9 điều bạn nên thương lượng trước khi đồng ý nhận việc

11/01/2021 10:18 AM | Kinh doanh

Dưới đây sẽ là gợi ý về 9 câu hỏi mà bạn nên hỏi nhà tuyển dụng để không còn những khúc mắc hoặc dẫn đến sự ức chế sau khi đã trở thành nhân viên chính thức.

Đã từng có thời điểm, nhiều người lao động cho rằng chỉ cần có việc làm đã là một may mắn và chấp nhận tất cả mọi điều khoản của doanh nghiệp. Suy nghĩ ấy không sai, nhưng đôi khi sẽ khiến bạn nhận về những thiệt thòi, nhất là trong thời cuộc mà doanh nghiệp vẫn đang ra sức tìm người và người tìm việc thì ngày càng có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn. Bạn xứng đáng nhận về những giá trị tốt đẹp. 

Hỏi về những chính sách phúc lợi

Cần phải hỏi cụ thể và cặn kẽ về những chính sách phúc lợi mà bạn sẽ nhận được khi trở thành một nhân viên chính thức. Chẳng hạn như bạn cần phải đóng những khoản nào với định mức bao nhiêu. Gói bảo hiểm bạn sẽ nhận được giá trị ra sao và bao gồm những dịch vụ gì. Rất nhiều người lao động không thực sự chú tâm vào điều này khi trao đổi cùng với phòng Nhân sự. Thế nhưng bảo hiểm (thường là các gói về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn) là những quyền lợi chính đáng và giá trị mà bạn nên được biết và cần phải biết trước khi làm việc.

Mức lương

Đây là điều tất yếu nhưng thực tế là có không ít người lao động, đặc biệt là các bạn sinh viên vừa ra trường chưa mạnh dạn trao đổi cùng người tuyển dụng. Đa số các doanh nghiệp thường không công khai mức lương trên các trang tuyển dụng mà chỉ để một khoảng hoặc định mức tối thiểu. Sau cuộc phỏng vấn đầu tiên, hãy đặt vấn đề thẳng thắn về mức lương. Nếu bạn cảm thấy phù hợp hoặc có thể thương lượng được thì tiếp tục cho buổi phỏng vấn tiếp theo. Nếu cảm thấy mức lương không phù hợp và không có khả năng thương lượng trong hạn mức có thể chấp nhận được, bạn có lẽ không nên tiếp tục câu chuyện cùng người tuyển dụng nếu không muốn bản thân cứ phải làm việc trong tâm trạng không hài lòng.

Hỏi về những chính sách khác ngoài phúc lợi và lương

Lương – Phúc lợi chắc chắn là những yếu tố hấp dẫn hàng đầu. Thế nhưng ngày nay có nhiều công ty rất cạnh tranh nhau ở khoản này. Vậy thì hãy đặt thêm câu hỏi về những chính sách khác, chẳng hạn như: chế độ tăng ca/ làm thêm giờ, chế độ hưởng lương vào những ngày nghỉ hoặc nghỉ bù, các khoản thưởng vào dịp lễ, văn hóa sinh hoạt tập thể tại công ty, các khoản trợ cấp. Và đừng quên những yếu tố cực kỳ quan trọng là đặc thù văn hóa của phòng ban làm việc, chính sách đào tạo phát triển cho nhân viên và lộ trình để thăng tiến.

9 điều bạn nên thương lượng trước khi đồng ý nhận việc - Ảnh 1.

Hỏi về chế độ nghỉ phép

Thực sự thì đây là một câu hỏi tưởng như không cần thiết nhưng thực tế thì sẽ rất phiền phức nếu bạn không nắm rõ quy định về việc nghỉ phép ở công ty. Có ngày phép dành cho nhân viên thử việc hay không? Được nghỉ phép tối đa bao nhiêu ngày? Cần phải xin trước bao lâu và nếu xin nghỉ phép nhiều ngày thì cần phải qua những cấp bậc nào? Hạn nghỉ phép còn dư trong năm sẽ được quy đổi ra tiền mặt hay sẽ được cộng dồn vào năm sau?…

Hỏi về các khoản thưởng hiệu quả làm việc

Đây là câu hỏi để chứng minh bạn là người thực sự quan tâm đến công việc và cả thưởng nữa, tất nhiên rồi. Nếu bạn đạt KPI hoặc vượt KPI liên tục trong nhiều tháng thì có được khoản thưởng nào không? Nếu trong quá trình làm việc, bạn được tin tưởng giao kiêm nhiệm vị trí khác thì sẽ được tính phụ cấp như thế nào?…

Hỏi về trợ cấp chỗ ở (nếu bạn phải chuyển chỗ ở để nhận việc)

Rõ ràng đây là một khoản mà về lý thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể không chi trả. Thế nhưng, bạn có thể dò hỏi để xem doanh nghiệp có thực sự có thể hỗ trợ giúp bạn một phần về chi phí chỗ ở hay không hoặc có thể sắp xếp cho bạn một chỗ ở trong thời gian làm việc (nếu làm ngắn hạn) hoặc cho đến khi bạn tìm được chỗ ở phù hợp (trong điều kiện làm việc lâu) hay không.

Hỏi về cơ hội về chương trình giáo dục

Thời đại hiện nay, có không ít người cho rằng bằng cấp không quan trọng. Điều đó không chính xác. Bằng cấp không quyết định nhưng lại rất quan trọng để bạn dễ dàng thăng tiến. Nếu còn dang dở chương trình học, hãy hỏi nhà tuyển dụng xem liệu bạn có thể về sớm hoặc tham gia làm việc dưới hình thức part-time? Nếu bạn có nhu cầu học một khóa học hoặc một chương trình thuộc về chuyên môn thì có thể được tài trợ về học phí hoặc ít nhất là tạo điều kiện về mặt thời gian để sắp xếp công việc hay không? Công ty có thể có các khóa học dành cho nhân viên, nhưng bạn chắc chắn cũng có những lộ trình học tập riêng của mình. Và chắc chắn rằng công ty nào cũng sẽ rất trân trọng những nhân viên cầu tiến, vừa hoàn thành tốt công việc lại vừa có tinh thần ham học hỏi, liên tục nâng cấp trình độ của bản thân.

Những nhân viên khác thường đánh giá như thế nào về công ty?

Đây không giống như là một câu hỏi mà hãy biến nó thành một thắc mắc hết sức ý nhị, mang tính chất vui vẻ để xóa tan không khí căng thẳng trong buổi phỏng vấn. Bạn có thể khéo léo hỏi về các hoạt động tập thể của công ty, về thâm niên trung bình hoặc thâm niên "đáng nể" nhất của nhân viên công ty, thông qua đó dò hỏi được về thái độ cũng như cách đánh giá của người quản lý về nhân viên, của nhân viên đối với công ty của mình.

Hãy yêu cầu hợp thức hóa mọi thỏa thuận bằng văn bản

Sau khi đã thống nhất tất cả mọi điều khoản, bạn nên xác minh lại với nhà tuyển dụng rằng bạn muốn nhận một văn bản chính thức hoặc ít nhất là email như thư mời nhận việc với đầy đủ các điều khoản như đã thỏa thuận. Nếu nhà tuyển dụng từ chối gửi, có thể họ chưa sẵn sàng nhận bạn và bạn cũng nên xem xét lại về mức độ chuyên nghiệp của đơn vị này.

Còn bây giờ, hãy tự tin bước vào cuộc phỏng vấn và thể hiện bạn là một ứng viên bản lĩnh, có năng lực, tinh tế và rất quan tâm đến vị trí làm việc, công ty thôi nào.

(Tham khảo HR Insider)

PV

Cùng chuyên mục
XEM