6 nhược điểm đáng ngạc nhiên của những con người cực kỳ thông minh

25/07/2016 20:44 PM | Kinh doanh

Bạn có thể ước ao rằng giá mà mình có thêm vài điểm IQ nữa thì cuộc sống sẽ đơn giản hơn, hạnh phúc hay thậm chí thỏa mãn hơn biết bao nhiêu.

Mọi thứ không dễ dàng như vậy, bởi trong một khảo sát trên Quora với tiêu đề "Khi nào thì trí thông minh trở thành một lời nguyền?" đã đưa lại được hơn 100 câu trả lời về mọi điều từ những kỳ vọng cao tới mức vô lý mà mọi người áp đặt lên họ cho đến những rắc rối khi những người thông minh thường bị gắn mác "khoe khoang".

1. Những người thông minh thường suy nghĩ nhiều hơn cảm nhận

Đây là một vấn đề thường gặp ở những người thông minh, nhất là những người giỏi ăn nói. Đối với những con người bình thường, khi muốn giải tỏa một niềm vui thì họ hét lên, đấm đá, nhảy múa... còn những người thông minh quá lại ...giải thích.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc cao sẽ bù trừ cho khả năng nhận thức thấp, ít nhất là tại nơi làm việc. Hay nói cách khác, có vẻ như những con người cực kỳ thông minh không cần dựa nhiều vào các kỹ năng cảm xúc để xử trí các vấn đề.

2. Ai cũng mong đợi họ sẽ là những người thể hiện tốt nhất

"Bạn sẽ tự động được cho là sẽ làm tốt nhất, dù có như thế nào đi nữa, bạn sẽ không có ai để than phiền về những điểm yếu hay sự thiếu tự tin của mình". Một người trả lời cho hay.

Thêm vào đó, bạn sẽ bị hoảng loạn về việc điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không đạt được kỳ vọng cao ngất ngưởng của mọi người.

Điều này làm những con người thông minh đôi khi không dám mạo hiểm vì sợ thất bại có thể đến. Mà đôi khi nó có thể dẫn đến việc họ quá tập trung vào những gì họ làm thay vì bản chất của chính con người họ.

3. Họ có thể sẽ tự đánh mất khả năng phấn đấu của bản thân

Những con người thông minh có thể cảm thấy mình làm công việc này đơn giản hơn những người khác. Nhưng một chỉ số IQ cao không dẫn trực tiếp tới thành công, và những con người có trí tuệ cao đó có thể không bao giờ phát triển cho mình một sự kiên trì bền bỉ cần thiết để thành đạt.

Trí thông minh có thể sẽ trở thành gánh nặng cho những người từ bé đã tự khám phá ra mình là người thông minh từ đó mất đi sự cần cù và nỗ lực để phấn đấu, do vậy họ sẽ không bao giờ có một thái độ làm việc đúng đắn.

4. Mọi người có thể khó chịu khi họ cứ sửa sai những lỗi nhỏ nhặt trong những cuộc nói chuyện bình thường

Khi bạn biết một người nào đó vừa nói một thứ hoàn toàn không chính xác, thật khó để kiềm chế bản thân không sửa cái lỗi sai đó luôn.

Nhưng bạn phải cực kỳ nhạy cảm để biết rằng điều đó có thể khiến người bị sửa xấu hổ hay bị xúc phạm bởi lời nói của bạn, nguy cơ cao là bạn có thể mất đi một vài cái nhìn thiện cảm.

5. Những người thông minh thường suy nghĩ quá trớn

Cụ thể hơn là những con người này sẽ dành quá nhiều thời gian cho việc suy ngẫm và phân tích một vấn đề.

Họ có thể rơi vào một vòng luẩn quẩn khi cố tìm ra mọi ý nghĩa tồn tại của mọi khái niệm hay trải nghiệm. Đến cuối cùng thì không cái gì có ý nghĩa hết cả.

Thật vậy, một nghiên cứu trải rộng được công bố vào 2015 tìm ra rằng trí thông minh có tỷ lệ thuận với những chứng bệnh lo lắng và trầm tư.

Từ một góc nhìn thực tiễn, tất cả những suy nghĩ dài hơi đó có thể khiến cho một người thông minh không bao giờ đưa ra một quyết định được. Họ sẽ phân tích từng khả năng và đưa ra những phân tích cho hệ quả của những khả năng đó, tuy vậy họ thường hay phân tích quá đà, khiến cho không quyết định nào có thể thỏa đáng.

6. Họ biết giới hạn của mình

Thông minh đến mức nào đi chẳng nữa bạn cũng sẽ không thể biết hay học hết tất cả mọi thứ. Đó là lí do thông minh trở thành lời nguyền khi "Bạn biết càng nhiều, thì bạn càng cảm thấy mình biết ít hơn".

Những quan sát này gợi lại nghiên cứu cổ điển của Justin Kruger và David Dunning. Họ đã tìm ra được rằng những người càng kém thông minh sẽ càng đánh giá cao sự hiểu biết của họ và ngược lại.

Một ví dụ khác được đưa khi nghiên cứu các sinh viên tham gia kì thi LSAT (kì thi đầu vào tại các trường đại học Luật tại Mỹ). Những sinh viên đạt điểm kém nhất thường cho rằng các câu họ trả lời đúng cao hơn điểm thật là 50%. Trong khi những người đạt điểm cao nhất lại cho rằng mình trả lời đúng ít hơn điểm thật.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM