệu quả hơn. Vì vậy, niềng răng còn là một trong những cách phòng ngừa các bệnh lý về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng,… hiệu quả.

Niềng răng có thể khắc phục nhược điểm về phát âm

Giọng nói bị chi phối bởi môi, răng và lưỡi. Với việc chỉnh sức khung xương hàm, niềng răng có thể giúp phát âm chuẩn hơn, tròn vành và rõ chữ hơn.

Mất răng vẫn có thể niềng răng

Đối với những trường hợp mất răng, niềng răng có thể giúp đóng khoảng trống vùng mất răng. Phần lớn những trường hợp niềng răng chen chúc nhiều ở người lớn đều có thể phải nhổ răng. Chính vì thế trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ xem xét tận dụng chỗ trống vị trí mất răng để không phải nhổ khi niềng.

12-35 là độ tuổi lý tưởng để niềng răng

12 – 19 tuổi: là độ tuổi niềng răng lý tưởng cho tuổi vị thành niên, bởi vì đây là giai đoạn răng vĩnh viễn bắt đầu phát triển và xương quai hàm chưa ổn định, nên nha sĩ có thời gian uốn nắn giúp khung xương mặt cân đối, đảm bảo thẩm mĩ cho gương mặt.

20 – 35 tuổi: Ở độ tuổi này, niềng răng vẫn thực hiện được, tuy nhiên, vì các khớp xương hàm đã hoàn thiện, răng chắc chắn nên niềng răng cũng khác so với trẻ em. Nha sĩ sẽ tiến hành thăm khám và tư vấn kế hoạch niềng răng phù hợp với tình trạng răng miệng nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất.

Những hiểu lầm thường gặp về niềng răng

"Niềng răng rất đau"

Niềng răng là kỹ thuật sử dụng các khí cụ nha khoa để đưa răng về đúng vị trí trên cung hàm, cảm giác đau chỉ là sự căng tức do răng dịch chuyển. Trường hợp niềng răng mắc cài, có thể đau ở 3 giai đoạn: Đặt thun tách kẽ (khoảng 1 tuần), mang khí cụ (đau lưỡi khi nuốt và nói chuyện trong 3-7 ngày), tăng lực siết của dây cung (khó chịu ở chân răng trong 3-5 ngày). Tuy nhiên, hiện nay đã có niềng răng trong suốt giúp giảm cảm giác khó chịu này đến mức tối thiểu.

9 “sự thật” về chỉnh nha (niềng răng) có thể bạn chưa biết - Ảnh 1.

Niềng răng không nhất định phải đau

"Niềng răng gây hóp má"

Không có nghiên cứu nào chỉ ra niềng răng gây ra hóp má, nguyên nhân có thể là vì việc thay đổi trong ăn uống làm sụt cân dẫn đến hóp má. Nhưng không cần quá lo, vì sau khoảng 1 tháng, bạn đã có thể ăn uống gần như bình thường. Đặc biệt với phương pháp niềng răng trong suốt, những tác động lên sinh hoạt là tối thiểu, không cần quá lo lắng.

"Niềng răng làm giảm tuổi thọ"

Phương pháp niềng răng chỉ tác động đến răng trên cung hàm với một lực rất vừa phải, không có bằng chứng nào chứng minh niềng răng gây giảm tuổi thọ hay gây ra tác động xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Niềng răng gây sụt cân"

Đối với niềng răng mắc cài, ban đầu có thể khó chịu dẫn đến cảm giác chán ăn. Nhưng sau đó, người niềng răng có thể ăn uống bình thường. Để tránh việc bung mắc cài, bác sĩ thường khuyên tránh những thực phẩm quá dai, cứng và cắt nhỏ thức ăn trước khi ăn. Người sử dụng niềng răng trong suốt có thể tháo gỡ niềng răng để ăn như bình thường, và đeo lại khay niềng sau bữa ăn.

"Niềng răng làm cho răng yếu đi"

Sự tác động của mắc cài, khay niềng vào răng khiến nhiều người lo lắng về sự yếu đi của răng khi thực hiện niềng răng, tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng. Thực tế, niềng răng không làm răng yếu đi, mà còn giúp răng trở nên đều đặn và chắc khỏe. Một phần là nhờ việc vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn, khiến việc bảo vệ và chăm sóc răng tốt hơn.

Tạm kết

Hi vọng bài viết đã giúp "minh oan" một số hiểu lầm về niềng răng. Chỉnh nha là một quá trình an toàn, nhưng cũng cần sự kiên nhẫn một thời gian dài ở người niềng. Tìm hiểu và có hiểu biết cơ bản về niềng răng có thể giúp bạn chọn phương pháp niềng hợp lý và quá trình niềng răng dễ dàng hơn.

Ánh Dương

Từ khóa:  sống
Cùng chuyên mục
XEM