6 điểm nhấn lớn trong nhiệm vụ xử lý sở hữu chéo giai đoạn 2016-2020

02/08/2017 11:38 AM | Kinh tế vĩ mô

Với lộ trình tái cơ cấu giai đoạn II kéo dài từ 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra với hệ thống ngân hàng bên cạnh việc tiếp tục xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và quản trị ngân hàng… thì việc sở hữu chéo kỳ vọng sẽ được xử lý quyết liệt hơn trong năm 2017.

Giữa tháng 7 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc tại NHNN và đưa ra 6 nhiệm vụ yêu cầu NHNN đôn đốc thực hiện toàn diện hơn. Xử lý sở hữu chéo là một trong những nhiệm vụ cấp bách và được nhấn tại hội nghị triển khai Đề án 1058 về tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Tại hội nghị này quan điểm về sở hữu chéo được đề cập khá chi tiết, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố lũng đoạn của cổ đông đích thực và nhóm người liên quan. Để công việc xử lý sở hữu chéo triển khai có hiệu quả, đề án này nêu bật 6 điểm nhấn lớn.

Một, bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung khái niệm "người có liên quan" để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích nhằm xác định được "cổ đông đích thực", "cổ đông hưởng lợi cuối cùng", tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát cổ đông, nhóm cổ đông lớn ở cả hai khâu tiền kiểm (cấp phép, chấp thuận) và hậu kiểm (giám sát).

Ba, những cá nhân có "vết đen" nhân thân khi vi phạm nghiêm trọng quy định về hoạt động ngân hàng sẽ không được phép tham gia quản trị, điều hành hoạt động ngân hàng.

Bốn, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần nhằm đại chúng hóa cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần và hạn chế sự thao túng của các cổ đông theo hướng giảm giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông pháp nhân so với vốn điều lệ và giảm giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông và những người liên quan so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cổ phần.

Năm, nghiên cứu trình Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, phù hợp với cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Đề án 1058 cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải quản lý việc cấp tín dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Về phía Ngân hàng Nhà nước phải tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định: yêu cầu nhà đầu tư, cổ đông chứng minh nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần không phải là vốn vay từ các tổ chức tín dụng; định kỳ công khai thông tin về tình hình tài chính và những người có liên quan, kể cả những người được ủy thác đứng tên mua cổ phiếu.

Tổ công tác cũng nhận xét sau khi NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc sở hữu chéo được kiểm soát tốt hơn nhưng vẫn còn tồn tại từ nhóm ngân hàng lớn đến ngân hàng thương mại quy mô nhỏ.

Ví dụ như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm tỷ lệ sở hữu Ngân hàng TMCP Quân đội từ 9,8% xuống hơn 7,16%; với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam giảm từ 8,2% xuống 8,19%; với Ngân Hàng TMCP Sài Gòn Công Thươn giảm từ 5,26% xuống 4,3%.(trước đó là 5,26%); với Ngân Hàng TMCP Phương Đông OCB tăng từ 4,6% lên 5,07%.

Các ngân hàng lớn khác như ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hiện cũng đều đang sở hữu cổ phần của các TCTD khác.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM