5 thương vụ sáp nhập 'bom tấn' của doanh nghiệp Việt 2019

06/12/2019 09:33 AM | Kinh doanh

Thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt năm 2019 chứng kiến nhiều thương vụ đình đám với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

VinMart, VinMart+, VinEco sáp nhập vào Masan

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan công bố thoả thuận về việc hoán đổi cổ phần sở hữu tại Công ty VinCommerce và Công ty VinEco của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Theo đó, hai bên sẽ sáp nhập các công ty này để thành lập một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ. Trong đó, Tập đoàn Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động công ty mới, còn Vingroup đóng vai trò là cổ đông.

Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Việc sáp nhập giữa Vingroup và Masan được đánh giá là thương vụ đình đám bậc nhất thị trường trong năm qua, dựa trên uy tín và quy mô của hai tập đoàn lớn này.

Tuy nhiên, đây không phải là thương vụ sáp nhập lớn duy nhất trong năm qua của các doanh nghiệp Việt. Trước đó, nhiều "cái bắt tay" giữa các "ông lớn" cũng khiến dư luận phải quan tâm.

Thaco bắt tay HAGL

Ngày 1/10, Hoàng Anh Gia Lai thông qua việc thoái số vốn còn lại ở dự án bất động sản tại Myanmar. Bất ngờ là bên nhận chuyển nhượng là Đại Quang Minh, công ty con của Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco).

5 thương vụ sáp nhập bom tấn của doanh nghiệp Việt 2019 - Ảnh 1.

Thaco bắt tay với HAGL. (Ảnh: Vietnambiz)

Sau chuyển nhượng, Thaco của Chủ tịch Trần Bá Dương thông qua Đại Quang Minh sở hữu 100% vốn tại dự án khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar. Việc tiếp quản Hoàng Anh Myanmar nằm một phần trong kế hoạch đầu tư tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng của Thaco vào Hoàng Anh Gia Lai.

Cách đây hơn một năm, ngày 8/8/2018, Thaco và HAGL ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó Thaco đầu tư vào Công ty Nông nghiệp quốc tế HAGL và dự án HAGL tại Myanmar.

Đối với Công ty Nông nghiệp Quốc tế HAGL, Thaco và nhóm cổ đông liên quan đã đầu tư sở hữu 35% cổ phần. Thaco cũng hỗ trợ HAGL về tài chính để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững với tổng số tiền dự kiến lên đến hơn 22.000 tỷ đồng gần 1 tỷ USD.

Tại thời điểm đó, cú bắt tay giữa Thaco và HAGL là thương vụ hợp tác lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam đối với hai doanh nghiệp trong nước.

Gelex thâu tóm Viglacera

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng chính thức mua lại cổ phần của Viglacera vào tháng 4/2019. Theo đó, ngày 19/4/2019, Gelex mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.

5 thương vụ sáp nhập bom tấn của doanh nghiệp Việt 2019 - Ảnh 2.

Trụ sở Viglacera tại Hà Nội. (Ảnh: Baodautu)

Đến tháng 10/2019, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, công ty con do Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera. Sau giao dịch, thông qua công ty con, Gelex đã tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.

Vinamilk mua GTNfoods

5 thương vụ sáp nhập bom tấn của doanh nghiệp Việt 2019 - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Tháng 3/ 2019, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức chào mua thành công cổ phần của GTNfoods nhằm tăng thị phần sữa trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành.

Đến tháng 6/2019, Vinamilk thông báo mua thành công hơn 90 triệu cổ phiếu GTN và nắm giữ gần 96 triệu cổ phiếu GTN, tương đương 38,24% vốn điều lệ của GTNFoods.

Sau đó, Vinamilk cũng chi 148,5 tỷ đồng mua thỏa thuận thêm 6,6 triệu cổ phiếu GTNT thông qua giao dịch thỏa thuận ngày 6/11. Giao dịch đã giúp tỷ lệ sở hữu của Vinamilk tại GTNFoods tăng lên 43,17%, tiếp tục củng cố vị trí cổ đông lớn nhất.

An Quý Hưng "thâu tóm" Vinaconex bằng 7.400 tỷ đồng

Với việc bán ra 255 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chính thức rút khỏi tổng công ty xây dựng lớn này. Nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty TNHH An Quý Hưng. Tổng giá trị thương vụ lên tới 7.367 tỷ đồng, tức An Quý Hưng đã trúng đấu giá khi hào phóng chi cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.

Ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, cái tên An Quý Hưng chưa quá nổi tiếng song lại "gây sốc" giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng cho thương vụ.

Ngay sau đấu giá, nhiều lo ngại về nguồn tiền mua lô cổ phiếu Vinaconex được đặt ra, bởi quy mô cuả An Quý Hưng lúc đó khá nhỏ so với Vinaconex. Vốn hoá của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ. Đây cũng là thương vụ ồn ào nhất trong thời gian qua.

Theo Bằng Lăng

Cùng chuyên mục
XEM