7 quan điểm tiền bạc 'kỳ lạ' giúp một người đàn ông nghỉ hưu sớm trở thành triệu phú

21/08/2022 09:35 AM | Kinh doanh

Steve Adcock xây dựng tài sản theo cách cũ, đó là bằng cách chăm chỉ làm một công việc giờ hành chính bình thường và thực hiện các quyết định tài chính chiến lược mà nhiều người có thể không đồng tình.

Steve Adcock là một chuyên gia tài chính chuyên viết blog về cách đạt được sự độc lập về tài chính. Từng là một lập trình viên phần mềm, Steve đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 35. Vào thời điểm đó, anh tiết kiệm được 900.000 USD và trong vòng vài năm sau đó, anh tích luỹ được khối tài sản ròng trị giá 1 triệu USD. 

Yếu tố quan trọng dẫn tới thành công của Steve không phải là lời khuyên mà anh nhận được, mà là những thứ anh đã bỏ qua. “Tôi xây dựng tài sản theo cách cũ, đó là bằng cách chăm chỉ làm một công việc giờ hành chính bình thường và thực hiện các quyết định tài chính chiến lược mà nhiều người có thể không đồng tình”, Steve nói.

7 quan điểm tiền bạc 'kỳ lạ' giúp một người đàn ông nghỉ hưu sớm trở thành triệu phú - Ảnh 1.

Steve Adcock và vợ. Ảnh: NVCC.

Dưới đây là 7 quan điểm tiền bạc không phổ biến đã giúp Steve nghỉ hưu sớm với tư cách là một triệu phú.

Trung thành với một công ty sẽ khiến bạn nghèo đi

Không chuyển việc thường xuyên đồng nghĩa bạn không tận dụng được cơ hội và quyền lợi của mình để kiếm thêm tiền. Tìm kiếm vị trí mới ở một công ty khác là một trong những cách tốt nhất để bạn được tăng lương đáng kể, theo Steve.

Steve, hiện 41 tuổi, cho biết anh đã chuyển việc 5 lần trong suốt 14 năm sự nghiệp và lương của anh tăng 15 – 20% mỗi lần chuyển việc. Rõ ràng, con số này cao hơn nhiều tỷ lệ lạm phát.

Hầu hết triệu phú đều là tự thân

Một báo cáo của công ty nghiên cứu Ramsey Solutions được công bố trong năm 2022 cho thấy 74% thế hệ millennials (người sinh ra trong khoảng thời gian 1981 – 1996) tin rằng các triệu phú đều là người thừa kế. Hơn 50% thế hệ baby boomers (người sinh ra trong khoảng thời gian 1946 – 1964) cũng có suy nghĩ tương tự.

Tuy nhiên, Steve cho biết nhiều triệu phú mà anh biết đều tự mình xây dựng nên khối tài sản của họ. Chính điều này đã mang lại động lực lớn hơn cho anh.

Trên thực tế, trong 10.000 triệu phú mà Ramsey Solutions khảo sát, 79% người không nhận được bất kỳ tài sản thừa kế nào. Thay vào đó, hầu hết đều trở nên giàu có nhờ phương châm “đầu tư nhất quán, tránh vay nợ và chi tiêu thông minh”.

Người bạn đời có thể gây tổn hại đến tài chính của bạn

Theo Steve, nhiều người bạn của anh kết hôn khi còn khá trẻ, chủ yếu ở 20 – 25 tuổi. Và hiện nay, một vấn đề lớn dẫn tới sự căng thẳng quan hệ của nhiều cặp đôi trong đó đều liên quan đến tiền bạc, như thói quen chi tiêu trái ngược hoặc không muốn thảo luận về tiền bạc.

“Tôi chọn chờ đợi cho tới khi tôi tìm được một người có cùng quan điểm về tài chính và đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời tôi”, Steve chia sẻ. Có cùng nền tảng về tài chính với người bạn đời có thể không phải là ưu tiên đối với hầu hết mọi người, nhưng với Steve, đó là ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, anh có một người vợ rất ủng hộ anh trong việc đầu tư cũng như duy trì cách sống đạm bạc.

Không cần phải làm thêm 24/7

Có thể bạn nghĩ rằng làm thêm sẽ khiến bạn giàu nhanh hơn, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc bạn có ít thời gian hơn để chăm sóc bản thân. Và không có số tiền nào đáng để bạn bỏ qua sức khoẻ thể chất và tinh thần của mình, Steve chia sẻ.

Để gia tăng tài sản cho bản thân, bạn không cần phải luôn di chuyển, sản xuất và làm việc. “Hãy ưu tiên những việc như ngủ, tập thể dục và chế độ ăn uống hợp lý để bạn có cơ hội nạp năng lượng cho ngày hôm sau”, Steve cho hay. Anh cho biết luôn đặt sức khoẻ lên hàng đầu và nhờ đó, anh cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng, làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn rất nhiều.

Lớn lên trong nghèo khó không có nghĩa là không thể làm giàu

“Tôi xuất thân từ một gia đình có thu nhập rất thấp. Ông tôi là mục sư và hầu như không có đủ tài chính cho gia đình vì ông không giỏi dùng tiền của mình. Bố tôi cũng áp dụng những thói quen đó và sống phần lớn những năm đầu đời của mình bằng đồng lương ít ỏi. May mắn thay, ông ấy đã nhận ra thói quen xấu của cha mình và thay đổi cách sống về cuối đời”, Steve nói.

Anh cho biết cha đã dạy cho anh giá trị của việc tiết kiệm và đầu tư. “Ông nói với tôi nợ thẻ tín dụng sẽ huỷ hoại sự ổn định tài chính của ông, giống như những gì ông đã trải qua. Tôi học được rằng ngay cả khi không có mức lượng 6 con số, bạn vẫn có thể trở nên giàu có”, Steve chia sẻ.

Bằng cấp danh giá không đảm bảo cho sự giàu có

Mặc dù bằng cấp có thể là bước đầu giúp bạn đạt được mục tiêu, nhưng việc bạn làm gì sau khi tốt nghiệp mới tạo nên sự khác biệt thực sự. Steve xây dựng một quỹ khẩn cấp và đầu tư ít nhất 10% thu nhập từ rất sớm. Trong những năm qua, điều đó giúp anh có một cuộc sống nghỉ hưu thoải mái.

“Lời khuyên tốt nhất của tôi là tìm kiếm các lựa chọn ít tốn kém hơn, ví dụ tham gia một chương trình học tuyệt vời tại trường đại học ở ngay địa phương của bạn với mức học phí cho người cư trú trong tiểu bang. Sau đó, hãy tận dụng mạng lưới cựu sinh viên và tìm kiếm cơ hội việc làm từ đó”, Steve cho hay.

Đam mê sẽ không giúp bạn trang trải cuộc sống

Những người nổi tiếng và giàu có thường sẽ nói với bạn rằng họ đạt được thành công nhờ theo đuổi đam mê của mình. Nhưng điều đó không hiệu quả với tất cả.

Với phần lớn mọi người, việc kiếm sống bằng các điểm mạnh của mình dễ dàng hơn bằng niềm đam mê. Niềm đam mê của chúng ta có xu hướng mang tính sáng tạo hơn và để kiếm được một công việc lương cao trong lĩnh vực sáng tạo thường khá khó khăn.

“Sở thích của tôi là nhiếp ảnh, nhưng tôi đã chọn làm trong ngành lập trình phần mềm vì đó là thứ tôi giỏi. Mức lương của hai công việc này cũng chênh lệch nhau đáng kể. Hiện tại, là một người nghỉ hưu sớm, tôi thực sự có thể tận hưởng và dành nhiều thời gian hơn cho những đam mê của mình”, Steve nói.

Thanh Lam

Cùng chuyên mục
XEM