7 'chìa khóa' giúp tháo gỡ bế tắc thương mại Mỹ - Trung

10/01/2019 13:56 PM | Xã hội

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 7/1 với hy vọng hai quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận trước khi lệnh đình chiến thương mại 90 ngày kết thúc.

Các cuộc đàm phán ở cấp trung có thể không mang lại kết quả đột phá nào nhưng áp lực cho cả Mỹ và Trung Quốc đều lớn. Ngoài vòng đàm phán trong tuần này, các quan chức cấp cao hơn của hai bên dự kiến tiếp tục thảo luận vào cuối tháng này. Theo trang South China Morning Post, Tổng thống Donald Trump có thể gặp mặt Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019.

Bloomberg cho rằng, để tháo gỡ được bế tắc thương mại, Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết được 7 vấn đề lớn.

Sở hữu trí tuệ

Ăn cắp sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề nhức nhối nhất, có thể tạo nên nhưng cũng có thể phá đi bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước. Thật không may, Mỹ từng cáo buộc rằng Trung Quốc ép doanh nghiệp của nước này phải chia sẻ các công nghệ nhạy cảm.

Các vòng đàm phán sẽ tập trung vào việc thay đổi cơ cấu, mà trong đó Trung Quốc phải giải quyết được vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, trộm cắp thông tin trên mạng,…, theo tuyên bố từ phía Mỹ sau cuộc gặp của ông Trump và ông Tập tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua.

Mới đây, Trung Quốc ban hành loạt quy định nhằm hạn chế doanh nghiệp vay vốn và được chính phủ hỗ trợ trong vấn đề ăn cắp sở hữu trí tuệ. Nước này cũng đang soạn thảo bộ luật nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giao công nghệ một cách ép buộc.

7 chìa khóa giúp tháo gỡ bế tắc thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tại Trung Quốc, công nghệ là lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Nguồn: Bloomberg.


Huawei và 5G

Huawei Technologies, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, lâu nay vẫn phủ nhận cáo buộc của Mỹ và đồng minh về việc công ty này tạo điều kiện cho các hoạt động gián điệp do chính phủ chỉ đạo. Kết quả, Mỹ cấm chính phủ Mỹ các nhà thầu cung cấp dịch vụ cho chính phủ sử dụng công nghệ và thiết bị của Huawei, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác làm điều tương tự.

Huawei đang chay đua với các đối thủ để triển khai công nghệ 5G và hiện sở hữu 1/10 số bằng sáng chế cần thiết trên toàn thế giới. Với động thái trên của Mỹ, một trong ba giám đốc điều hành của Huawei, ông Eric Xu cho rằng Mỹ khó có thể thắng trong cuộc đua 5G nếu thiếu Huawei. “Là nhà lãnh đạo trong công nghệ 5G nhưng Huawei không có cơ hội phục vụ người dùng Mỹ các giải pháp và dịch vụ 5G. Mỹ là thị trường không có sự cạnh tranh đầy đủ khi tiếp tục ngăn cản những người chơi đi đầu tham gia. Hiện tại, tôi không chắc liệu họ có thể thực hiện mục tiêu trở thành số 1 thế giới về 5G không”.

Ngoài ra, vụ bắt giám đốc tài chính Wanzhou Meng của Huawei tại Canada theo yêu cầu của Mỹ do bị tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Trung Quốc yêu cầu hai nước ngay lập tức trả tự do cho bà Meng.

Chiến dịch “Made in China 2025”

Chiến dịch “Made in China 2025” nhằm biến Trung Quốc trở thành nước đi đầu thế giới về sản xuất công nghệ cao, nhằm vào 10 lĩnh vực mới nổi như robot, phương tiện sử dụng năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Kế hoạch tham vọng này của Trung Quốc khiến Nhà Trắng chú ý và lên tiếng chỉ trích rằng những động thái can thiệp của chính phủ Trung Quốc đã vi phạm luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới và có thể dẫn tới sự cạnh tranh không công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch “Made in China 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được xem là một mối đe dọa lớn khác đối với Mỹ, buộc ông Trump phải mạnh tay áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc xem kế hoạch này là điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tháng 12/2018, một số nguồn tin thân cận cho biết Bắc Kinh sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch, có thể hoãn một số mục tiêu khoảng 10 năm, nếu điều đó giúp kết thúc chiến tranh thương mại với Mỹ.

7 chìa khóa giúp tháo gỡ bế tắc thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Nếu không có chiến tranh thương mại, Mỹ - Trung đáng lẽ đã có một sự hợp tác "ngọt ngào" trong ngành năng lượng. Nguồn: Reuters.


Năng lượng

Căng thẳng thương mại được xem là trở ngại cho một thỏa thuận “ngọt ngào” đáng lẽ đã tồn tại giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới. Mỹ đang dần trở thành nước xuất khẩu dầu và khí tự nhiên lớn của thế giới trong khi Trung Quốc lâu nay vẫn là nước tiêu thụ lớn nhất hai mặt hàng này.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của nước này giữ ở mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày trong tuần cuối cùng của năm 2018. Theo đó, Mỹ vượt qua Nga và Arab Saudi trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Forbes cũng dẫn số liệu cho biết, trong cùng kỳ, sản lượng khí tự nhiên của Mỹ vượt 5 tỷ m3/ngày lần đầu tiên trong lịch sử.

Việc Trung Quốc gỡ thuế trả đũa lên khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ có thể giúp phục hồi hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, lo ngại lớn hơn trong dài hạn đối với ngành năng lượng là liệu doanh nghiệp Trung Quốc có đủ lòng tin để rót hàng tỷ USD vào các dự án khí hóa lỏng của Mỹ trong tương lai.

Nhập khẩu nông sản

Giới đầu tư sẽ theo dõi xem liệu Trung Quốc có bỏ thuế trả đũa đối với nông sản Mỹ, như đậu tương, bông, ngô, lúa miến và thịt heo, hay không. Đây đều là những ngành nông nghiệp trong tâm của Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể gỡ bỏ thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp đối với ngũ cốc sấy khô của Mỹ và cho phép nhập khẩu sữa từ nước này.

Ngược lại, nếu đàm phán lần này thất bại, Bắc Kinh có thể sẽ hủy đơn hàng mua đậu tương gần đây với Washington.

Thuế ôtô

Trung Quốc tạm thời bỏ lệnh áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 1/1 sau khi hai bên đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày. Trước đó, thuế trả đũa này của Bắc Kinh gây thiệt hại lớn cho tất cả hãng ôtô Mỹ đang bán hàng tại thị trường này, từ Tesla, BMW tới Daimler. Trong đó, doanh số bán hàng của Daimler giảm liên tiếp trong 6 tháng tính đến tháng 11/2018.

7 chìa khóa giúp tháo gỡ bế tắc thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Ngành sản xuất ôtô của Mỹ sẽ phục hồi nếu kết thúc được chiến tranh thương mại. Nguồn: Bloomberg.


Mức độ tiếp cận của các ngân hàng

Trung Quốc cam kết sẽ tăng mức độ tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp tài chính nước ngoài. Tháng 11, UBS là tổ chức đầu tiên nắm quyền kiểm soát một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc. Trong khi đó, JPMorgan và Nomura vẫn đang đợi phê duyệt về thương vụ mua 51% cổ phần tại một liên doanh khác.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết sẽ tăng dần mức độ tiếp cận thị trường cho giới đầu tư nước ngoài. Theo tính toán của Bloomberg Economics, các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể kiếm hơn 32 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 từ thị trường Trung Quốc.

Theo Phan Vũ

Cùng chuyên mục
XEM