85% doanh nghiệp Hà Nội quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0

08/04/2017 16:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Khảo sát đại diện 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội...

Có đến 85% đại diện doanh nghiệp tham gia một cuộc khảo sát tại Hà Nội thể hiện sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là kết quả được công bố tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất", do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nhân, chuyên gia và nhà quản lý tại các bộ, ngành.

Khảo sát nói trên được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội. Cụ thể, trong 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm này, có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ... chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tỉm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai.

Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0, 67% doanh nghiệp cho hay, họ không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% doanh nghiệp cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể có tác động to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường toàn cầu, khu vực, trong từng quốc gia, đến từng doanh nghiệp.

Ranh giới giữa các ngành công nghiệp truyền thống, ranh giới giữa các ứng dụng công nghiệp và phi công nghiệp có thể bị xoá nhoà. Không chỉ sản phẩm mà các dịch vụ cũng sẽ được tạo ra hàng loạt bàng phương pháp công nghiệp.

Cuộc toạ đàm, do vậy, “có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, góp phần cung cấp các luận cứ cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với lĩnh vực công nghiệp nói riêng, trước tác động mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Ngô Văn Tuấn nói.

Theo Kiều Linh

Cùng chuyên mục
XEM