6 bài học về tiền bạc của một phóng viên tài chính

28/02/2022 10:19 AM | Kinh doanh

Alicia Adamczyk là cây viết của CNBC Make It. Trước đây, cô từng phụ trách mảng tài chính cá nhân tại Money Magazine và Lifehacker.

Khi tôi bắt đầu viết về mảng tài chính và sự nghiệp, tôi mới chỉ là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học với hiểu biết sơ sài về thị trường, tín dụng và thế giới tài chính cá nhân. Tôi không biết quỹ chỉ số là gì và suy nghĩ của tôi về lập ngân sách chi tiêu chỉ bó hẹp trong việc hy vọng có đủ tiền trong tài khoản để sử dụng cho đến kỳ lĩnh lương tiếp theo.

Tôi đã phải học hỏi rất nhiều. Và trong 8 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông chuyên nghiệp vừa qua, tôi đã may mắn được nói chuyện với rất nhiều người có những lời khuyên và sự khôn ngoan vô giá. Cũng trong quá trình đó, tôi đã cố gắng để thăng tiến trong sự nghiệp, tích lũy tiền tiết kiệm và xây dựng sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống.

Dưới đây là một số bài học về tiền bạc và sự nghiệp mà tôi đã học được trong suốt gần một thập kỷ qua, những thứ đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất trong cuộc đời tôi. Những lời khuyên này không nhằm mục đích áp đặt hay gì cả. Ngoài ra, việc nó đúng với tôi – một phụ nữ 30 tuổi độc lập về kinh tế - không đồng nghĩa với việc nó cũng sẽ đúng với tất cả mọi người.

Nhưng hy vọng rằng nó có thể mang lại cho bạn một vài mẹo hữu ích, ngay cả khi đó chỉ đơn giản là để tiết kiệm thêm một chút tiền.

6 bài học về tiền bạc của một phóng viên tài chính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nhân vật trong ảnh không phải tác giả bài viết). Ảnh: Istock/Getty Images

Không có gì là miễn phí

Trong cuộc sống, gần như không có gì được cho đi miễn phí. Nếu bạn nhận được một lời hứa hẹn về tiền bạc, danh vọng hoặc một số thứ đáng mơ ước khác, nhưng thứ bạn bỏ ra lại rất nhỏ bé và không tương xứng, vậy thì hãy cẩn thận. Đó có thể là một cơ hội kinh doanh mà người quen của bạn đang thổi phồng quá mức, một dịch vụ hứa hẹn sẽ giúp bạn trả hết nợ hoặc một khoản đầu tư mới sẽ giúp nhân đôi số vốn ban đầu của bạn.

Những kiểu lừa đảo này vẫn còn tồn tại bởi nạn nhân của chúng thường là những người ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương hoặc dễ bị mê hoặc bởi lời hứa chỉ cần bỏ ra cái giá thấp nhất. Nhưng không có cái gì gọi là tiền “giá rẻ”, và cũng không bao giờ có chuyện bạn phải trả ít tiền hơn cho khoản nợ của mình. Rất có thể, những thứ từ trên trời rơi xuống đó sẽ khiến bạn rơi vào tình thế tồi tệ hơn so với lúc bạn bắt đầu.

Yêu cầu những gì bạn muốn

Sẽ thật tuyệt nếu nhà tuyển dụng cấp cho chúng ta ngân sách lớn hơn, một chức danh tốt hơn hoặc những trách nhiệm công việc mà chúng ta khao khát chỉ vì họ ấn tượng với công việc chúng ta đang làm. Nhưng thế giới không vận hành như vậy đối với hầu hết mọi người. Bạn phải yêu cầu những gì bạn muốn.

Một số người sinh ra đã giỏi việc này, nhưng có những người phải mất rất nhiều năm để học được bài học đó. Mỗi lần tôi lấy hết can đảm để yêu cầu những gì tôi muốn - cho dù đó là mức thù lao cao hơn, các điều khoản khác nhau trong hợp đồng lao động của tôi hay thậm chí cho loại cocktail tôi đã đặt thay vì thứ bị giao nhầm - tôi không chỉ biện hộ cho bản thân mình mà còn khiến chính mình trở nên tự tin hơn.

Bắt đầu tiết kiệm

Hãy bắt đầu tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt. Điều này có thể khó khăn, đặc biệt là khi bạn chỉ vừa mới bắt đầu và phải căng mình để làm mọi việc. Nhưng mỗi đồng bạn tiết kiệm hay đầu tư lúc này sẽ thêm một phần đảm bảo cho cuộc sống của bạn những ngày sau.

Đây là mục tiêu mà tôi luôn hướng tới để cải thiện. Mặc dù tôi đã mở tài khoản tiết kiệm tự động, nhưng tôi vẫn cố gắng tiết kiệm thêm ngoài số tiền cố định đó. Luôn có thứ gì đó mà bạn muốn mua, ai đó bạn muốn gặp hoặc một nhà hàng mà bạn muốn tới ăn thử. Nhưng, tích tiểu thành đại!

Hãy bắt đầu ngay hôm nay: dành một vài trăm cho “quỹ đen” của bạn hoặc tăng khoản đóng góp cho quỹ tiết kiệm lúc về hưu. Ở thời điểm này, nó có vẻ không đáng chú ý, thế nhưng bạn sẽ cảm ơn chính mình trong tương lai.

Dành thời gian cho chính mình

Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành báo chí, khi mà văn hóa hối hả buộc mọi người trở nên bận rộn. Làm việc chăm chỉ, mọi lúc, mọi nơi đều được coi là lý tưởng, thậm chí là mệnh lệnh đạo đức. Nếu bạn không khoe khoang về việc bạn luôn bận rộn và ngủ ít như thế nào, thì bạn đã làm sai.

Mọi thứ đã thay đổi một chút trong vài năm qua, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã thổi bay phần nào những lời hùng biện về vấn đề năng suất việc làm. Giờ đây, chúng ta đang có một cuộc trò chuyện về những mối quan tâm lớn hơn như tình trạng kiệt sức, những gì chúng ta nợ các nhà tuyển dụng và bản thân.

Tất nhiên, văn hóa hối hả còn lâu mới chết - và khi bạn phải làm hai công việc cùng lúc chỉ để trả tiền thuê nhà, nó có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nhưng bản thân tôi lúc này đã nhận thấy giá trị của việc dành thời gian để làm những gì khiến tôi thực sự cảm thấy hài lòng, thay vì dành nhiều thời gian hơn trên máy tính xách tay của mình. Tôi sẽ đi dạo, nướng bánh, cố gắng ăn một vài loại trái cây và rau xanh mỗi ngày, và dành email để đọc sách hoặc viết thư cho bạn bè.

Điều này tốt cho bạn, đơn giản vì bạn là con người và có thể mở rộng cuộc sống ra bên ngoài công việc của mình. Cân bằng giữa cuộc sống và công việc mang tới những lợi ích bất ngờ cho công việc, các mối quan hệ của bạn hay bất cứ điều gì mà bạn cho là quan trọng.

Sự hoài nghi sẽ không giúp bạn đi xa hơn nữa

Là một người thuộc thế hệ thiên niên kỷ và lại làm công việc viết lách về tài chính, thật thật khó để không trở nên hoài nghi. Sự nghiệp cá nhân nói riêng và nền tài chính của chúng ta nói chung đã bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc Đại suy thoái và đại dịch Covid-19. Trung bình, chúng ta đang kiếm được ít tiền hơn so với bố mẹ mình khi cùng ở độ tuổi này, mặc dù chúng ta được học hành tốt hơn, và chi phí cho mọi thứ - nhà ở, trường học, bảo hiểm y tế - cao hơn rất nhiều. Và tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Đó là tất cả thông tin quan trọng cần có và hy vọng, chúng sẽ được sử dụng để tạo ra sự thay đổi. Nhưng nó cũng có thể khiến nhiều lời khuyên tài chính cá nhân tiêu chuẩn dường như vô nghĩa. Ai quan tâm đến một chức danh công việc tốt hơn giữa đại dịch toàn cầu? Tại sao phải tiết kiệm cho việc nghỉ hưu khi chúng ta sẽ không bao giờ nghỉ hưu?

Tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi đó, dù rằng tôi liên tục nghĩ về chúng. Nhưng tôi biết rằng nếu mình không làm gì khi đối mặt với tất cả những thách thức này thì mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Ít nhất, việc không tiết kiệm cho lúc về hưu chắc chắn sẽ khiến cuộc sống tuổi già của bạn gặp nhiều khó khăn hơn.

Nếu con đường thành công truyền thống không hấp dẫn bạn, điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng bạn nợ chính mình đáp án câu hỏi: làm thế nào để tìm được con đường khác đi tới thành công. Không có mục tiêu phấn đấu là điều vô nghĩa nhất trong cuộc sống.

Gắn bó với những người tin tưởng bạn

Khi tôi còn nhỏ, tôi thường chế giễu lời khuyên từ cha tôi là tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ và kết nối. Tôi từng nghĩ rằng, chắc chắn tôi sẽ không cần phải làm bản thân trở nên nổi bật với mọi người xung quanh. Công việc của tôi sẽ tự nói lên điều đó.

Nói thẳng ra, tôi khi còn trẻ là một kẻ ngu ngốc. Tất nhiên, lời khuyên của tôi không phải là hãy kết bạn với tất cả những người bạn gặp gỡ. Nhưng nếu may mắn, trong quá trình làm việc, bạn sẽ tìm thấy những người tin tưởng vào bạn, công việc và tiềm năng của bạn. Điều này rất hiếm hoi, vì vậy hãy cố gắng làm bạn và duy trì mối quan hệ với những người đó nếu bạn có thể.

Các bạn sẽ không chỉ giúp nhau cùng tiến bộ mà còn có thể tìm thấy nhiều niềm vui hơn, tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn trong công việc của mình.


Theo Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM