6 món ăn được giới chuyên gia cảnh báo về khả năng tổn thương tim, gan và ung thư cực cao, hầu hết đều quen thuộc trong mâm cơm nhà bạn
Đồ ăn nhiều muối, đồ ăn nhiều đường, thịt đỏ, gạo trắng, thịt qua chế biến... đều là những món ăn quen thuộc của các gia đình nhưng chúng tiềm ẩn nguy cơ ung thư, tiểu đường, bệnh tim, gan rất lớn.
Gần đây, Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc đã công bố "Báo cáo nghiên cứu khoa học về hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc năm 2021", trong đó chỉ ra rằng chế độ ăn uống thiếu cân bằng là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh mãn tính.
Báo cáo cho thấy vấn đề tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu của người dân Trung Quốc đang phổ biến. Việc tiêu thụ đồ uống có đường cũng đang tăng lên qua từng năm.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo , các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên hạn chế 6 món được coi là món ăn dễ gây ung thư và có khả năng làm tổn thương tim, gan:
- Đồ nhiều muối
- Đồ ăn nhiều dầu
- Thịt đỏ
- Các loại ngũ cốc tinh chế
- Các loại thịt đã qua chế biến
- Đồ ăn chứa nhiều đường
Cụ thể như sau:
1. Đồ ăn nhiều muối: Cao huyết áp, đột quỵ, ung thư
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trung Quốc, hiện nay người trưởng thành nước này đang tiêu thụ trung bình 9,4g muối/ngày. Trong khi đó, lượng muối khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ là 5g/ngày.
Đáng nói, chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận.
Nguy hiểm hơn, chế độ ăn thừa muối sẽ phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori. Từ đó, tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Thực phẩm chứa nhiều muối tạo gánh nặng cho hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu
Giải pháp:
Để kiểm soát lượng muối ăn mỗi ngày, các gia đình nên hình thành thói quen ăn nhạt, hạn chế chấm thức phẩm. Nên nhớ rằng, trong nước mắm, xì dầu, dầu hào... cũng chứa lượng muối nhất định vì vậy bạn cũng nên kiểm soát khi ăn.
2. Đồ ăn nhiều dầu: Béo phì , tiểu đường , tai biến mạch máu não
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc khuyến nghị mỗi người chỉ nên tiêu thụ 25-30g dầu ăn mỗi ngày, tuy nhiên, mức tiêu thụ dầu ăn bình quân đầu người hiện nay vẫn còn cao. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa dầu có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não…
Giải pháp:
Thay vì chiên rán, nên sử dụng thay thế bằng các phương pháp hấp, luộc.
3. Thịt đỏ: Ung thư, béo phì
Theo WHO, thịt đỏ là tất cả các loại thịt cơ bắp của động vật có vú, bao gồm thịt bò, thịt bê, thịt lợn, thịt cừu và thịt dê.
Theo tổ chức này, ăn thịt đỏ có liên quan đến bệnh ung thư đại trực tràng . Cũng có bằng chứng chỉ ra mối quan hệ của loại thực phẩm này với bệnh ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, tiêu thụ nhiều thịt đỏ cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiểu đường loại II và béo phì.
Giải pháp:
Dù sao đi nữa, ăn thịt đỏ vẫn đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể vì vậy bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn mà chỉ nên hạn chế ăn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, người lớn khỏe mạnh chỉ nên ăn 300 - 500g thịt đỏ mỗi tuần.
4. Các loại ngũ cốc tinh chế: Béo phì, tim mạch, tiểu đường
Các loại ngũ cốc tinh chế bao gồm bột mì trắng, bánh mì trắng và hoa ngô chiên giòn... So với ngũ cốc nguyên hạt, chúng chứa ít chất xơ và vitamin B hơn, đồng thời làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn, tiêu thụ quá nhiều có thể gây béo phì, tim mạch, tiểu đường...
Giải pháp:
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống của người dân Trung Quốc khuyên bạn nên ăn 250-400 gam ngũ cốc và khoai tây mỗi ngày, trong đó ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mì, hạt kê...) và các loại đậu khác nên chiếm 50-150 gam và khoai tây chiếm 50-100 gam.
5. Sản phẩm thịt đã qua chế biến: Ung thư
Thịt chế biến sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói, hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị thịt hoặc để bảo quản được lâu hơn.
WHO phân loại thịt chế biến sẵn vào nhóm 1 - nghĩa là đã có đầy đủ bằng chứng về việc loại thực phẩm này có khả năng gây ung thư cho con người.
WHO cũng đánh giá ngoài nguy cơ ung thư, thịt chế biến sẵn có khả năng làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim, tiểu đường, hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.
Giải pháp:
Bạn có thể tiêu thụ loại thịt này, nhưng cần hạn chế. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
6. Đồ ăn nhiều đường: Bệnh tim, bệnh gan, ung thư
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người lớn chỉ nên tiêu thụ 25g đường mỗi ngày. Tuy nhiên hiện nay nhiều người đang tiêu thụ vượt quá quy định mà không biết.
Một vài nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên nạp 17% đến 21% lượng calo từ đường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 38%.
Ngoài ra, thói quen ăn quá nhiều đường sẽ gây nhiều áp lực cho gan, dẫn đến gan bị nhiễm mỡ.
Nghiên cứu cũng cho thấy, việc ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư màng phổi và ung thư ruột non.
Giải pháp:
Tốt nhất các gia đình nên hình thành cách ăn "nhạt", ít đường, ít muối. Tránh mua các loại thực phẩm chế biến sẵn vì chúng thường chứa lượng đường lớn.