6 "hố tử thần" nhiều người hay dẫm phải, dẫn đến cuộc đời cứ mãi lận đận không hẹn ngày phú quý
Một người có thể thành công và có địa vị cao đến đâu, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu được chia thành hai loại: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.
Ví dụ, nền tảng gia đình và kinh nghiệm sống đều có thể được quy cho các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, yếu tố bên trong vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến kết quả và tầm cao của cuộc đời chúng ta. Nói trắng ra, tốt hay xấu, là rồng hay là sâu, đều do chính chúng ta quyết định.
Những người thất bại thường có 6 khuyết điểm sau đây, khiến họ không bao giờ tự chủ được vận mệnh của chính mình, tôi hy vọng bài viết này có thể khai sáng cho bạn.
1. Thói quen trì hoãn và tính tự giác kém
Một kế hoạch dù hoàn hảo đến đâu nhưng nếu nó bị trì hoãn và không được thực hiện thì kế hoạch đó cũng chỉ là một kế hoạch tồi và vô dụng mà thôi. Lý do chí mạng nhất khiến một người luôn thất bại trong cuộc sống chính là vì họ có thói quen trì hoãn trong công việc và tính tự giác quá kém.
Điều đáng nói là những việc mà chúng ta thường trì hoãn, về cơ bản đều là những việc nên làm, những việc có ích cho sự phát triển tương lai của chúng ta. Ví dụ, nhiều dân công sở, trong công ty, họ luôn thích giải trí trước rồi mới làm việc. Nhiều người muốn giảm cân và đặt tham vọng cao, nhưng hầu hết thời gian họ chỉ ở trong giai đoạn tưởng tượng, chờ đợi và luôn trì hoãn kế hoạch giảm cân.
Việc nên làm nhưng không làm, chính là một trong những nguyên nhân khiến con người sống cả đời nhưng vẫn không gặt hái được thành tựu gì. Cũng có thể nói là vô kỷ luật.
2. Làm gì cũng chỉ hứng thú lúc đầu, thiếu chuyên chú
Nguyên nhân thứ hai khiến một người không thể giàu, đó là làm việc gì cũng chỉ hứng thú lúc đầu, không thể kiên trì hoành thành bất kỳ một việc nào, thiếu chuyên chú. Có rất nhiều người có tính cách như thế này, khi đưa ra bất kỳ một quyết định nào cũng rất hăng máu, hứng thú tột cùng, nhưng sau đó cũng rất dễ bỏ cuộc.
Nghe người khác nói bán hàng có thể kiếm tiền, đi làm được vài tháng thấy không hợp nên liền bỏ, nghe người khác nói làm chuyển phát nhanh kiếm được nhiều tiền, nên bản thân cũng đi làm theo, cuối cùng lại cũng bỏ, v.v..
Thực ra, việc gì cũng cần có quá trình, bạn muốn có kết quả tốt thì bắt buộc phải vượt qua vài thử thách cam go trong đoạn đường trước đã.
3. Không muốn học hỏi và phát triển
Charlie Munger, đối tác của Warren Buffett đã nói về điều này: "Tôi liên tục nhìn thấy có một số người càng ngày càng sống tốt hơn, họ không phải là người thông minh nhất, thậm chí cũng không phải là người chăm chỉ nhất, nhưng họ đang học, những cỗ máy học, và sau mỗi giấc ngủ mỗi tối, họ lại thông minh hơn một chút so với sáng hôm trước."
Lý do thứ ba khiến một người mãi không thành công đó là không chịu học hỏi và bồi dưỡng bản thân. Nếu không phát triển thì làm gì có cơ hội thăng chức, tăng lương, khi khủng hoảng đến thì càng dễ trở thành nạn nhân, không có cách nào chống trả. Mặt khác, những người không ngừng hoàn thiện bản thân và phát triển trong môi trường làm việc thường có thể tiến xa, vươn cao, gặt hái được nhiều thành công hơn.
4. Luôn bao biện, không muốn tìm nguyên nhân từ chính mình
Lý do thứ tư khiến một người luôn thất bại, đó là khi gặp vấn đề, họ thường tìm nhiều lý do để biện minh cho bản thân, thay vì tự suy xét và tìm lỗi sai từ chính mình.
Thấy người khác thành công hơn mình, họ không nghĩ tại sao lại như vậy, mà cố chấp cho rằng nguyên nhân khiến người khác giỏi đó là do họ may mắn hoặc do có mối quan hệ hậu thuẫn. Nói chung, họ không muốn thừa nhận người khác giỏi.
Trong công việc, khi gặp vấn đề, liệu bạn có thói quen trốn tránh đổ lỗi, tìm đủ mọi cách để ngụy biện cho bản thân, thay vì dũng cảm đối mặt với vấn đề không? Nếu có hãy ý thức và sửa ngay, vì nếu không bạn sẽ trở nên mù quáng, hẹp hòi, bướng bỉnh, cực đoan, khó có thể phát triển được. Đồng thời, mối quan hệ giữa các cá nhân cũng sẽ theo đó mà tụt dốc không phanh.
Những người ưu tú hiếm khi viện cớ để biện minh cho bản thân, họ thường sẵn sàng suy ngẫm về vấn đề của bản thân, và tìm cách để trở nên tốt hơn.
5. Tự ti, tự hạn chế bản thân
Lý do tại sao một số người mãi không thành công, thường là vì họ không tự tin vào bản thân, họ cho rằng cả đời họ định sẵn là vậy rồi. Đồng thời, cũng vì tâm lý này mà họ trở nên thiếu quyết đoán, kém cỏi, hèn nhát và sợ hãi.
Trên thực tế, tiềm năng của một người là rất lớn, chỉ là bạn chưa khai thác được mà thôi. Nhiều khi, không phải là do bạn không làm được, mà là bạn đã chọn không bắt đầu làm nó, bạn đã không thúc đẩy bản thân và không cho mình cơ hội.
Tôi tin rằng dù xuất phát điểm của bạn như thế nào, chỉ cần bạn không tự ti, không từ bỏ bản thân, làm việc chăm chỉ hơn và dám hành động, thì bạn nhất định sẽ có một cuộc sống tốt hơn hiện tại rất nhiều.
6. Kiểm soát cảm xúc kém, EQ thấp
Nguyên nhân cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là kiểm soát cảm xúc kém. Nhiều khi, một người có năng lực tốt, lý lịch cũng tốt, điều kiện mọi mặt chẳng thua kém gì, nhưng họ lại luôn gặp khó khăn không thể bứt phá, chưa tạo dựng được tên tuổi, nguyên nhân chính là do trí tuệ cảm xúc quá thấp.
Những người có trí tuệ cảm xúc thấp thường không giỏi giao tiếp. Có hai lý do phổ biến khiến một người không giỏi ăn nói: một là không biết nói, hai là mất kiểm soát cảm xúc, nói bừa bãi.
Tôi không khuyên bạn nên học quá nhiều về các kỹ năng làm thế nào để giao tiếp. Nhưng tôi hy vọng rằng, bạn có thể dành phần lớn sức lực và thời gian của mình ra để tu dưỡng nội tâm. Vì một khi nội tâm được tu dưỡng đúng cách, bạn sẽ có thể nhận thức được những cảm xúc của mình, nhất là các cảm xúc tiêu cực, từ đó kiểm soát tốt chúng. Đồng thời, trí tuệ cảm xúc của bạn cũng sẽ được nâng cao rất nhiều, khi giao tiếp không nhất thiết là phải biết nói nhiều, mà quan trọng là nên nói khi cần nói, và lắng nghe khi cần nghe.
Đừng để tâm trạng tồi tệ của bạn làm hỏng mọi nỗ lực của bạn, nó thật sự chẳng đáng chút nào.