6 sai lầm những CEO mới hay mắc phải

23/12/2019 11:02 AM | Kinh doanh

CEO là một vị trí mà nhiều người mơ ước, đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên môn, khả năng cạnh tranh và thực hiện nhiệm vụ xuất sắc. Tuy nhiên những kỹ năng bạn từng có chưa chắc đã có lợi cho vị trí mới của bạn.

Một người lãnh đạo cần tập trung vào tinh thần đồng đội, hợp tác và thúc đấy người khác thay vì chỉ dựa vào các kỹ năng cá nhân. Dưới đây là 6 sai lầm phổ biến mà những giám đốc điều hành mới thường hay mắc phải. Nếu bạn muốn là một CEO thành công, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ tránh được những lỗi sai cơ bản này.

1. Nói quá nhiều

Khi bạn trong giai đoạn thăng cấp, bạn cần phải chiến đấu để giành được vị trí mơ ước và cần mọi người lắng nghe mình. Bạn cần cơ hội để ý kiến của mình được chú ý đến. Nhưng với tư cách là CEO, bạn không còn cần phải chiến đấu để đưa ý tưởng của mình vào cuộc trò chuyện nữa.

Là một Giám đốc Điều hành, bạn nên bắt đầu lắng nghe nhiều hơn là nói. Tạo không gian và thời gian để những người khác trong nhóm của bạn có cơ hội chia sẻ ý tưởng của họ. Đừng xen vào lúc mọi người đưa ra ý kiến và đừng là người đầu tiên đưa ra nhận xét.

2. Quá cầu toàn và để ý đến những chi tiết nhỏ

Rất nhiều CEO về lĩnh vực kĩ thuật và khoa học có đặc điểm này. Họ đã cực kỳ thành công vì họ giỏi về chuyên môn đồng thời là những người thông minh và giàu kinh nghiệm nhất trong công ty. Và trên thực tế, họ biết cách làm việc tốt hơn bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, với tư cách là CEO, nếu bạn nói chi tiết cho mọi người biết phải làm gì và làm như thế nào, bạn sẽ tạo ra một nhóm người chỉ biết gật đầu đồng ý và làm theo yêu cầu của bạn.

Thay vì đưa ra các hướng dẫn chi tiết, hãy tập trung vào việc làm rõ các mục tiêu cuối cùng của bạn cũng như tại sao các mục tiêu đó lại quan trọng. Nếu có thể thì hãy gợi ý những chỉ dẫn chính cũng như đưa ra những ranh giới nào mà họ cần phải tuân theo. Hãy để nhóm của bạn tự tìm ra cách họ muốn thực hiện và chỉ giúp đỡ họ nếu họ yêu cầu và thực sự cần nó.

3. Từ bỏ việc đưa ra ý tưởng

Khi bạn chỉ là một thành viên bình thường của nhóm, việc đưa ra các ý tưởng sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc. Đó là một phần của quá trình tư duy động não và sáng tạo. Nhưng khi bạn là Giám đốc Điều hành, ngay cả một ý tưởng ngoài lề cũng có thể được xem như một mệnh lệnh.

Đừng đánh giá thấp sức mạnh và ảnh hưởng của bạn trong vai trò CEO. Tránh đưa ra những ý tưởng mà bạn không có ý định thực sự muốn thực hiện chúng. Thay vì đưa ra các ý tưởng, hãy tập trung vào việc đặt câu hỏi để khiến nhóm của bạn suy nghĩ về các ý kiến và giải pháp thay thế khác.

4. Là người thông minh nhất

Khi bạn đang cố gắng tạo dấu ấn của mình, bạn cần chứng minh bản thân mình với người khác. Thể hiện khả năng và kiến thức của bạn là chìa khóa để thăng tiến. Tuy nhiên, một khi bạn ở trên đỉnh cao, nếu bạn tiếp tục phô bày nó, bạn sẽ chỉ được xem như một gã biết tuốt. Thay vào đó, hãy nhường sân khấu cho người khác để làm nổi bật chuyên môn và đóng góp của họ.

5. Cố gắng để giành chiến thắng

Khi đang phấn đấu, việc tham gia vào các cuộc tranh luận, tạo ra sự ảnh hưởng và hướng người khác đi theo ý bạn là những kỹ năng quan trọng để thành công. 

Tuy nhiên giờ không phải lúc bạn làm như vậy. Thay vì cố gắng giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận và thuyết phục mọi người thực hiện theo cách của bạn, hãy tập trung vào việc làm nổi bật và hỗ trợ ý tưởng của người khác mà bạn thấy có giá trị hoặc đáng để thử nghiệm.

6. Quá bận rộn

Bận rộn không phải lúc nào cũng là dấu hiệu tốt. Một khi bạn trở thành CEO mà lại quá bận rộn,  bạn sẽ thấy áp lực và quá tải. Bạn sẽ rơi vào trạng thái chỉ để ý đến các chi tiết nhỏ mà không nhìn ra được kế hoạch lớn hơn. Điều đó dẫn đến việc nhân viên của bạn không được chỉ dẫn rõ ràng và không biết được họ cần tập trung vào những công việc gì

Khi bước lên một vị trí cao hơn, có rất nhiều điều mới cần phải học. Đừng phạm sai lầm khi nghĩ rằng những gì đã từng đưa bạn lên đỉnh cao sẽ tiếp tục có ích cho bạn.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
XEM