5000 người tham gia hội cho người muốn tự tử: Mỗi đối tượng một mục đích, có cả lừa đảo, cổ suý độc hại - chuyên gia tâm lý nói gì?
Đề ra mục đích khá tích cực nhưng những gì ở bên trong hội này lại khiến nhiều người phải lo ngại.
Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh ra trong một gia đình bán cơm tấm có 4 anh em. Năm Nam lớp 6, ba bị bệnh và mất nên chỉ còn mẹ gồng gánh gia đình với những đĩa cơm tấm. Dẫu vậy thanh niên này vẫn có 1 cuộc sống tương đối tốt với công việc ổn định, thậm chí có thể nói là nhiều người phải ghen tị.
Sự suôn sẻ, thuận lợi này phần nào khiến Nam tự cao, làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, ăn chơi cho bằng bạn bằng bè. Nhưng đến 1 thời điểm, anh chàng gặp khủng hoảng nghiêm trọng trong công việc vì cố gắng nhiều nhưng không được công nhận, mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp rơi vào bế tắc. Nam nghỉ việc.
Lúc mới nghỉ, Nam thường nói dối quanh co về chuyện không đi làm khi mẹ và người thân gặng hỏi. Biết không thể cứ giấu mãi chuyện này nên vào ngày 29 Tết 2 năm trước, Nam quyết định chấm dứt mọi chuyện bằng cách tệ nhất: nhảy cầu tự tử. May mắn là khi đứng trước cái chết, mong muốn được sống trỗi dậy, anh chàng quyết định về nhà.
Vài ngày sau, Nam lấy hết can đảm để kể hết mọi chuyện với mẹ, cả nhà cùng khóc và Nam được mọi người tha lỗi, động viên. Đặc biệt hơn, Nam còn thực hiện kế hoạch giúp đỡ những người từng có ý định giống mình bằng cách kể lại câu chuyện của bản thân và đi treo áo phao trên một số cây cầu ở TP.HCM nữa như 1 cách nhắc nhở mọi người. "Giờ nghĩ lại mình thấy thật là xấu hổ, độc ác, sai lầm khi từ bỏ sinh mạng quý giá mà ba mẹ đã sinh ra" - Nam tâm sự.
_______
Thanh Thuỷ là một cô gái từng 2 lần thực hiện kế hoạch tự tử. Lần đầu tiên khi cô bạn mới học xong lớp 9 và thi trượt cấp 3. Thuỷ vô cùng thất vọng về bản thân, cô đi mua thuốc ngủ để uống nhưng lúc chuẩn bị thì bố mẹ về đột ngột nên đã kịp dừng lại. Lần thứ 2 là khi Thuỷ 20 tuổi. Những áp lực về gia đình, bạn bè và cuộc sống ập đến, cô bạn lại có suy nghĩ dại dột và 4 viên thuốc ngủ nhưng may mà không sao.
Sau sự việc, Thuỷ được biết đến podcast của Tun Phạm nhờ chị gái. Những lời động viên, chia sẻ tích cực của TikToker này đã có tác động mạnh mẽ, thay đổi suy nghĩ của cô bạn theo hướng vui vẻ hơn, muốn bản thân phải sống tốt, không chăm chăm vào ý định tự tử như trước đây. Không dừng lại ở đó, Thuỷ đã dùng câu chuyện của mình và suy nghĩ hiện tại để giúp đỡ, lan toả sự tích cực đến những người từng giống mình trước đây.
_______
Trên đây là 2 câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu được trong một group có tên gọi dành cho những người muốn tự tử - đang khiến dân tình chú ý thời gian gần đây.
Theo phần giới thiệu công khai, đây là hội được lập ra vào ngày 4/3, là nơi để người có ý định tự tử tìm đến chia sẻ những lo lắng, bế tắc và giải toả áp lực đang phải đối mặt. Đội ngũ admin (100% là nick clone) còn hứa hẹn sẽ cùng 1 vài thành viên trong group đưa ra lời khuyên, an ủi cũng như giúp những người muốn tự tử "xoa dịu nỗi đau và vững vàng hơn trên con đường của mình". Cùng với đó là luật đăng bài hoạt động trong group cũng nghe rất chuyên nghiệp như: không khuyến khích, ủng hộ, khiêu khích giúp đỡ người khác phạm pháp và tự tử, không comment tiêu cực gây ảnh hưởng đến mọi người, không duyệt những bài viết quảng cáo, spam, tìm kiếm hay giới thiệu việc làm.
Thực tế thì group vận hành mà gần như không có sự quản lý của admin, bất cứ ai cũng có thể đăng bài mà không phải qua kiểm duyệt.
Dễ bắt gặp nhất trong group (chiếm khoảng 70%) là tâm sự về cuộc sống bế tắc như nợ nần chồng chất, gặp biến cố và cảm thấy tiêu cực, đã cố gắng hết mình nhưng công việc không như ý, buồn chuyện tình cảm hôn nhân, không nhận được sự thấu hiểu của gia đình và người thân,... Khoảng 30% bài đăng còn lại là đi tìm cách kết liễu cuộc đời, hỏi mua những thứ có thể gây chết người và 10% còn lại là spam. Phía dưới các bài đăng này có không ít lời động viên nhưng cũng không thiếu loạt bình luận cổ suý, thậm chí là hướng dẫn cách tự tử và (lại) spam quảng cáo, tuyển dụng,... Tương ứng với những nội dung này là những kiểu thành viên như cần được tâm sự hay động viên, muốn tìm cách giải thoát, muốn giúp đỡ người khác, thích hóng hớt hoặc giễu cợt người khác và spam câu tương tác.
Có thể nói rằng lời tự giới thiệu của group với cách hoạt động thực tế hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, admin đưa ra luật mà không có ý định kiểm soát hay tạo ra bất cứ giá trị tích cực nào như tôn chỉ ban đầu. Điều này đã khiến cho một group được lập ra với mục đích tốt đẹp, có ích lại trở thành môi trường toxic bởi với những bài đăng trong group, người đang cảm thấy tiêu cực lại càng tiêu cực, người đang spam vẫn cứ spam,... Tất nhiên cũng có một nhóm nhỏ những người xuất hiện để giúp đỡ người khác như Nam hay Thanh Thuỷ nhưng đôi khi, chính bản thân họ cũng không tránh khỏi cảm giác stress bị lây lan từ nhóm này.
"Có những lúc mình bế tắc, vào nhóm đọc thấy toàn sự tiêu cực là chỉ muốn làm điều không hay liền vì cảm giác có đồng bọn. Ở đây chỉ nên đăng những câu chuyện về người từng tự tử mà đã suy nghĩ lại, tiếp tục sống và thay đổi cuộc đời để người nào đang tiêu cực nhìn vào sẽ có động lực sống tiếp. Vì vậy không chỉ mình mà nhiều bạn đã vượt qua được chuyện cũ vẫn đang cố gắng giúp đỡ người khác" - Nam cho biết.
Tính đến hiện tại, hơn 1 tháng rưỡi trôi qua, hội đã có hơn 5000 thành viên - con số nhiều đến đáng báo động và khiến nhiều người hoang mang. Một điều đáng ngờ khác là sự phát triển của hệ thống "chân rết" từ group này. Không chỉ một mà đã có đến 4 group khác mang tên y hệt, do cùng 1 nhóm admin kể trên tạo ra trong tháng 4 vừa qua. Mục đích chính xác là gì thì chưa ai rõ.
Như đã đề cập ở trên, ngoài những câu chuyện bế tắc, hội này còn xuất hiện vô số hoạt động đáng ngờ khác. Cụ thể ở đây là spam, câu tương tác và tuyển dụng, cho vay tiền,... tức là nhắm vào đối tượng đang nợ nần - lý do khiến nhiều người tìm đến group. Nhưng chẳng cần phải con mắt tinh tường mà chỉ đọc lướt qua thôi cũng thấy có gì đó sai sai, không rõ ràng ở những hoạt động này.
Với tuyển dụng , đó đều là những công việc đi làm ngay hoặc sang nước ngoài, có mức lương hấp dẫn từ 25 - 30 triệu đồng mà không cần bằng cấp và kinh nghiệm (?!). Còn với cho vay tiền thì lại không cần chứng minh tài chính, chỉ cần CMND/ CCCD, rất giống với hình thức cho vay nặng lãi - 1 hoạt động vi phạm pháp luật. Hoá ra ngay cả những người đang đứng bên bờ tuyệt vọng cũng không được buông tha mà lại càng dễ trở thành "con mồi" của kẻ xấu trên MXH .
Cùng lúc đó, chúng tôi cũng tìm cách liên lạc với admin của hội nhóm này và nhận được kết quả khá khó đỡ. Một trong số những tài khoản này đã trả lời vỏn vẹn: "???" rồi biến mất không dấu vết. Và đến ngày 19/4, group bỗng xuất hiện những bài được admin ghim với nội dung hoàn toàn lạc quẻ như kêu gọi các thành viên tham gia group hội chị em độc thân U40 U50 U60 tìm nửa kia, group tử vi,... (?!).
Chia sẻ với chúng tôi về tình trạng những người đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần tham gia group này cũng như sự chăm sóc cần thiết dành cho họ, TS. Trần Thu Hương - giảng viên khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết:
"Người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, căng thẳng về mặt cảm xúc,... với mục đích muốn tìm một ai đó, một nơi nào đó để chia sẻ nên họ mới tìm đến những group cùng chung những người có vấn đề giống như họ. Khi tìm đến đó, họ muốn có sự đồng cảm và chia sẻ. Họ nhận thấy rằng không chỉ mình họ có vấn đề mà có rất nhiều người đang gặp vấn đề giống như họ. Một phần họ cũng có cảm giác an ủi. Trong group như vậy cũng có một số người từng trải qua những vấn đề về tâm lý như vậy và có thể đưa ra lời khuyên, sự trợ giúp người cùng cảnh ngộ với mình.
Còn đối với những người trầm cảm nặng thì không chỉ cần sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý mà còn cần cả những bác sĩ tâm thần, đặc biệt trong những trường hợp phải dùng thuốc, trị liệu tâm lý.
Với những người gặp vấn đề về tâm lý, thời điểm căng thẳng nhất chính là lúc họ yếu đuối nhất. Điều họ cần là sự bao dung, thấu hiểu và những người bên cạnh phải thật sự yêu họ. Và người bên cạnh có mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ người gặp vấn đề về tâm lý thì phải đủ sự nhạy cảm về mặt tâm lý, có nghĩa là phải nhìn nhận ra những tín hiệu. Trước khi họ có ý định tự tử thì họ cũng có những hành vi gọi là mưu toan tự sát. Lúc này người bên cạnh cần có sự nhạy cảm để nhìn ra, nhận thấy và giúp được họ. Rõ ràng khi ở cạnh những người ở trong giai đoạn trầm trọng như thế thì sự để tâm, nhạy cảm của những người bên cạnh phải lên một mức độ rất cao.
Đặc biệt, người bên cạnh hãy cố gắng đối xử bình thường bởi người có vấn đề như thế này thì họ lại không bao giờ mong muốn bị nhìn nhận là 1 người bệnh, họ mong muốn được nhìn nhận một cách bình thường. Vì vậy hãy làm thế nào nói với họ rằng, ai cũng có giai đoạn khó khăn và chúng ta biết họ đang ở trong giai đoạn đó, chúng ta sẽ sẵn sàng đồng hành với họ.
Cái sẵn sàng không chỉ thể hiện ở lời nói mà thể hiện ở việc bạn sẽ dành thời gian cho họ bởi vì những người này rất nhạy cảm, luôn sợ cảm giác bị thương hại. Những người bên cạnh cũng phải cực kỳ thận trọng, đừng để cho họ nhận thấy rằng bạn đang tỏ ra thương hại họ".