5 sai lầm khi deal lương khiến freelancer làm mãi vẫn không giàu

08/03/2020 11:09 AM | Sống

Bị trả công không xứng đáng với khối lượng công việc khổng lồ là nỗi ám ảnh chung của những người làm việc tự do. Làm sao để đàm phán được mức lương xứng đáng và tránh bị lợi dụng công sức là nỗi trăn trở mà ngay cả những freelancer lâu năm vẫn gặp phải. Sau đây là 5 lỗi cơ bản khi deal lương mà mọi freelancer cần tránh trước khi nhận bất kỳ dự án nào!

Làm việc tự do đang trở thành một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn trong giới trẻ ngày nay. Không cần bó mình trong văn phòng 8 tiếng mỗi ngày, không cần tốn thời gian di chuyển xa gần, cũng không bị giám sát bởi bộ máy rườm rà, trở thành một freelancer đem đến cho nhiều người sự tự do và lối sống linh hoạt hơn.

Tuyển các freelancer cũng đem đến nhiều ích lợi cho các công ty, giảm chi phí và tăng hiệu quả lao động hơn so với mô hình truyền thống. Vì vậy, sự gia tăng của cộng đồng làm việc tự do là một xu hướng tất yếu của thời đại.

Thế nhưng, mặt trái của công việc tự do là mức thu nhập không ổn định, đa phần là không tương xứng với mức lao động phải bỏ ra. Đối với những ai làm công việc tự do, cảnh tượng này chắc hẳn không xa lạ: Bạn nhận được một email chào mời một dự án làm việc đầy triển vọng. Bạn hào hứng với mọi điều kiện làm việc, cho đến khi đọc đến phần đề nghị giá cả với nội dung đại loại như "do ngân sách có giới hạn nên chúng tôi chỉ có thể trả cho bạn với giá X", với X là con số hoàn toàn thấp hơn so với mức bạn mong muốn.

Bạn đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc. Cuối cùng, bạn thở dài và chấp nhận đề nghị đó.

Có thể bạn muốn làm giàu thêm kinh nghiệm trong hồ sơ của mình. Có thể bạn đang cần tiền và không thể "kén cá chọn canh". Cũng có thể, bạn hi vọng nếu dự án này thành công, bạn sẽ có thêm những cơ hội tốt hơn trong tương lai.

Đó là những lý do phổ biến khiến các freelancer ngậm ngùi chấp nhận cảnh việc nặng lương thấp. Thế nhưng, bạn hoàn toàn không nhận ra rằng quyết định thỏa hiệp của mình không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của chính bạn, mà còn đến cả cộng đồng những người làm việc tự do. Đồng thời, nhiều freelancer chấp nhận hạ giá bản thân vì họ không hiểu rõ giá trị của công việc mình đang làm.

5 sai lầm khi deal lương khiến freelancer làm mãi vẫn không giàu - Ảnh 1.

Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến nhất khiến các freelancer không đạt được mức thu nhập tương xứng với giá trị của mình!

Sai lầm số 1: "Lần này làm tốt, khách hàng sẽ trả giá cao hơn vào lần tới"

Hãy nhớ rằng nếu ai đó quyết định thuê bạn nghĩa là hồ sơ của bạn đã phải đáp ứng các tiêu chí họ yêu cầu rồi. Do đó, bạn hãy tự tin rằng mình xứng đáng với một mức giá phù hợp với giá trị của bản thân. Không những thế, hãy nhìn xa hơn: nếu bạn chấp nhận hạ giá bản thân, đồng nghĩa với việc bạn đang kéo mức giá lao động xuống và gây khó khăn cho cả những người đồng nghiệp của mình.

Vậy làm thế nào để đưa ra một con số phù hợp? Để trả lời câu hỏi này, hãy chủ động chia sẻ mức lương cho các đầu việc với cộng đồng freelancer. Nếu tất cả mọi người chia sẻ thông tin cùng nhau, bạn sẽ dễ dàng định giá được mức lương trung bình và tránh bị khách hàng trả giá quá thấp.

Ngoài ra, khi bạn đã có một vài kinh nghiệm, hãy tổng hợp lại thành một "menu" giá cho các dịch vụ mà bạn cung cấp. So sánh dự án bạn đang thương lượng với những dự án bạn đã từng làm để đưa ra một mức giá khách quan, đồng thời thuyết phục cho khách hàng của bạn thấy được giá trị bạn đem lại là hợp lý.

Sai lầm số 2: "Việc gì cũng nên nhận, không có tiền thì có thêm kinh nghiệm cũng tốt"

Nhiều người cho rằng kinh nghiệm là một thứ đáng giá đến mức chấp nhận làm không công với lý do trên. Thế nhưng, kinh nghiệm không phải là thứ duy nhất bạn có. Để có thể trở thành một freelancer, ai cũng đã có một kĩ năng nhất định. Đó có thể là kĩ năng viết lách, dịch thuật, nhiếp ảnh... Kinh nghiệm chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, chứ không thể thay thế kĩ năng được.

Do đó, nếu bạn đáp ứng các kĩ năng mà dự án đòi hỏi, tức là bạn hoàn toàn có khả năng hoàn thành công việc, cũng như xứng đáng được nhận mức lương tương ứng. Số tiền bạn nhận được là để trả cho kĩ năng mà bạn đã dùi mài luyện tập, cũng như công sức lao động bạn đã bỏ ra, chứ không thể được trả bằng "kinh nghiệm".

5 sai lầm khi deal lương khiến freelancer làm mãi vẫn không giàu - Ảnh 2.

Sai lầm số 3: Sợ mang tiếng kén cá chọn canh

Đây là một lối suy nghĩ rất sai lầm mà nhiều freelancer hay mắc phải. Bạn không cần phải cảm thấy lo lắng khi từ chối một công việc không phù hợp, chỉ vì sợ mang tiếng "khó tính" hay "kén chọn".

Khi bạn chấp nhận làm những công việc đi ngược lại với mong muốn của bản thân, bạn đang tự ôm lấy sự mệt mỏi, áp lực tinh thần, cũng như bào mòn tính sáng tạo của mình. Nếu bạn chọn làm một freelancer vì muốn được làm chủ cuộc đời mình, tại sao lại chấp nhận những công việc khiến bạn thấy không hài lòng?

Sai lầm số 4: "Mình không phải là dân kinh doanh - mình không biết thương lượng giá cả với khách hàng"

Mỗi freelancer thực chất là một nhà kinh doanh: bạn đang xây dựng một thương hiệu cá nhân, trong đó sản phẩm là công việc bạn làm và nguồn vốn là kĩ năng bạn có. Bạn không làm thuê cho bất cứ ai - bạn là ông chủ của chính mình và khách hàng là người nhận được dịch vụ. Vì thế, hãy coi việc thương lượng giá cả là một cuộc đàm phán kinh doanh sòng phẳng. Đừng ngại ngần đưa ra mức giá xứng đáng với sản phẩm mà bạn cung cấp!

Hãy coi mỗi quyết định của bạn trong công việc là một quyết sách vận hành "doanh nghiệp cá nhân" mà bạn sở hữu. Bạn sẽ không chỉ trở nên thận trọng hơn với các dự án mình nhận, mà còn xây dựng cho mình một hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín trong mắt khách hàng.

5 sai lầm khi deal lương khiến freelancer làm mãi vẫn không giàu - Ảnh 3.

Sai lầm số 5: "Thị trường việc làm rất cạnh tranh, mình không nên chia sẻ với ai hết?

Số lượng người tìm việc thường lớn hơn nhiều so với số lượng việc tìm người. Do đó, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Nhiều người cho rằng nếu muốn duy trì công việc và các đối tác đang có thì không nên chia sẻ với những freelancer khác.

Thế nhưng, việc giữ bí mật vô hình chung lại bó hẹp mạng lưới thông tin của bạn. Điều này khiến bạn không chỉ khó khăn hơn trong việc mở rộng tìm kiếm công việc, mà còn khiến bạn bị thụ động và thiếu thông tin khi đàm phán giá cả. Khi bạn chịu cho đi, bạn sẽ nhận lại nhiều hơn thế. Kết nối với những freelancer, cùng chia sẻ thông tin về các nguồn việc và giá cả có thể giúp bạn tìm thấy những dự án đắt giá hơn. Ngoài ra, học hỏi kinh nghiệm làm việc từ các freelancer khác là cách nhanh nhất giúp bạn nâng cao khả năng của mình, hướng đến việc tăng thu nhập từ những dự án đòi hỏi yêu cầu cao hơn.

Thay vì coi các freelancer khác là đối thủ, kết nối với họ và biến họ thành những đồng minh đáng tin cậy là nước đi thông minh để sự nghiệp của bạn thăng hoa nhanh chóng!

Minh Hiền

Cùng chuyên mục
XEM