80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng

12/03/2019 10:14 AM | Sống

80 giây của Công Phượng trong trận ra mắt Incheon United không phải con số để tức giận hay mỉa mai. Đội bóng Hàn Quốc không có nghĩa vụ phải "chiều chuộng" bất cứ cầu thủ nào. Tự Công Phượng phải cố gắng tìm kiếm chỗ đứng cho mình.

80 giây ngắn ngủi

Trên các trang mạng xã hội, Incheon United thông báo về tình hình chấn thương của đội trưởng Jun Jae Nam. Cầu thủ người Hàn Quốc gặp vấn đề ở cổ sau pha va chạm ngoài ý muốn và phải nghỉ thi đấu vài ngay. Ở phần bình luận, hàng trăm thông điệp thù hận, phẫn nộ xuất hiện.

Những thông điệp ấy được viết bằng tiếng Việt. Đúng, bạn không nhìn nhầm. Cổ động viên Việt Nam đang cầu cho Jun Jae Nam chấn thương càng lâu càng tốt để Công Phượng có cơ hội vào sân.

80 giây là khoảng thời gian từ lúc bảng điện tử được giơ lên, hiện ra con số 23 màu xanh (số áo của Công Phượng) cho đến khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc. Công Phượng chạy khoảng hơn 100 mét, không chạm bóng lần nào, có khi còn chưa đổ mồ hôi. Khán giả tại sân Incheon cũng như tại Việt Nam đã mất cả buổi trưa chỉ để chứng kiến khoảnh khắc này. Khi biết Công Phượng vào sân chỉ để giúp Incheon United kéo dài thời gian, cơn phẫn nộ ập đến. Lớn mạnh và dữ dội hơn cả trận ra quân khi tiền đạo gốc Đô Lương không được vào sân phút nào.

 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 1.

Trong phòng hợp báo, HLV Jorn Andersen lặp lại quan điểm: Công Phượng vẫn cần cải thiện sức chiến đấu, khả năng tranh chấp để thi đấu tốt ở K.League Classic. Ông thầy người Na Uy cũng nói rõ: Sự xuất hiện của Công Phượng có ý nghĩa chiến thuật rõ ràng, vào sân để tăng sức tấn công, khiến Gyeongnam FC không thể đẩy cao đội hình hơn được nữa. Không nhiều người lắng nghe ông. Từ sâu trong tâm, nhiều cổ động viên dành cho ông những lời "nguyền rủa" cay độc nhất.

Công Phượng đến Incheon United không phải để "mài" ghế dự bị. Nhưng HLV Andersen cũng không đến Incheon United để chiều lòng Công Phượng hay giúp một bộ phận khán giả yêu Công Phượng được thoả mãn. Ông được trả lương để giúp Incheon United chiến thắng. Đội bóng Hàn Quốc đã thắng Gyeongnam FC - đương kim á quân với tỉ số 2-1. Incheon United có 4 điểm, đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng, chưa thua trận nào. Đó là điều duy nhất ông Andersen quan tâm.

Người Anh có một ngạn ngữ rất hay khi nói về bóng đá: "Nếu bạn nghe lời cổ động viên, chẳng khác nào bạn đang ngồi chung ghế với họ". Tư duy của một cổ động viên là muốn chứng kiến thần tượng ra sân, còn tư duy của HLV hay quản lý đội bóng là phải đưa ra những quyết định mang lại lợi ích chung cho CLB.

 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 2.

Asian Cup không phải là thước đo

Công Phượng đến Incheon United khi bóng đá Việt Nam có vị thế lớn hơn cách đây 3 năm. U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á, Olympic Việt Nam vào bán kết ASIAD, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup. Vị thế khác, sức hút cũng khác. Truyền thông châu Á dậy sóng vì một "con rồng" đang trỗi dậy.

Có lẽ vì thế, chuyến xuất ngoại lần này của Công Phượng đến Incheon United được chờ đợi hơn. Cầu thủ sinh năm 1995 đá được ở K.League Classic, trở thành bổ sung chất lượng cho đội bóng Hàn Quốc,... là những kịch bản được báo chí "bơm thổi" trong lễ ra mắt của Công Phượng. Dĩ nhiên, Incheon United sẽ không mua một cầu thủ không đủ khả năng chơi ở giải đấu này, nhưng nếu nói Công Phượng đủ sức toả sáng ngay mà chỉ căn cứ vào thành tích ở Asian Cup, e rằng hơi khiên cưỡng.

Asian Cup là sân chơi cấp cao nhất của các đội tuyển quốc gia châu Á, song có đặc thù là giải đấu ngắn ngày, nơi phong độ luôn là yếu tố được đề cao hơn đẳng cấp. Maya Yoshida - thủ quân Nhật Bản từng khoá chặt cả Sergio Aguero, Romelu Lukaku phải rất vất vả mới kèm được Công Phượng, điều đó không có nghĩa Công Phượng hay hơn Yoshida.

 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 3.

Qatar vô địch Asian Cup với những Akram Afif, Almoez Ali là đầu tàu, nhưng ai dám nói Afif, Ali giỏi hơn dàn cầu thủ Nhật Bản, Iran đang thi đấu bên trời Âu.

Tính thời điểm của Asian Cup cũng gần giống World Cup. Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi vĩ đại là thế, nhưng cũng có thành tích ghi bàn khiêm tốn cùng đội tuyển quốc gia khi đá ở sân chơi này. Hay ngược lại, nhiều "hiện tượng" của World Cup thường không toả sáng ở sân chơi CLB, với xấp xỉ 50 trận/ năm và luôn yêu cầu tính ổn định cao. Nói cách khác, chỉ đấu trường dài ngày ở cấp CLB mới là thước đo chính xác cho đẳng cấp và sự bền bỉ của các cầu thủ.

Hãy kiên nhẫn chờ thời!

K.League Classic là giải đấu dài ngày, khác xa Asian Cup. Công Phượng có thể nhỉnh hơn đối thủ nếu Việt Nam đối đầu Hàn Quốc trong một trận cụ thể, nhưng để nói Công Phượng vì lẽ đó mà đá tốt ở K.League Classic thì không.

Vốn dĩ kinh nghiệm thi đấu quốc tế của cầu thủ gốc Đô Lương là rất hạn chế. Lần xuất ngoại gần nhất, Công Phượng dự bị dài hạn ở Mito Hollyhock - đội bóng hạng trung tại giải... hạng hai Nhật Bản. Ở V-.eague, Công Phượng đá 3 năm không để lại dấu ấn. Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam cũng chỉ chứng kiến Công Phượng xuất hiện trong hạng mục Cầu thủ được yêu thích nhất. Thậm chí, Công Phượng còn chưa có danh hiệu chính thức cấp CLB nào.

 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 4.
 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 5.
 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 6.
 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 7.
 80 giây của Công Phượng và triết lý: Quả ngọt nào cũng cần thời gian để vun trồng  - Ảnh 8.

Hành trang khiêm tốn như thế, một kỳ Asian Cup toả sáng với vỏn vẹn 2 tháng chưa, và không bao giờ là lý do để Công Phượng đá chính. HLV Andersen từng đưa một Mainz 05 non trẻ trở lại giải vô địch quốc gia Đức, nên ông hiểu rõ các cầu thủ trẻ cần gì. Họ cần được thi đấu, nhưng trước hết, phải là sự nhẫn nại để trân trọng từng thời cơ.

Dục tốc bất đạt. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều thế hệ cầu thủ rơi vào quên lãng vì bị "chín ép" hay thổi phồng quá mức. Incheon United không phải HAGL, một bước đẩy cả lứa cầu thủ lên chơi V-League để rồi thất bại. Đội bóng này phát triển Công Phượng theo cách thức bài bản nhất, giống như mọi đội bóng hiện đại đang làm. Cầu thủ trẻ cần "cây gậy", chứ không phải "củ cà rốt".

Công Phượng vừa lập cú đúp trong trận giao hữu của Incheon United, và những lời yêu cầu để Công Phượng thi đấu vì thế mà sôi nổi hơn. Chiến lược gia người Na Uy thấy rõ sự sốt ruột của học trò. Càng dự bị, Công Phượng càng quyết tâm hơn, và Incheon United hay chính khán giả sẽ là người hưởng lợi từ điều đó. Một trong những phương pháp căn bản để thúc đẩy cầu thủ là "khích tướng". 80 giây có mặt trên sân của Công Phượng, dẫu ngắn ngủi, nhưng sẽ là động lực vô giá để tiền đạo này tiếp tục cố gắng.

"Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn và muốn được ra sân nhiều hơn". Phải giữ khát khao đó, Công Phượng ạ.

Theo Nam Nguyễn - Giang Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM